Mỹ gửi đạn uranium nghèo tới Ukraine, Kiev nói chọc thủng phòng tuyến Nga

Chính quyền Biden sẽ lần đầu tiên gửi các loại đạn xuyên giáp gây tranh cãi có chứa uranium nghèo tới Ukraine, theo một tài liệu mà hãng tin Reuters đã xem và được hai quan chức Mỹ xác nhận.

Đạn uranium nghèo là gì?

Các loại đạn này có thể giúp tiêu diệt xe tăng đối phương, là một phần trong gói viện trợ quân sự mới có giá trị từ 240 triệu đến 375 triệu USD cho Ukraine vào tuần tới. Theo các nguồn tin từ quan chức cấp cao Mỹ, loại đạn này có thể được bắn từ xe tăng Abrams của Mỹ và dự kiến sẽ được chuyển đến Ukraine trong vài tuần tới.

 Một số loại đạn uranium nghèo. Ảnh: GI

Một số loại đạn uranium nghèo. Ảnh: GI

Mặc dù Vương quốc Anh đã gửi đạn uranium nghèo tới Ukraine vào đầu năm nay, nhưng đây sẽ là chuyến hàng đầu tiên của Mỹ vận chuyển loại đạn dược này và có thể sẽ gây tranh cãi. Mỹ cũng đã cung cấp bom chùm cho Ukraine, bất chấp lo ngại về những nguy hiểm mà loại vũ khí này gây ra cho dân thường.

Việc sử dụng đạn uranium nghèo đã được tranh luận gay gắt, trong đó Liên minh quốc tế cấm vũ khí uranium nói rằng có những rủi ro nguy hiểm cho sức khỏe do ăn hoặc hít phải bụi uranium nghèo, bao gồm cả ung thư và dị tật bẩm sinh.

Uranium nghèo, một sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium, được sử dụng làm đạn dược vì mật độ cực cao của nó giúp đạn có khả năng dễ dàng xuyên qua lớp giáp và tự bốc cháy khiến kim loại nóng chảy.

Mặc dù uranium nghèo có tính phóng xạ nhưng nó ít hơn đáng kể so với uranium tự nhiên, song các hạt phóng xạ vẫn có thể tồn tại trong một thời gian đáng kể.

Mỹ đã sử dụng số lượng lớn đạn uranium nghèo trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1990 và 2003, cũng như vụ NATO ném bom Nam Tư cũ năm 1999.

 Mô phỏng cách hoạt động của đạn uranium nghèo được bắn từ xe tăng. Ảnh đồ họa: Daily Mail

Mô phỏng cách hoạt động của đạn uranium nghèo được bắn từ xe tăng. Ảnh đồ họa: Daily Mail

Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, cho biết các nghiên cứu ở Nam Tư cũ, Kuwait, Iraq và Lebanon chỉ ra rằng uranium nghèo "không gây nguy hiểm phóng xạ cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng".

Tuy nhiên, chất phóng xạ có thể làm tăng thêm thách thức trong việc làm sạch sau chiến tranh của Ukraine. Các vùng của đất nước này đã rải đầy vật liệu chưa nổ, từ bom chùm cho đến hàng trăm nghìn quả mìn.

Ukraine muốn có thêm động lực mới

Việc phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đang tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine diễn ra trong bối cảnh Kiev muốn đẩy nhanh chiến dịch phản công đang bị chỉ trích chậm chạp của mình.

Và trong một diễn biến được xem như là sự báo công trấn an của Ukraine đối phương Tây là Kiev cho biết đã lần đầu chọc thủng tuyến phòng thủ của Nga ở một số nơi, mặc dù sau đó vấp phải những lớp phòng thủ kiên cố hơn.

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân đội Kiev đang tiến vào khu vực Zaporizhzhia. Mỹ cũng cho biết hôm thứ Sáu rằng Ukraine đã đạt được tiến bộ đáng chú ý ở mặt trận phía Nam nước này trong 72 giờ qua.

Ngoài ra, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine trong báo cáo buổi tối trên Facebook cho biết các lực lượng Nga đã không đạt được tiến triển nào trong nỗ lực tiến quân ở 5 khu vực khác nhau trên chiến tuyến - từ Kupiansk ở phía Đông Bắc đến các khu vực ở Donetsk.

Tuy nhiên, cuộc phản công của Ukraine vẫn chưa chiếm lại được bất kỳ thành phố hay thị trấn lớn nào, ngoại trừ vài ngôi làng nhỏ. Tuần trước, lực lượng này đã chiếm được ngôi làng Robotyne, gần vùng Zaporizhzhia.

Nga đã gọi nỗ lực phản công của Ukraine đã thất bại. Kiev nói rằng họ tiến chậm là nhằm giảm thiểu thương vong và đổ lỗi vì thiếu sức mạnh không quân, đồng thời thúc giục phương Tây sớm cung cấp các máy bay chiến đấu hiện đại.

Bùi Huy (theo Reuters, Daily Mail)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-gui-dan-uranium-ngheo-toi-ukraine-kiev-noi-choc-thung-phong-tuyen-nga-post262972.html