Mỹ chính thức áp thuế đối ứng 46%: Căng thẳng thương mại và nhịp gõ thị trường

Việc Tổng thống Donald Trump quyết định áp mức thuế đối ứng lên tới 46% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam kể từ ngày 9/4 là một cú hích đáng kể vào chuỗi giá trị xuất khẩu - vốn là một trong ba động lực chính của tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua.

Mức thuế đối ứng 46% - cú hích mạnh vào chuỗi giá trị xuất khẩu

Việc Tổng thống Donald Trump quyết định áp mức thuế lên tới 46% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam kể từ ngày 9/4 là một cú hích đáng kể vào chuỗi giá trị xuất khẩu - vốn là một trong những động lực chính của tăng trưởng suốt hơn một thập kỷ qua. Không chỉ là vấn đề về chi phí hay lợi thế cạnh tranh, điều đáng lo ngại hơn là xu hướng bảo hộ quay trở lại trong chính sách thương mại của nền kinh tế số một thế giới. Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam, thì cánh cửa vào thị trường Mỹ - chiếm tỷ trọng lớn nhất trong kim ngạch xuất khẩu - có nguy cơ khép lại từng phần.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và cũng là quốc gia có mức thặng dư thương mại cao với nền kinh tế số một thế giới. Biện pháp này của Mỹ được lý giải là "chống gian lận thương mại và bảo vệ việc làm trong nước", nhưng từ góc nhìn Việt Nam, đây là rào cản lớn với hàng hóa xuất khẩu - động lực tăng trưởng trong nhiều năm qua.

Việt Nam đã chủ động đề xuất nhiều biện pháp để duy trì quan hệ thương mại cân bằng. Trong đó, việc mua thêm các sản phẩm quốc phòng - an ninh từ Mỹ, cũng như đề xuất hoãn áp dụng mức thuế trong vòng 45 ngày, thể hiện rõ thiện chí, nỗ lực và mong muốn đối thoại. Tuy nhiên, phản ứng từ phía Mỹ vẫn còn cứng rắn.

Nếu mức thuế này không được điều chỉnh, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ

Nếu mức thuế này không được điều chỉnh, việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, thậm chí thua lỗ

Cần những giải pháp linh hoạt

Thị trường chứng khoán đã phản ứng gần như ngay lập tức. VN-Index giảm gần 14% chỉ trong vài phiên, riêng ngày 9/4 mất tiếp hơn 38 điểm và thủng mốc 1.100 điểm. Không chỉ là hệ quả tâm lý, đây còn là lời cảnh báo về mức độ mong manh của niềm tin vào triển vọng kinh tế ngắn hạn. Đặc biệt với các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ, tác động sẽ không chỉ nằm trên giấy tờ kế toán, mà sẽ hiện rõ trong từng kế hoạch sản xuất, tuyển dụng và mở rộng thị phần.

Tăng trưởng GDP quý I đạt 6,93%, thấp hơn mức 7,55% của quý IV/2024. Con số này chưa đến mức đáng lo, nhưng nếu đặt trong tương quan với các yếu tố địa chính trị, thương mại và tâm lý thị trường, nó cho thấy đà phục hồi hậu Covid-19 đang gặp lực cản mới. Một lần nữa, bài toán về nội lực - từ tiêu dùng, đầu tư tư nhân đến năng lực đổi mới công nghệ - lại được đặt lên bàn.

Trong khi đó, thị trường vàng tiếp tục diễn biến theo chiều hướng “trú ẩn”. Giá vàng trong nước 14h ngày 9/4 lên mức 99,7 triệu đồng/lượng giá mua vào (tăng 2 triệu) và 101,9 triệu đồng/lượng giá bán ra - tăng 1,7 triệu đồng/lượng so với hôm trước. Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế cùng thời điểm được ghi nhận ở mức 3.082 USD/ounce.

Bối cảnh này đòi hỏi chính sách phải giữ được tính linh hoạt cao, không cực đoan, không vội vàng. Cân bằng giữa kiểm soát rủi ro và thúc đẩy tăng trưởng là nghệ thuật điều hành, không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà cả hệ thống tài chính - ngân sách phải cùng nhập cuộc. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động tái cấu trúc thị trường, tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao năng lực thích ứng trong một thế giới mà sự bất định đang trở thành thường trực./.

Thu Thùy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/my-chinh-thuc-ap-thue-doi-ung-46-cang-thang-thuong-mai-va-nhip-go-thi-truong-post1190862.vov