Mỹ áp thuế đối ứng 46% lên hàng Việt: Hàng loạt doanh nghiệp gặp khó
Theo TS Bùi Quý Thuấn - Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA), việc Mỹ quyết định áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam sẽ giảm cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Mỹ, đồng thời gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam.
Mỹ vừa thông báo áp thuế nhập khẩu tối thiểu 10% lên tất cả các quốc gia xuất khẩu vào nước này, cùng với mức thuế cao hơn đối với khoảng 60 nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ.
Theo đó, từ ngày 5/4 tới, Mỹ chính thức áp mức thuế nhập khẩu tối thiểu 10% đối với tất cả các quốc gia xuất khẩu vào nước này. Còn từ ngày 9/4, mức thuế cao hơn sẽ được áp dụng với hơn 60 quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, theo chính sách thuế "có đi có lại" nhằm giảm mất cân bằng thương mại.
Trong danh sách này, Việt Nam bị áp thuế 46%, cao thứ hai chỉ sau Campuchia (49%) và cao hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan (36%), Ấn Độ (26%), Indonesia (32%) hay Malaysia (24%). Trung Quốc – đối tác thương mại lớn của Mỹ – bị áp thuế 34%.
Theo Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính sách thuế đối ứng này nhằm bảo vệ doanh nghiệp Mỹ, duy trì việc làm và bảo đảm công bằng trong thương mại quốc tế.
Theo số liệu từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR), xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 đạt 136,6 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Với mức thuế 46%, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ có thể chịu khoảng 62,83 tỷ USD tiền thuế. Điều này khiến Việt Nam chịu mức thuế cao hơn từ 10-20% so với các đối thủ cạnh tranh chính.

Tổng thống Donald Trump mạnh tay đánh thuế đối ứng với các quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ.
Bình luận về mức thuế 46% Mỹ áp với Việt Nam, TS Bùi Quý Thuấn - Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) cho biết, nhìn vào các mức thuế này thì mức thuế áp cho Việt Nam so đối với các đối thủ cạnh tranh chính lại thấp hơn, điều này có nghĩa mức thuế xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ 10 – 20%.
"Điều này sẽ làm giảm cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Mỹ. Đồng thời sẽ gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam", ông Thuấn nhìn nhận.
Theo số liệu của Bộ Công Thương và Cục thống kê, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 đạt 136,6 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ là 13,1 tỷ USD. Như vậy, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là 123,5 tỷ USD.
"Quyết định của Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể tạo ra những thay đổi tích cực về lâu dài trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các cải cách về thể chế và các chính sách kinh tế và khoa học công nghệ trong thời gian gần đây", Phó Trưởng Ban nghiên cứu VIPFA chia sẻ.

TS Bùi Quý Thuấn - Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA).
Việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal (2,2 tỷ người), Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi… Điều này giúp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn. Khi xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể chuyển hướng sang thị trường nội địa với dung lượng hơn 100 triệu dân.
Theo ông Thuấn, đứng trước chính sách thuế quan của Mỹ, Việt Nam cần tiếp tục đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Mỹ. Định hướng và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường. Thu hút đầu tư các tập đoàn lớn của Mỹ vào Việt Nam cũng như tăng cường mua hàng từ Mỹ.
Việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa thị trường cần được lưu tâm. Thêm vào đó, thúc đẩy nhanh các chính sách kinh tế mới như đầu tư công để kích cầu, hay phát triển kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn.
Đặc biệt, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng cách cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh thực chất hơn nữa.
Với doanh nghiệp, ông Thuấn khuyến nghị có thể đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số nhanh hơn và xanh hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu cao hơn từ các thị trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam trong dài hạn.
"Các doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng hơn vào việc đầu tư cho nghiên cứu và phát triển; mở rộng và đa dạng thị trường; cải tiến, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm giảm chi phí và tạo ra những sản phẩm khác biệt thì mới có thể sòng phẳng cạnh tranh mà không lo ngại những rủi ro về chính sách thuế cũng như các rào cản phi thuế quan của các đối tác thương mại lớn trong tương lai.
Tác động tiêu cực sẽ rõ rệt trong ngắn hạn, đặc biệt với các ngành xuất khẩu chủ lực như hàng điện tử, dệt may – da giầy, đồ gỗ và nội thất,…và tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên sẽ là thách thức trong năm 2025. Tuy nhiên, thách thức này theo tôi cũng sẽ có thể trở thành động lực để nền kinh tế chuyển đổi theo hướng bền vững hơn trong tương lai", chuyên gia nhấn mạnh.
Ông Tony Dzung (Nguyễn Tiến Dũng) - Chủ tịch HBR Holdings cũng nhấn mạnh việc doanh nghiệp trong nước cần thúc đẩy nội lực, chuyển đổi số và nâng cao giá trị sản phẩm.
"Đây là thời điểm để doanh nghiệp Việt Nam chuyển mình thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tăng giá trị sản phẩm cũng như phát triển thương hiệu riêng thay vì gia công cho nước ngoài. Ở góc độ Chính phủ, Việt Nam cần đàm phán song phương với Mỹ để giảm hoặc miễn áp thuế cho một số mặt hàng chiến lược. Cùng đó cần hỗ trợ tín dụng và thuế cho các doanh nghiệp chịu tác động", ông Tony Dzung chia sẻ.