Muôn nẻo đường lập nghiệp

Tìm được việc làm đã khó, chuyện khởi nghiệp, lập nghiệp lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng, bằng ý chí, nghị lực, sự quyết tâm, nhiều bạn trẻ đã đảo ngược tình thế 'nguy' thành 'cơ', biến những điều không thể thành điều có thể.

Hệ thống xử lý nước mà Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nghi Sơn nhập về phục vụ khách hàng.

Ngân Thị Quyên là người dân tộc Thái, sinh ra trong gia đình có 2 chị em. Tuy kinh tế không dư giả, song bố mẹ vẫn chăm lo cho hai con ăn học đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học môi trường, Trường Đại học Nông lâm (tỉnh Thái Nguyên), Quyên xin đi làm ở vài nơi không đúng với chuyên ngành đào tạo. Do công việc không ổn định nên thu nhập bấp bênh, trừ các khoản tiền thuê nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt, số tiền còn lại quá ít ỏi. Không trụ được nơi phố thị, Quyên đành trở về quê nhà. Năm 2020, nhận thấy thương hiệu vịt Cổ Lũng đã có sự nổi tiếng nhất định, lại ít hộ chăn nuôi, Quyên đề đạt nguyện vọng với bố mẹ, xin hỗ trợ, giúp đỡ, đầu tư 50 con vịt giống và 1 đàn gà. Vừa chăn nuôi, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, sách, báo, đài, qua internet... Nhờ chịu khó, ham học hỏi nên việc chăn nuôi của Quyên thuận lợi. Sau khi xuất chuồng lứa đầu thu về khoảng 7 - 8 triệu đồng, Quyên tiếp tục quay vòng vốn mua thêm giống vịt Cổ Lũng, vịt đẻ trứng, nuôi gà thịt bán phục vụ khách du lịch. Quyên chia sẻ: “Kiếm được tiền từ ý chí, niềm tin đã tạo sự hứng khởi và là động lực để em gây dựng cơ nghiệp. Em luôn trăn trở một điều là đầu ra ổn định cho vịt Cổ Lũng; muốn gắn kết nhiều bạn trẻ cùng tham gia chăn nuôi, nhằm nâng cao thu nhập, đời sống mỗi gia đình, làm thay đổi bộ mặt vùng quê nghèo”.

Với em Nguyễn Văn Năm, ở thị xã Nghi Sơn, là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Các anh chị đã lập gia đình và ở riêng, Năm ở với bố mẹ. Từ khi học cấp 2 em đã có ước mơ kiếm thật nhiều tiền để cuộc sống sau này đỡ vất vả. Do điều kiện gia đình nên em chọn học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn, vừa gần nhà, đỡ tốn kém, lại rút ngắn thời gian thực hiện ước mơ của mình. Suốt 4 năm học tập, rèn luyện, em không ngừng nỗ lực phấn đấu và tạo được thành tích tốt. Đó là, năm 2018, em tham gia cuộc thi kỹ năng nghề do tỉnh tổ chức và đoạt giải nhất. “Thành tích này đã giúp em có động lực lớn, khát khao tự chủ về kinh tế, mang kỹ năng nghề đã học được góp phần xây dựng gia đình, xã hội. Ra trường, em xin đi làm tại Công ty CP Công nghiệp INVICO (chuyên về điện công nghiệp) được hơn 1 năm. Có thêm kiến thức, kinh nghiệm ngành sản xuất tủ bảng điện, em chuyển sang làm tại Công ty CP Công nghệ môi trường Toàn Á, ứng tuyển vào vị trí kỹ thuật điện điều khiển. Trong môi trường làm việc năng động, tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc độc lập đã đúc kết cho em những kiến thức trong ngành xử lý nước. Niềm khát khao tự chủ về kinh tế cùng những kiến thức, kinh nghiệm đã thôi thúc em mạnh dạn về quê khởi nghiệp. Tháng 6-2022 em đứng ra thành lập Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nghi Sơn, kinh doanh nhóm ngành nghề tủ bảng điện công nghiệp, hệ thống điện thông minh, hệ thống xử lý nước... Buổi đầu dù rất nhiều gian nan, song em luôn cố gắng phát huy hết năng lực, sở trường của mình, từng bước phát triển doanh nghiệp. Đến nay, công ty đã ký kết được một số dự án tại các tỉnh, thành trên cả nước. Điển hình là dự án xử lý nước sinh hoạt tại Nhà máy Điện năng lượng Xuân Thọ 2, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên; hệ thống xử lý nước sinh hoạt tại Công ty TNHH MAXDRAM, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình... Hiện, công ty tạo việc làm cho 4 kỹ thuật viên chuyên đi chỉ đạo tại các công trình với thu nhập từ 8 đến 12 triệu đồng/tháng. Năm dự tính trong tương lai gần sẽ mở rộng quy mô kinh doanh thương mại, mở rộng kho bãi, nhập thêm nhiều thiết bị vật tư phục vụ khách hàng trên khắp cả nước, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Xét thấy mình không đủ khả năng theo học lên đại học, nên em Trần Đình Hải ở huyện Triệu Sơn đã chọn học ngành hàn tại Trường Cao đẳng nghề Thanh Hóa. “Em luôn mơ ước và nung nấu ý tưởng gây dựng một xưởng hàn. Nhưng sau khi tốt nghiệp, không có điều kiện mở xưởng, em xin làm tại một xưởng hàn có uy tín ở gần nhà. Khi thạo việc, em xin nghỉ, chuyển sang học tiếng Hàn và đi xuất khẩu lao động thị trường Hàn Quốc. Do có tay nghề, em được bố trí làm tại bộ phận đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao, với mức thu nhập gần 50 triệu đồng/tháng. Về nước, có vốn, có kinh nghiệm, tay nghề, em mở xưởng hàn, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động. Dù cuộc sống chưa thể gọi là giàu có nhưng em rất hài lòng vì đã tìm được con đường đi cho chính mình, làm đúng công việc được đào tạo, kinh qua, phù hợp sở trường, sở đoản...

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/muon-neo-duong-lap-nghiep/194440.htm