Mỹ chuyển ưu tiên từ hỗ trợ phục hồi kinh tế sang kiểm soát lạm phát

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế phục hồi nhanh, nhưng lạm phát tăng cao, giới chức Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) quyết định đẩy nhanh tiến độ giảm mua trái phiếu, sẵn sàng cho bước tăng lãi suất với dự kiến ba đợt trong năm 2022.

Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tháng 3/2020. Ảnh: AFP

Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu tại một cuộc họp báo hồi tháng 3/2020. Ảnh: AFP

Giới hoạch định chính sách của FED ngày 15/12 đã chuyển sang mô hình ưu tiên kiềm chế lạm phát, với quyết định đẩy nhanh tiến độ cắt giảm chương trình mua trái phiếu ở thời điểm kinh tế Mỹ phục hồi tăng trưởng tốt, nhưng kèm theo đó là xu hướng lạm phát tăng vọt. Ẩn sau đó còn là đường hướng về lãi suất năm 2022.

Thông cáo của FED cho thấy cơ quan này sẽ tăng lãi suất trong năm tới, dự kiến với ba lần tăng. “Những tín hiệu về phát triển kinh tế cùng với thay đổi trong triển vọng là nhân tố thúc đẩy bước chuyển dịch này”, Chủ tịch FED Jerome H. Powell nêu quan điểm. Với việc mạnh tay cắt giảm nghiệp vụ mua trái phiếu, FED hướng đến mục tiêu hoàn tất gói kích thích kinh tế này vào tháng 3/2022.

Động thái trên sẽ đẩy giới hoạch định FED vào tâm thế sẵn sàng tăng lãi suất, với thời điểm sớm hơn dự kiến. Những dự báo kinh tế mà FED đưa ra cho thấy lãi suất, vốn được duy trì ở mức gần 0% từ tháng 3/2020, có thể sẽ được nâng lên mức 2,1% vào cuối năm 2024. Cuộc họp cuối cùng của FED trong năm 2021 đánh dấu dịch chuyển bước ngoặt trong điều hành chính sách của cơ quan này, từ tập trung hỗ trợ phục hồi kinh tế sang ngăn chặn nguy cơ lạm phát tăng cao và có nguy cơ kéo dài.

Theo ông Powell, Mỹ đang tiến tiến nhanh đến mốc toàn dụng lao động, với tỉ lệ thất nghiệp hiện ở mức 4,2% và được dự báo xuống còn 3,5% vào cuối năm 2022, sớm hơn các dự báo trước đó. Tuy nhiên, lạm phạt đứng ở mức cao và kéo dài hơn so với ước đoán của giới chức FED. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã lên mức 6,8% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng cao nhất kể từ năm 1982.

Một số chuyên gia kinh tế cảnh báo biến thể mới Omicron có thể khiến lạm phát còn đứng ở mức cao và kéo dài, một khi lây lan của virus làm đứt gãy mạnh hơn nữa đối với chuỗi cung, buộc các nhà máy phải đóng cửa trong một thời gian nhất định. Ông Powell trong bài phát biểu ngày 15/12 cũng đã thừa nhận rằng COVID-19 với sự xuất hiện của biến thể Omicron vẫn là nguy cơ khiến triển vọng kinh tế Mỹ gặp bất chắc.

Việc FED công khai nghị trình ưu tiên kiềm chế lạm phát diễn ra sau khi Tổng thống Joe Biden ngày 22/11 cho biết sẽ chỉ định ông Powell tiếp tục đảm nhận nhiệm kỳ hai trên cương vị người đứng đầu FED. Ông Biden tin rằng Chủ tịch FED sẽ tập trung xử lý ổn thỏa cả hai yêu cầu về kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhờ đó tạo thêm việc làm và tăng mức thu nhập cho người lao động.

Về phần mình, ông Powell bác bỏ ý kiến cho rằng FED chuyển sang ưu tiên kiềm chế lạm phát là do đã nhận được bảo đảm tại vị, nói rằng quyết định đã được cân nhắc kĩ trước đó. Ông Powell cùng các đồng nghiệp và nhiều chuyên gia kinh tế lúc đầu kỳ vọng lạm phát sẽ dịu lại sau khi nền kinh tế trải qua giai đoạn tái mở cửa đầy ghập ghềnh sau thời gian đóng cửa để kiểm soát đại dịch COVID-19.

Nhưng theo người đứng đầu FED, mọi tính toán đã có sự dịch chuyển sau ngày Lễ Lao động (Labor Day) 6/9. Đó là thời điểm thị trường việc làm phát đi tín hiếu khởi sắc và lạm phát vẫn không có chiều hướng đi xuống. Ngay trước phiên họp của FED diễn ra vào đầu tháng 11 vừa qua, mức tăng thu nhập đã lên sát ngưỡng Chỉ số chi tiêu cho lao động (ECI, Employment Cost Index) – bộ chỉ số đo lường chi tiêu mà chủ sử dụng lao động phải bỏ ra để chi trả cho nhân công.

Theo ông Powell, FED nhận được dữ liệu về ECI ngay trước thềm phiên họp tháng 11 và chỉ số này tăng rất cao. Đó là một phần nguyên nhân khiến FED hé mở kế hoạch giảm chương trình mua trái phiếu sớm hơn những gì mà giới chức cơ quan này từng đề cập trước đó. Chỉ số ECI được tạo ra để tính toán sự thay đổi trong chi tiêu cho lao động bao gồm tiền công, tiền lương cũng như lợi ích đạt được. Nó rất hữu ích trong việc đánh giá xu hướng tiền lương và rủi ro của lạm phát tiền lương.

Những diễn biến tích cực trên thị trường lao động dường như giúp FED quyết tâm và tự tin hơn trong dịch chuyển chính sách. Bởi lẽ thị trường việc làm tốt lên, giới chức FED sẽ không phải quan tâm nhiều đến mục tiêu kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp khi siết chặt kiểm soát giá tiêu dùng.

Tuấn Linh/Báo Tin tức (Theo NYT)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/my-chuyen-uu-tien-tu-ho-tro-phuc-hoi-kinh-te-sang-kiem-soat-lam-phat-20211216150645622.htm