Mỹ, EU khó chung 'chiến hào' khi đối phó Trung Quốc

Tại hội nghị G7, Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục các nước châu Âu và Nhật Bản đối phó với ảnh hưởng kinh tế và an ninh ngày càng gia tăng của Trung Quốc bằng cách triển khai chương trình cạnh tranh với sáng kiến Vành đai Con đường.

Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc giục lãnh đạo Nhóm G7 đối phó ảnh hưởng kinh tế và an ninh ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Ảnh: Getty

Lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) muốn dùng cuộc gặp lần này để thể hiện với thế giới, rằng hợp tác quốc tế đã được khôi phục sau nhiều xáo trộn vì đại dịch COVID-19, và “sự đỏng đảnh” của nước Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đã chấm dứt.

Đây là lần đầu tiên các nước giàu nhất thế giới bàn về việc đưa ra giải pháp thay thế cho sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) mà Trung Quốc đang triển khai trên khắp châu Á, châu Phi, Mỹ Latin và cả châu Âu. Tuy nhiên, Nhà Trắng chưa đưa ra số tiền cụ thể nào, và vẫn còn sự bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh trong Liên minh châu Âu (EU) về cách ứng phó với Trung Quốc.

Ông Biden xác định hai trọng tâm đối ngoại là đối phó với Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và một nước Nga gây ra nhiều cản trở với Mỹ. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc lại tin rằng sự phản ứng thiếu hiệu quả của Mỹ trong đại dịch và một nền chính trị chia rẽ, nhất là sau cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol ngày 6/1, là dấu hiệu cho thấy nền dân chủ Mỹ đang suy yếu.

Xét về quy mô và tham vọng, BRI của Trung Quốc đã vượt xa Kế hoạch Marshall mà Mỹ triển khai để tái thiết châu Âu sau Thế chiến thứ 2. Những thảo luận của G7 vừa qua tại Anh cho thấy phương Tây còn có những quan điểm khác nhau về việc nên coi Trung Quốc là đối tác, đối thủ, hay một mối đe dọa an ninh hoàn toàn.

Kế hoạch mà Nhà Trắng mô tả dường như là sự kết hợp các dự án hiện có của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản với nhau, kết hợp khuyến khích đầu tư của tư nhân. Tờ thông tin được Nhà Trắng gửi đến báo chí gọi sáng kiến đó là “Build Back Better for the World” (Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn), gọi tắt là B3W. B3W nhấn mạnh tiêu chuẩn môi trường, chống tham nhũng, tự do thông tin và những điều khoản thanh toán để giúp các nước đang phát triển tránh mắc nợ vượt quá khả năng chi trả. Một trong những chỉ trích đối với BRI là khiến các nước vay nợ trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, gián tiếp giúp Bắc Kinh gia tăng tầm ảnh hưởng.

Sự chắp vá nhiều chương trình riêng có thể gây rủi ro cho chiến lược của Mỹ. Việc phương Tây nhấn mạnh các tiêu chuẩn môi trường và nhân quyền có thể khiến nhiều quốc gia đang phát triển không mặn mà, trong khi Trung Quốc không đề cao những tiêu chí này.

Mỗi nước một chiến lược

Từng thực hiện chính sách thân thiện với Trung Quốc nhất ở châu Âu, Anh giờ đây cũng ủng hộ đường lối cứng rắn của Mỹ, nhất là với Huawei, công ty bị Mỹ coi là mối đe dọa an ninh quốc gia. Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cấm sử dụng thiết bị của Huawei trong hệ thống mạng của nước này.

Khi Trung Quốc vẫn là thị trường số một cho xe của Volkswagens và BMW, Đức muốn tiếp tục chính sách hợp tác với Trung Quốc và cưỡng lại một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Đức hoãn đưa ra quyết định về việc sử dụng thiết bị mạng của Huawei và các hãng viễn thông khác của Trung Quốc sau khi giới chức Trung Quốc dọa sẽ trả đũa bằng lệnh cấm bán xe hơi Đức ở Trung Quốc.

Tuyên bố chung G7 bày tỏ quan ngại tình hình Biển Ðông

Sau hội nghị thượng đỉnh tại miền tây nam nước Anh, các lãnh đạo G7 bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình Biển Ðông và Biển Hoa Ðông, đồng thời phản đối những nỗ lực thay đổi nguyên trạng. “Chúng tôi vẫn quan ngại nghiêm trọng về tình hình Biển Ðông và Biển Hoa Ðông, và phản đối mạnh mẽ những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng và gia tăng căng thẳng”, tuyên bố chung viết.

G7 cũng nhấn mạnh “tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Ðài Loan, và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề giữa hai bờ eo biển”. Tuyên bố chung kêu gọi duy trì quyền tự trị mức độ cao cho Hong Kong, tiến hành điều tra đầy đủ và thấu đáo nguồn gốc virus gây ra đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc. “Chúng tôi kêu gọi nghiên cứu giai đoạn 2 do WHO tiến hành dựa trên phương pháp khoa học, theo cách thức kịp thời và minh bạch để làm rõ nguồn gốc COVID-19 ở Trung Quốc, như khuyến nghị của các chuyên gia”, AP dẫn nội dung tuyên bố chung.

Ý trở thành nước G7 đầu tiên tham gia BRI từ năm 2019, nhưng đã lùi một bước trước áp lực của các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vì lo ngại hạ tầng của Ý sẽ phụ thuộc và công nghệ Trung Quốc. Nhưng khi Trung Quốc đưa khẩu trang và máy thở đến Ý vào thời điểm nước này đang vật lộn trong làn sóng COVID-19 khủng khiếp, một quan chức Ý nói với châu Âu rằng Rome sẽ nhớ ai là bạn sau khi đại dịch đi qua.

Pháp không tham gia BRI, dù vẫn hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc và không cấm Huawei. Nhưng quan hệ với Pháp với Trung Quốc đã trở nên lạnh nhạt khi Tổng thống Emmanuel Macron chỉ trích Bắc Kinh thiếu minh bạch về nguồn gốc COVID-19.

“Mỹ sẽ dễ hành động nếu EU thống nhất và có một chiến lược nhất quán đối với Trung Quốc. Nhưng Mỹ sẽ khó khăn nếu Đức có chiến lược riêng với Trung Quốc, Pháp có chiến lược riêng với Trung Quốc và Anh cũng có chiến lược riêng với Trung Quốc”, cựu Đại sứ Đức tại Mỹ Wolfgang Ischinger nói với báo New York Times.

THU LOAN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/my-eu-kho-chung-chien-hao-khi-doi-pho-trung-quoc-post1345766.tpo