Mỹ dành 8,6 tỷ USD mở rộng đội tàu phá băng nhằm chiếm ưu thế tại Bắc Cực

Dự luật chi tiêu và cắt giảm thuế quy mô lớn của Tổng thống Donald Trump đã dành tới 8,6 tỷ USD để mở rộng đội tàu phá băng của Lực lượng Tuần duyên nhằm chiếm ưu thế tại Bắc Cực.

Phát triển thêm 8-9 tàu phá băng chuyên dụng

Theo hãng tin Reuters, Chính phủ Mỹ sẽ phân bổ 4,3 tỷ USD cho việc đóng thêm tối đa ba tàu phá băng hạng nặng Polar Security Cutters; 3,5 tỷ USD cho các tàu phá băng hạng trung Arctic Security Cutters và 816 triệu USD để mua thêm các tàu phá băng hạng nhẹ và hạng trung khác.

Các tàu này sẽ được trang bị thân vỏ gia cố và mũi tàu có thiết kế góc đặc biệt để phá băng hiệu quả trên các vùng biển mở.

Tàu phá băng hạng nặng Polar Star của Tuần duyên Mỹ (Ảnh: Reuters).

Tàu phá băng hạng nặng Polar Star của Tuần duyên Mỹ (Ảnh: Reuters).

Hiện tại, lực lượng Tuần duyên Mỹ chỉ có ba tàu phá băng sẵn sàng hoạt động tại Bắc Cực là tàu phá băng hạng nặng Polar Star, tàu phá băng hạng trung Healy và tàu phá băng hạng nhẹ Storis trong khi họ đặt mục tiêu sở hữu 8 - 9 tàu phá băng chuyên dụng.

Ông Trump đã nhiều lần kêu gọi Mỹ cần có tới 40 tàu phá băng mới để đảm bảo an ninh quốc gia, hỗ trợ hậu cần, duy trì tuyến cung ứng cho các hoạt động khai thác dầu khí và khoáng sản trong khu vực băng giá và hiểm trở này.

Các xưởng đóng tàu ở bang Louisiana, bao gồm Bollinger Shipyards và Edison Chouest Offshore, đã thành lập liên minh chiến lược United Shipbuilding Alliance (USA) để chế tạo tàu phá băng đáp ứng nhu cầu cấp thiết tại Bắc Cực.

Phát ngôn viên của Bollinger Shipyards cho biết liên minh USA sẽ tham gia đấu thầu đóng tàu phá băng cho chương trình Arctic Security Cutter.

Chiến lược của Nga khi hạ thủy tàu phá băng mạnh nhất thế giớiĐỌC NGAY

Tuần duyên Mỹ gần đây đã cấp phép cho Bollinger Shipyards khởi công đóng tàu phá băng đầu tiên thuộc chương trình Polar Security Cutter tại nhà máy ở Pascagoula, Mississippi. Tuy nhiên, dự án này từng gặp rắc rối do chậm tiến độ và vượt chi phí.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính việc đóng cả ba tàu Polar Security Cutters có thể tiêu tốn 5,1 tỷ USD (theo thời giá năm 2024) cao hơn 60% so với ước tính ban đầu của Tuần duyên Mỹ.

Một số nhà đóng tàu khác như Davie Shipbuilding của Canada và Keppel Amfels của Singapore hiện đang nổi lên như đối thủ tiềm năng của các xưởng đóng tàu phá băng tại Mỹ. Davie Shipbuilding đã công bố kế hoạch mua lại tài sản của Gulf Copper & Manufacturing tại Galveston và Port Arthur, Texas.

Tuy nhiên, theo tờ US Naval Institute News nếu mua tàu từ các xưởng nước ngoài như Canada hoặc Phần Lan, Tuần duyên Mỹ cần nhận được lệnh miễn trừ đặc biệt từ Tổng thống.

Gần đây, Tuần duyên Mỹ đã tiếp nhận chiếc tàu phá băng đầu tiên trong vòng 25 năm qua. Tàu phá băng Storis, được hãng đóng tàu Edison Chouest Offshore hoán cải từ một con tàu đóng năm 2012. Storis chính thức đi vào hoạt động vào tháng 6 và đặt cảng nhà tại Juneau, Alaska.

Tăng cường tầm ảnh hưởng tại Bắc Cực

Tổng thống Mỹ Donald Trump từ lâu đã thúc đẩy khôi phục ngành đóng tàu Mỹ nhằm đối trọng lại sức mạnh hàng hải và công nghiệp đóng tàu đang ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.

Trước đó, ông Trump công bố kế hoạch đánh thuế đối với tàu và thiết bị cảng Trung Quốc, bao gồm cần cẩu bốc dỡ container, nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất Mỹ.

Tổng thống Trump đang nỗ lực thúc đẩy việc đóng thêm các tàu phá băng cho Tuần duyên Mỹ (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Trump đang nỗ lực thúc đẩy việc đóng thêm các tàu phá băng cho Tuần duyên Mỹ (Ảnh: Reuters).

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm tan băng ở hai cực, các tuyến hàng hải tại Bắc Cực đang được xem là lựa chọn chiến lược để nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương với các nền kinh tế lớn.

Năm 2024, Mỹ, Canada và Phần Lan công bố sáng kiến hợp tác ba bên mang tên ICE Pact, với kế hoạch xây dựng 70 - 90 tàu phá băng trong thập kỷ tới nhằm tăng cường các hoạt động hàng hải tại Bắc Cực.

Trong khi đó, Trung Quốc và Nga đang hợp tác phát triển tuyến vận tải tại khu vực này. Mới đây nhất, hồi tháng 5, Bắc Kinh và Moscow tuyên bố sẽ nâng tầm hợp tác để đối phó trước tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Nga hiện sở hữu đội tàu phá băng lớn nhất thế giới với hạm đội bao gồm từ 55 - 60 tàu có khả năng hoạt động trong môi trường băng tuyết.

Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Arktika của Nga (Ảnh: TASS).

Tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân Arktika của Nga (Ảnh: TASS).

Trong đó đáng chú ý có 7 tàu phá băng hạt nhân gồm Arktika, Sibir, Ural, Yakutia, Chukotka Taymyr, Vaygach. Đây là các tàu thuộc Dự án 22220 có có khả năng phá lớp băng dày tới 2,8m và hoạt động liên tục mà không cần tiếp nhiên liệu trong nhiều tháng.

Ngoài ra, Nga còn sở hữu khoảng 15 - 20 tàu phá băng diesel thuộc các lớp Kapitan Dranitsyn, Admiral Makarov, Krasin, Ermak... cùng các tàu phá băng quân sự lớp Ivan Papanin được tích hợp vũ khí, máy bay trực thăng và UAV.

Trong khi đó, Trung Quốc, dù có quy mô nhỏ hơn, cũng đang đầu tư mạnh để mở rộng hạm đội tàu phá băng. Nước này sở hữu tàu phá băng Tuyết Long 1 được đóng tại Ukraine và đưa vào hoạt động từ năm 1994.

Chiếc Tuyết Long 2 là tàu phá băng nội địa đầu tiên của Trung Quốc được đưa vào hoạt động năm 2019 với khả năng phá băng dày 1,5m ở tốc độ 2-3 hải lý/giờ. Chiếc tàu này chủ yếu tham gia hoạt động hỗ trợ nghiên cứu và thám hiểm ở Bắc và Nam Cực.

Ngoài ra, Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) đang phát triển một tàu phá băng hạng nặng đầu tiên chạy bằng năng lượng hạt nhân. Dự kiến, tàu này sẽ tham gia phục vụ cả mục đích nghiên cứu lẫn hỗ trợ mở tuyến vận tải trên biển ở Bắc Cực.

Khánh An

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/my-danh-86-ty-usd-mo-rong-doi-tau-pha-bang-nham-chiem-uu-the-tai-bac-cuc-192250704095207896.htm