Mỹ có thể biết trước nếu Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine
Các chuyên gia về vũ khí hạt nhân nhận định Mỹ có thể dự đoán được thời điểm Nga chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine - nếu Moscow quyết định như vậy.
“Tôi tự tin rằng Mỹ có thể nắm được bất kỳ sự chuẩn bị nào của Nga về việc sử dụng vũ khí hạt nhân", ông Mark Cancian, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) kiêm đại tá về hưu, chia sẻ với AFP.
Ông Cancian cho rằng nếu Nga chuẩn bị tấn công hạt nhân, họ sẽ phải lấy các vũ khí hạt nhân từ các kho lưu trữ đặc biệt, di chuyển chúng tới các địa điểm khai hỏa, báo động các lực lượng hạt nhân chiến lược và các đơn vị liên quan.
Do vậy, vị chuyên gia này nói Mỹ có thể dễ dàng phát hiện nếu Nga chuẩn bị một cuộc tấn công hạt nhân, do Moscow sẽ phải cấp cho các đơn vị quân sự thiết bị bảo hộ và hướng dẫn hành động trong môi trường hạt nhân.
Ông Pavel Podvig, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Giải trừ Quân bị Liên Hợp Quốc, cho biết tương tự Washington, Moscow luôn có những quy định bảo quản và triển khai khắt khe đối với các kho đầu đạn hạt nhân.
"Việc bảo quản vũ khí hạt nhân yêu cầu một cấu trúc nhất định, với lực lượng quân sự được đào tạo bài bản để bảo quản và triển khai. Không thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở một nơi ngẫu nhiên. Bởi vậy, chúng tôi khá chắc chắn Nga không có cơ sở hạt nhân bí mật nào", ông Podvig chia sẻ.
Một báo cáo năm 2017 của viện cho thấy có 47 cơ sở lưu trữ hạt nhân trên khắp nước Nga, bao gồm 12 cơ sở cấp quốc gia và 35 cơ sở địa phương.
Toàn bộ đều được giám sát liên tục bởi các vệ tinh tình báo và quân sự của Mỹ cùng nhiều quốc gia khác, ông Podvig nói thêm. Các cơ sở này thậm chí có thể theo dõi qua các vệ tinh thương mại, tương tự với hình ảnh được cập nhật thường xuyên về hoạt động tại các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Nga sẽ muốn công khai về ý định sử dụng vũ khí hạt nhân của mình như một lời cảnh báo gửi tới phương Tây.
Dù vậy, nếu căng thẳng leo thang, Nga có thể sẽ sử dụng các vũ khí hạt nhân chiến thuật loại nhỏ có khả năng được phóng từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander.
"Không có hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander nào được phát hiện di chuyển. Các vũ khí chiến thuật vẫn đang được bảo quản", ông Podvig cho biết. Hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander có thể mang các đầu đạn hạt nhân và đầu đạn theo quy ước.
Một số báo cáo cho thấy Nga hiện sở hữu lên tới 2.000 vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine,Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo sẽ sử dụng các loại vũ khí, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ lãnh thổ và người dân Nga hay khi nước Nga bị đe dọa, theo TASS.
"Chúng ta sẽ bảo vệ chủ quyền của mình bằng tất cả lực lượng và phương tiện và bằng mọi giá đảm bảo cuộc sống an toàn cho công dân. Đây là sứ mệnh giải phóng vĩ đại của nhân dân chúng ta", ông Putin phát biểu tại buổi lễ buổi lễ sáp nhập 4 vùng ở Ukraine vào Nga hôm 30/9.
Trước đó, hôm 27/9, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow có quyền tự vệ bằng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công, TASS đưa tin.
“Nếu chúng tôi hoặc đồng minh bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân, Nga có quyền sử dụng loại vũ khí hạt nhân nếu cần thiết, dựa trên các tình huống đã được xác định từ trước, tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc cơ bản của chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân”, ông Medvedev nói.