Muôn màu tái chế rác điện tử

Báo cáo Chất thải quốc gia của Australia cho thấy, có 531.000 tấn rác thải điện tử tại nước này trong giai đoạn 2020-2021. Giám đốc điều hành của Tổ chức Môi trường Planet Ark, bà Rebecca Gilling, cho biết, điều đó có nghĩa là mỗi người Australia trung bình tạo ra hơn 20kg rác thải, vượt xa mức trung bình toàn cầu bình quân đầu người khoảng 7kg.

Một nhà máy tái chế rác điện tử ở Australia. Ảnh: ABC

Một nhà máy tái chế rác điện tử ở Australia. Ảnh: ABC

Khoảng 54% trong số đó được gửi đi tái chế và khoảng 35% đã được thu hồi. Pin là một trong những loại rác thải điện tử bị cảnh báo. Các số liệu ước tính cho thấy 90% pin đã qua sử dụng ở Australia bị đưa vào bãi rác, rò rỉ các chất độc hại vào đất và nước. Tuy nhiên, nếu được xử lý đúng cách, 95% thành phần pin có thể được tái chế thành sản phẩm mới.

Để khắc phục, chính quyền các bang và vùng lãnh thổ ở Australia đã hợp tác với B-cycle, một chương trình do chính phủ liên bang hỗ trợ, để thiết lập các điểm thu gom pin gia dụng đã qua sử dụng tại các trung tâm tái chế cộng đồng và các cửa hàng bán lẻ lớn. Nhà chức trách cũng khuyến nghị rằng, ngay cả khi vứt pin không còn sử dụng vào đúng nơi được chỉ định, người dân vẫn nên thực hiện một biện pháp an toàn đơn giản để tránh nguy cơ cháy nổ. Có một số trường hợp ngoại lệ đối với pin đủ điều kiện tham gia chương trình tái chế B-cycle, bao gồm cả pin lithium thường được sử dụng trong xe đạp điện và xe tay ga.

Theo Giáo sư Tianyi Ma làm việc tại Đại học RMIT, pin lithium-ion được sử dụng trong nhiều thiết bị đời sống hàng ngày hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng, ví dụ trong điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng và máy ảnh kỹ thuật số, những thiết bị lớn hơn như xe điện, xe hơi, xe máy và thậm chí cả những thiết bị để lưu trữ năng lượng lưới trong các trang trại năng lượng Mặt trời. Rủi ro hàng đầu với pin lithium-ion là nguy cơ cháy nổ, vì bản thân lithium là một kim loại khá dễ nổ.

Để tránh rủi ro, Giáo sư Tianyi Ma khuyến nghị bảo quản pin lithium-ion ở nơi khô ráo, thoáng mát và trong hộp đựng không dẫn điện để tránh hiện tượng đoản mạch của pin. Nhiều cửa hàng điện tử và dịch vụ quản lý rác thải tại địa phương cung cấp dịch vụ tái chế pin, ví dụ như hệ thống bán văn phòng phẩm Officeworks, các hệ thống siêu thị Woolworths, Aldi, Bunnings… Khi tháo pin lithium ra khỏi sản phẩm bằng tay một cách an toàn, các đầu cực của pin phải được dán bằng băng không dẫn điện, giống như băng keo, trước khi gửi đi tái chế đến địa điểm được chỉ định. Giáo sư Ma nhấn mạnh rằng, an toàn là điều tối quan trọng khi xử lý pin cũ.

Ngoài ra, trên khắp Australia còn có một số chương trình quản lý sản phẩm để tái chế các thiết bị điện tử. Theo các chương trình này, các nhà sản xuất và nhập khẩu các sản phẩm đó được yêu cầu tài trợ cho nỗ lực tái chế. Các phụ kiện điện thoại và các thiết bị liên quan cũng được chấp nhận tái chế theo chương trình, ví dụ như bộ sạc, phụ kiện, modem, thiết bị đeo và thiết bị nhà thông minh. Việc tái chế điện thoại thông qua thiết bị thu gom di động là hoàn toàn miễn phí, thông qua một trong 3.000 địa điểm thu gom trên toàn Australia hoặc gửi qua bưu điện thông qua việc truy cập trang web mobilemuster.com.au và nhập mã bưu điện. Pin điện thoại di động cũng được tái chế thông qua chương trình Mobile Muster nếu vẫn nằm trong thiết bị. Nếu pin đã được tháo rời thì sẽ được gửi đi tái chế thông qua chương trình B-cycle dành riêng cho pin.

LAM ĐIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/muon-mau-tai-che-rac-dien-tu-post745733.html