Mường Khương phát triển mạnh vùng trồng ớt

Huyện Mường Khương đang tập trung phát triển mạnh vùng trồng ớt gắn với chế biến và tiêu thụ để bảo vệ thương hiệu tương ớt Mường Khương bền vững.

 Những nương ớt ở huyện Mường Khương đang bắt đầu chín đỏ.

Những nương ớt ở huyện Mường Khương đang bắt đầu chín đỏ.

Thời điểm này, những nương ớt ở Mường Khương bắt đầu chín đỏ, nông dân bước vào giai đoạn thu hoạch để cung ứng ra thị trường. Từ lâu, ớt Mường Khương đã nổi tiếng bởi vị cay đậm, thơm đặc trưng mà ít nơi nào có được. Ớt Mường Khương cũng là nguyên liệu không thể thiếu để làm nên thương hiệu tương ớt trứ danh xứ Mường.

Những người dân ở Mường Khương cũng không rõ giống ớt địa phương được ai mang về và trồng từ bao giờ. Họ chỉ biết “nghề” trồng ớt và làm tương ớt có từ rất lâu, được truyền từ đời này sang đời khác. Trước đây, nông dân Mường Khương thường trồng ớt quả nhỏ, vỏ nhăn, vị cay đậm đà thì nay, một số xã trên địa bàn đã trồng thêm loại ớt chỉ thiên (ớt lai) cho năng suất cao hơn. Mặc dù là giống ớt lai nhưng khi trồng trên đất Mường Khương vẫn cho vị cay đậm đà và thơm không kém gì giống ớt bản địa, có thể sử dụng làm nguyên liệu chính để sản xuất tương ớt truyền thống.

 Gia đình bà Lồ Thị Liên, thôn Sín Chải, xã Thanh Bình tất bật thu hoạch ớt.

Gia đình bà Lồ Thị Liên, thôn Sín Chải, xã Thanh Bình tất bật thu hoạch ớt.

Vừa đầu vụ, nông dân xã Thanh Bình, huyện Mường Khương đã tất bật lên nương thu hoạch ớt. Cả xã Thanh Bình có khoảng 14 ha ớt thì có 12 ha được hỗ trợ giống và một phần phân bón với tổng mức hỗ trợ 200 triệu đồng. Năm nay, nông dân phấn khởi hơn vì các cấp, ngành hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp, hợp tác xã giúp người dân tiêu thụ quả ớt tươi.

Nông dân huyện Mường Khương thu hoạch ớt.

Vụ này, gia đình bà Lồ Thị Liên, thôn Sín Chải, xã Thanh Bình trồng khoảng 0,2 ha ớt chỉ thiên. Bà Liên phấn khởi chia sẻ: Tuần trước, tôi vừa hái được 79 kg quả ớt, bán cho một cơ sở chế biến tương ớt tại thị trấn Mường Khương. Năm nay, giá ớt không được cao như năm trước nhưng vẫn bán được 13 nghìn đồng/kg. Trồng ớt cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng ngô. Nếu cùng diện tích này trồng ngô một năm thu được khoảng 10 triệu đồng thì trồng ớt ít nhất cũng thu được khoảng 25 triệu đồng. Tuy nhiên, trồng ớt cũng tốn nhiều công chăm sóc hơn trồng ngô vì cây ớt hay bị sâu bệnh, phải kiểm tra thường xuyên để áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời.

 Chị Vàng Trang Xoan cùng thành viên Tổ trồng ớt thôn Lao Hầu thu hoạch quả ớt.

Chị Vàng Trang Xoan cùng thành viên Tổ trồng ớt thôn Lao Hầu thu hoạch quả ớt.

Để trồng ớt đạt hiệu quả cao, 31 hộ dân thôn Lao Hầu đã thành lập Tổ trồng ớt. Không chỉ chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm trồng ớt, Tổ trồng ớt thôn Lao Hầu còn giúp nhau tiêu thụ quả ớt. Ở thôn Lao Hầu, người dân trồng cả ớt bản địa và ớt chỉ thiên.

Chị Vàng Trang Xoan, Tổ trưởng Tổ trồng ớt thôn Lao Hầu chia sẻ: Quả ớt chỉ thiên không cay và thơm bằng ớt bản địa nhưng cho năng suất cao hơn. Hiện giá bán quả ớt chỉ thiên đang được các hợp tác xã thu mua ở mức 13 – 15 nghìn đồng/kg, trong khi đó ớt bản địa bán với giá trung bình khoảng 35 nghìn đồng/kg. Trồng ớt cho hiệu quả kinh tế cao hơn khoảng 5 lần so với trồng ngô hoặc lúa nương. Trên cùng một diện tích canh tác, nếu trồng ngô thu được khoảng 2 triệu đồng/năm thì trồng ớt thu được khoảng 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ giống, một phần phân bón và kết nối tiêu thụ sản phẩm thì nông dân càng yên tâm để phát triển mô hình trồng ớt theo hướng hàng hóa.

 Ớt trồng tại Mường Khương có vị cay đậm đà, thơm đặc trưng, là nguyên liệu chính để sản xuất tương ớt.

Ớt trồng tại Mường Khương có vị cay đậm đà, thơm đặc trưng, là nguyên liệu chính để sản xuất tương ớt.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương, hiện toàn huyện có khoảng 200 ha ớt (100 ha ớt bản địa và 100 ha ớt chỉ thiên), trải khắp địa bàn 16 xã, thị trấn. Trong đó, phần lớn diện tích trồng ớt tập trung ở các xã: Thanh Bình, Nấm Lư, Bản Sen, Lùng Vai và thị trấn Mường Khương… Thông thường năng suất ớt bản địa đạt trung bình khoảng 5 tấn/ha, trong khi đó ớt chỉ thiên cho sản lượng đạt ít nhất 10 tấn/ha/năm. Trong điều kiện sản xuất thuận lợi, dự kiến năm 2024, nông dân huyện Mường Khương sẽ thu được khoảng 500 tấn quả ớt bản địa và 1.000 tấn quả ớt chỉ thiên; tổng giá trị từ trồng ớt đạt khoảng 30 tỷ đồng.

 Sơ chế ớt quả để làm tương ớt tại Hợp tác xã Châu Thịnh Phong.

Sơ chế ớt quả để làm tương ớt tại Hợp tác xã Châu Thịnh Phong.

Là đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản có tiếng tại huyện Mường Khương, Hợp tác xã Châu Thịnh Phong đã đầu tư máy móc, thiết bị, nhà xưởng để sản xuất tương ớt nhằm tiêu thụ quả ớt tươi cho bà con. Mặc dù mới ở giai đoạn đầu vụ nhưng người lao động của hợp tác xã đã tất bật nhặt, rửa, phối trộn các nguyên liệu để sản xuất những mẻ tương ớt Mường Khương thơm ngon.

Sản xuất tương ớt Mường Khương tại Hợp tác xã Châu Thịnh Phong.

Chị Vàng Thị Hoa, Phó Giám đốc Hợp tác xã Châu Thịnh Phong chia sẻ: Từ đầu vụ đến nay, hợp tác xã đã thu mua gần 20 tấn quả ớt tươi của nông dân trên địa bàn huyện để sản xuất tương ớt. Dự kiến năm 2024, hợp tác xã sẽ thu mua khoảng 200 – 250 tấn ớt nguyên liệu. Nhờ nguồn nguyên liệu chất lượng, tương ớt Mường Khương luôn được thị trường ưa chuộng. Tương ớt do hợp tác xã sản xuất hiện đang tiêu thụ chủ yếu tại thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác trong cả nước. Bên cạnh kênh tiêu thụ truyền thống, hợp tác xã còn xây dựng gian hàng trên các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm tương ớt Mường Khương đi xa, đến gần hơn với người tiêu dùng trong cả nước.

Nói về việc mở rộng, duy trì diện tích trồng ớt và giữ vững thương hiệu tương ớt Mường Khương, ông Lê Thanh Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương cho biết: Ớt là cây trồng tiềm năng, có hiệu quả kinh tế cao nên huyện Mường Khương đã triển khai nhiều biện pháp để khuyến khích phát triển. Trong đó, vừa sử dụng các nguồn vốn phù hợp để duy trì 200 ha ớt, vừa đẩy mạnh liên kết tiêu thụ và hướng dẫn người dân trồng rải vụ… để cung cấp nguyên liệu cho 20 cơ sở chế biến tương ớt trên địa bàn huyện, hướng tới sử dụng 100% nguyên liệu ớt tươi trồng tại Mường Khương để sản xuất tương ớt, góp phần giữ vững thương hiệu tương ớt của địa phương.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/muong-khuong-phat-trien-manh-vung-trong-ot-post385591.html