Muôn nẻo Euro: Đây rồi, bánh mì kebab Podolski

Bánh mì kebab (hay còn gọi là bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ) có bán nhiều nơi trên thế giới. Ở các tỉnh, thành phố Việt Nam, bánh mì kebab thường được học sinh mua ăn sáng. Tôi cũng là tín đồ của bánh mì kebab. Cứ nhìn tảng thịt hình trụ xoay tròn, mỡ cháy xèo xèo, miếng thịt ngả màu vàng ruộm là tôi lại ứa nước miếng.

Nhưng để kinh doanh bánh mì kebab hốt bạc như cựu tiền đạo đội tuyển Đức Podolski thì quả là hiếm. Sang Đức tác nghiệp, bạn bè bên này biết tôi khoái kebab nên vẫn nhắc: “Rảnh thì đi ăn bánh mỳ kebab Podolski”.

Nhiều cổ động viên châu Âu tìm đến cửa hàng bánh mì kebab của Podolski ở Cologne.

Nhiều cổ động viên châu Âu tìm đến cửa hàng bánh mì kebab của Podolski ở Cologne.

Không chỉ dân Đức mà cổ động viên Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan những ngày này cũng ùn ùn đến 30 cửa hàng bánh mì kebab của Podolski trên khắp nước Đức để thưởng thức. Cái gì cũng có lý do của nó, ông chủ là người Đức gốc Ba Lan, lại kinh doanh món ăn kinh điển của Thổ Nhĩ Kỳ; ăn bánh mì kebab để thắm tình hữu nghị và cũng là để cho thấy món ăn dân dã này đã toàn cầu hóa.

Cửa hàng kebab Mangal Doner đầu tiên của Podolski được mở bán vào năm 2018. Bữa đó, hơn 1.000 khách hàng đã đứng chật kín đường chờ đến giờ khai trương. Phải nói dân Đức rất có cảm tình với tiền đạo con cưng một thời Podolski và ông chủ cũng kinh doanh mát tay, nên cửa hàng kebab nào mở ra cũng đông khách.

Sau này, Podolski có lý giải, anh mở nhà hàng bánh mì kebab đặt tên Mangal Doner, bởi được truyền cảm hứng trong thời gian chơi cho đội bóng Galatasaray tại Thổ Nhĩ Kỳ, quê hương của món ăn này.

Bánh mì kebab Thổ Nhĩ Kỳ không có hình dáng giống như ổ bánh mì kẹp, hay bánh hình tam giác của Việt Nam; không dài như bánh mì que của Pháp; không tròn như Hamburger mà cấu trúc của nó là 1/5 của chiếc bánh tròn lớn phía ngoài được phủ lớp mè mỏng, khi ăn cho bánh vào máy ép nóng thơm mùi mè nướng, mùi bơ rồi cho nhân thịt, salad và nước xốt vào.

Bánh mì kebab có nhiều nhân kẹp bên trong đặc biệt là rất nhiều rau, dưa, hành tây, cà chua. Nước sốt cũng có nhiều loại cho khách hàng lựa chọn. Loại bánh mì này khá phổ biến ở Việt Nam nhưng với biến tấu khác nhau, nhưng chủ yếu dân ta dùng thịt lợn thay cho thịt bò, thịt gà, thịt cừu. Kebab là bánh mì bình dân nên dù ở Đức, giá cả cũng hết sức dễ chịu, chỉ vài euro/chiếc, được các cổ động viên và bạn trẻ ưa chuộng.

Bánh mì Kebab hầu như quốc gia nào cũng có. Như trên đã nói, để kinh doanh mát tay như Podolski lại là hữu duyên. Instagram cá nhân của Podolski đạt 5,7 triệu người theo dõi. Ngoài đời, cựu tuyển thủ Đức này khá giản dị, không phô trương hào nhoáng dù có khối tài sản kếch xù. Anh thường xuyên đăng ảnh cập nhật cuộc sống của mình lên trang cá nhân, như tập thể dục, giao lưu đá bóng, ca hát, đi du lịch, đi lấy hàng, trò chuyện thân mật cùng nhân viên, giao lưu hứng khởi với khách hàng...

Không chỉ mát tay trong việc kinh doanh bánh mì kebab mà thương hiệu đồ ngọt Ice Cream United của Podolski (ra mắt năm 2017) cũng sở hữu một tệp khách khá ấn tượng. Nhờ công việc kinh doanh thuận lợi, lại nhạy bén, nên tài sản của Podolski hiện ước tính vào khoảng 185 triệu euro.

Bữa đi thưởng thức kebab Podolski, người bạn tôi gợi ý: “Đi Cologne ăn nhé”. “Dở à, sao phải đi xa thế?”. “Biết đâu đến Cologne ăn bánh mì kebab, gặp Podolski thì sao. Đó là nơi gia đình Podolski sinh sống đó”. “Thế thì đi luôn”, tôi nở nụ cười tức thì. Tiếc là khi chúng tôi đến cửa hàng kebab Mangal Doner ở Cologne, thì không gặp Podolski. Nhưng bù lại, chúng tôi được trò chuyện với vô số cổ động viên châu Âu, kể ra cũng thú vị vô cùng. Hỏi chuyện mới biết, ai cũng có cảm tình với Podolski và đặc biệt, mọi người đều thấy ngon miệng khi thưởng thức kebab Mangal Doner của ông chủ sinh năm 1985 này.

Bài và ảnh: NGUYỄN DŨNG (từ Cologne, Đức)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/euro-2024/muon-neo-euro-day-roi-banh-mi-kebab-podolski-782641