Hơn 100 chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận chiến lược tăng trưởng tại Hội nghị Shidler 2025

Ngày 5/7/2025, Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Trường Kinh doanh Shidler – Đại học Hawai'i tại Mānoa tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Toàn cầu Shidler 2025 tại TP Hồ Chí Minh, với chủ đề 'Định vị trật tự toàn cầu mới: Chiến lược nâng cao năng lực thích ứng và tăng trưởng cho doanh nghiệp Việt Nam'.

Sự kiện có mặt GS.TS V. Vance Roley – Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Shidler, Chủ tịch First Hawaiian Bank về Quản trị & Lãnh đạo; GS.TS Bùi Xuân Tùng – Giám đốc học thuật chương trình VEMBA, Chủ tịch Matson Navigation Company về Kinh doanh toàn cầu; cùng nhiều lãnh đạo cấp cao, các chuyên gia kinh tế, học giả là học viên và cựu học viên của Chương trình Thạc sĩ cấp cao Quản trị Kinh doanh, đến từ các tập đoàn hàng đầu như Stavian Group, Diversatek Healthcare, Dacotex Group, B'Lao & Scavi Group, Lotus Group, Gearment Inc., Quoc Viet Seafood, Hai Anh JSC, MOTUL Vietnam, Chubb Life Vietnam...cùng thảo luận các chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập của doanh nghiệp Việt trong bối cảnh địa chính trị và thương mại toàn cầu biến động sâu rộng.

Tại phiên khai mạc, ThS. Bùi Phạm Lan Phương – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang – phát biểu với vai trò đơn vị đồng tổ chức, đối tác học thuật và cựu học viên chương trình MBA quốc tế, bà nhấn mạnh bối cảnh chuyển dịch của trật tự toàn cầu và yêu cầu đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc nâng cao năng lực thích ứng và tích hợp vào chuỗi giá trị mới.

Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Toàn cầu Shidler 2025 gồm 3 phiên thảo luận chuyên sâu, được thiết kế theo mạch nội dung từ nhận diện bối cảnh đến gợi mở giải pháp. Phiên thảo luận đầu tiên tập trung vào bức tranh tổng thể của môi trường kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh những biến động địa kinh tế toàn cầu. Các diễn giả đã phân tích các xu hướng đang tái định hình dòng thương mại và đầu tư quốc tế, đặc biệt là tác động từ các mô hình chuỗi cung ứng mới như nearshoring (chuyển sản xuất về gần), friendshoring (đa dạng hóa sang các quốc gia thân thiện) và reshoring (đưa sản xuất về nước). Đại diện các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp chủ lực đã chia sẻ về cách thức thích ứng chiến lược, cho thấy sự chủ động của khu vực doanh nghiệp trong việc nâng cao khả năng chống chịu trước các rủi ro bên ngoài và gia tăng tính linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.

Tại phiên tọa đàm thứ hai, các diễn giả đã thảo luận về khả năng tham gia sâu hơn của doanh nghiệp Việt Nam vào Global Supply Chain 2.0 (Chuỗi cung ứng toàn cầu 2.0) trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu chuyển dịch mạnh mẽ hậu Trung Quốc +1. Các yếu tố như năng lực tích hợp, tiêu chuẩn ESG (Environmental, Social, Governance), truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng ngày càng được chú trọng. Để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư minh bạch, ổn định và nâng cấp hạ tầng thể chế để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của hệ thống chuỗi cung ứng này.

Khép lại chuỗi thảo luận, phiên Diễn đàn mở – Chiến lược doanh nghiệp & tái cấu trúc chuỗi giá trị quy tụ đại diện các cơ quan hoạch định chính sách, giới học thuật và doanh nghiệp nhằm trao đổi về vai trò của liên kết giữa chính sách, thị trường và tri thức. Nội dung của phiên này, tập trung vào định hướng chiến lược dài hạn để nâng cao năng suất ngành và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước những biến động ngày càng phức tạp của nền kinh tế toàn cầu.

Đây là lần thứ hai Trường Đại học Văn Lang phối hợp cùng Trường Kinh doanh Shidler – Đại học Hawai‘i tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh SHIDLER, đánh dấu bước phát triển mới trong hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo sau đại học và nghiên cứu chiến lược toàn cầu. Hội nghị không chỉ là diễn đàn học thuật mà còn là cầu nối thực chất giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giới học thuật, cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia quốc tế.

Thành lập năm 1995, Trường Đại học Văn Lang là một trong những đại học tư thục có quy mô đào tạo lớn tại Việt Nam, hiện cung cấp 60 ngành đào tạo đại học chính quy, 16 ngành Thạc sĩ và 01 ngành Tiến sĩ. Với triết lý giáo dục “Thông qua học tập trải nghiệm, đào tạo con người toàn diện, có khả năng học tập suốt đời, có đạo đức, có sức ảnh hưởng và mang lại thay đổi tích cực cho cộng đồng”, Văn Lang không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế nhằm mang đến cơ hội tiếp cận tri thức toàn cầu cho người học trong nước.

Trong lĩnh vực sau đại học, Trường Đại học Văn Lang hợp tác cùng Trường Kinh doanh Shidler – Đại học Hawai‘i tại Mānoa (Hoa Kỳ) triển khai chương trình Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh cao cấp (VEMBA) tại TP. Hồ Chí Minh. Đây là chương trình đào tạo bằng tiếng Anh, với đội ngũ giảng viên đạt chuẩn kiểm định quốc tế AACSB – được xem là “chuẩn vàng” trong lĩnh vực đào tạo kinh doanh trên thế giới.

Sau hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, chương trình VEMBA đã đào tạo gần 1.000 học viên, nhiều người trong số đó hiện đang giữ vai trò điều hành tại các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và cơ quan công. Việc triển khai chương trình này tại Trường Đại học Văn Lang không chỉ mở rộng cơ hội học tập cho các nhà quản lý cấp trung và cấp cao, mà còn góp phần khẳng định năng lực và vai trò ngày càng tăng của Văn Lang trong hệ sinh thái giáo dục đại học chất lượng cao, hội nhập quốc tế.

PV

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/hon-100-chuyen-gia-kinh-te-va-lanh-dao-doanh-nghiep-thao-luan-chien-luoc-tang-truong-tai-hoi-nghi-shidler-2025-i774017/