Mỹ áp thuế 46%, Việt Nam cần làm gì?

Chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng đàm phán tạm hoãn việc áp thuế cao trong một khoảng thời gian nhất định, để tạo cơ hội cho cả Mỹ và Việt Nam tiến hành giải quyết các vấn đề liên quan thuế quan.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới tuyên bố áp mức thuế đối ứng đối với hàng chục quốc gia, trong đó Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ cũng bị áp mức thuế đối ứng lên tới 46%. Mức thuế cơ bản 10% sẽ được áp dụng từ ngày 5/4, trong khi các mức thuế đối ứng sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4.

Mức thuế 46% thực sự không công bằng

Nhìn nhận về mức thuế đối ứng 46% Mỹ mới đưa ra, Chuyên gia kinh tế, TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc Mỹ áp thuế nhập khẩu đối với Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Vì thực tế chênh lệch thương mại giữa hai quốc gia còn quá lớn, khi Việt Nam vẫn đang đứng thứ 3 trong số các quốc gia Mỹ nhập siêu, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Chuyên gia cho rằng, mức thuế đối ứng Mỹ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam tới 46% là thực sự không công bằng

Chuyên gia cho rằng, mức thuế đối ứng Mỹ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam tới 46% là thực sự không công bằng

Tuy nhiên, mức thuế được Tổng thống Donald Trump đưa ra ngày 2/4 là quá cao, gây bất ngờ và Việt Nam nằm trong số rất ít các quốc gia bị áp mức thuế cao như vậy. Trong khi mức thuế suất bình quân của biểu thuế của Việt Nam chỉ là 9,4%, và phần lớn các mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam chịu mức thuế suất khoảng 15%, ngoại trừ một số ít mặt hàng. Vì vậy, mức thuế đối ứng Mỹ dự kiến áp cho hàng hóa Việt Nam lên tới 46% là thực sự không công bằng.

“Sắc thuế mới của Mỹ không phản ánh thiện chí và nỗ lực của Việt Nam thời gian vừa qua, trong việc xử lý tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước. Đơn cử như Chính phủ ban hành Nghị định 73 giảm thuế hàng nhập khẩu, trong đó 13 nhóm hàng có lợi thế của Mỹ được hưởng lợi. Cùng với đó, rất nhiều dự án của Mỹ tại Việt Nam được Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm, giải quyết và tháo gỡ khó khăn vướng mắc”, ông Phương đề cập.

Trước động thái tăng thuế đối ứng từ phía Mỹ, để giảm tối đa tác động đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, TS Lê Quốc Phương đề xuất Chính phủ trước hết tìm cách đàm phán và thuyết phục mềm mỏng đối với Mỹ, tạm hoãn áp dụng mức thuế đối ứng cao đến một thời điểm nhất định để đi tới một kết quả hai bên cùng có lợi. Về lâu dài, Việt Nam cần tiếp tục xem xét giảm thuế thêm các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ; thực hiện những thay đổi về văn bản quy phạm pháp luật, ban hành những quy định mới để hiện thực hóa việc nhập khẩu từ Mỹ.

Đối với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp (DN), theo TS Lê Quốc Phương, các DN xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh từ 17 Hiệp định thương mại tự do. Nếu các DN tiếp tục xuất khẩu sang Mỹ, cần phải đàm phán với các nhà nhập khẩu để thống nhất điều chỉnh giá sản phẩm. DN cũng nên đề nghị các nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm 1 phần về giá sản phẩm, không thể để nhà xuất khẩu phải chịu toàn bộ chi phí gia tăng từ chính sách thuế mới.

Giải pháp dài hạn và có nhiều khó khăn hơn, đó là các DN cần tìm cách mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thời gian qua, do Mỹ là thị trường lớn, thuế nhập khẩu lại thấp nên các DN đã quá tập trung vào thị trường này dẫn đến bị phụ thuộc.

Đàm phán tạm hoãn việc áp mức thuế cao

Đánh giá tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, tác động đầu tiên các DN Việt phải hứng chịu là giảm năng lực cạnh tranh so với các quốc gia khác. Những mặt hàng chủ lực, có kim ngạch xuất khẩu lớn vào Mỹ như đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ sẽ chịu tác động nặng nề nhất. Từ đó, Việt Nam cũng sẽ mất đi nguồn thu từ thuế và cơ hội tạo việc làm.

Cùng với đó, Việt Nam còn chịu tác động cộng hưởng từ toàn cầu, bao gồm chiến tranh thương mại và suy thoái kinh tế, đã và sẽ giảm sút thương mại toàn cầu và đầu tư quốc tế. “Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng duy trì tăng trưởng của Việt Nam. Bởi nếu xuất khẩu và nhập khẩu giảm, nền kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn lớn hơn trong việc duy trì sự tăng trưởng. Ngoài ra, sự suy giảm trong các ngành xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước, vì các DN xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động của Việt Nam”, TS Nguyễn Quốc Việt nói.

Mỹ và Việt Nam cần tiến hành đàm phán và giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế quan

Mỹ và Việt Nam cần tiến hành đàm phán và giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế quan

Ngoài tác động đến xuất khẩu, TS Nguyễn Quốc Việt còn nói đến ảnh hưởng của sắc thuế mới đối với thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trước đây, Việt Nam có lợi thế thu hút FDI khi các nhà đầu tư chuyển hướng từ Trung Quốc do chiến tranh thương mại và các chính sách thuế quan từ Mỹ. Tuy nhiên, nếu Việt Nam phải chịu mức thuế cao, lợi thế này sẽ giảm đi rất nhiều. Các nhà đầu tư có thể quay trở lại Mỹ hoặc chuyển sang các quốc gia khác với chi phí sản xuất thấp hơn và mức thuế thấp hơn, điều này sẽ khiến Việt Nam mất đi một phần lớn dòng vốn đầu tư.

Do đó, để ứng phó trước mắt, theo TS Nguyễn Quốc Việt, Việt Nam cần nhanh chóng đàm phán tạm hoãn việc áp thuế cao trong một khoảng thời gian nhất định, để tạo cơ hội cho cả Mỹ và Việt Nam tiến hành đàm phán và giải quyết các vấn đề liên quan đến thuế quan. Việc này đồng thời sẽ giúp các DN của hai bên có thời gian chuẩn bị, giảm thiểu sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

“Một giải pháp quan trọng khác là Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội DN quốc tế, đặc biệt là các hiệp hội lớn từ EU và các quốc gia khác để cùng đưa ra các kiến nghị; phối hợp đàm phán về thuế quan và chính sách thương mại, từ đó bảo vệ lợi ích của các DN xuất khẩu Việt Nam. Việc này không chỉ giúp duy trì các quan hệ thương mại hiện có, còn giúp thúc đẩy các cơ hội hợp tác mới với các thị trường ngoài Mỹ, hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ”, TS Nguyễn Quốc Việt nêu quan điểm.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/my-ap-thue-46-viet-nam-can-lam-gi-post1189606.vov