Mỹ kéo dài tuổi thọ cho tiêm kích tàng hình có chi phí vận hành cao nhất thế giới
Không quân Mỹ đang thực hiện một kế hoạch nâng cấp lớn dành cho tiêm kích tàng hình F-22 Raptor, nhằm kéo dài tuổi thọ hoạt động của dòng máy bay này đến ít nhất thập niên 2030.
Đây được xem là bước đi tạm thời trong bối cảnh dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu F-47 vẫn chưa rõ ngày về đích, nhiều khả năng sẽ bị trì hoãn đến giữa hoặc cuối thập kỷ.

Máy bay chiến đấu F-22 có bình nhiên liệu ngoài. (Nguồn: Không quân Mỹ)
F-22 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm đầu tiên trên thế giới được đưa vào trang bị, nhưng do nhiều năm trì hoãn, phải đến cuối năm 2005 mới chính thức đi vào hoạt động.
Khi ra mắt, F-22 từng là biểu tượng của ưu thế không quân Mỹ, với khả năng chiếm ưu thế trên không vượt trội. Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ, tuổi đời của khung thân máy bay, cùng các hệ thống điện tử hàng không vốn được phát triển từ thập niên 1990, đang khiến F-22 dần lạc hậu.
So với các tiêm kích thế hệ mới như F-35 của Mỹ hay J-20 của Trung Quốc, đang liên tục được nâng cấp với công nghệ hiện đại, F-22 giờ đây bị đánh giá là thua kém cả về cảm biến, khả năng tác chiến mạng trung tâm lẫn tính linh hoạt trong chiến đấu.
Đáng chú ý, F-22 hiện là loại tiêm kích có chi phí vận hành cao nhất thế giới. Từ đầu những năm 2020, đã có nhiều ý kiến kêu gọi loại biên dòng máy bay này sớm hơn dự kiến, nhằm tiết kiệm ngân sách cho các chương trình vũ khí mới. Tuy vậy, Không quân Mỹ vẫn quyết định giữ lại phi đội F-22 hiện có và đầu tư để nâng cấp toàn diện.
Theo tài liệu ngân sách cho năm tài khóa 2026, gói nâng cấp F-22 bao gồm nhiều cải tiến quan trọng. Máy bay sẽ được trang bị lớp phủ tàng hình thế hệ mới, giúp giảm tín hiệu phản xạ radar. Radar AN/APG-77 vốn đã lạc hậu, sẽ được nâng cấp để cải thiện khả năng phát hiện mục tiêu từ xa.
Ngoài ra, F-22 sẽ được tích hợp hệ thống tác chiến điện tử mới, giúp đối phó tốt hơn với các mối đe dọa từ hệ thống gây nhiễu hiện đại, cùng với đó là hệ thống phòng thủ hồng ngoại (IRDS), cho phép phát hiện tên lửa và máy bay đối phương bằng tín hiệu nhiệt.
Đặc biệt, máy bay sẽ lần đầu tiên được trang bị cảm biến hồng ngoại và kính ngắm gắn trên mũ phi công, hai tính năng đã trở thành tiêu chuẩn trên nhiều máy bay hiện đại nhưng lại hoàn toàn vắng mặt trên F-22.

Bản phác thảo về F-47. (Nguồn: Không quân Mỹ)
Sự bổ sung này được kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể năng lực không chiến tầm gần, vốn là điểm yếu lớn của Raptor trước các đối thủ như J-20. Đồng thời, các cải tiến về khả năng kết nối dữ liệu và tích hợp chiến đấu mạng trung tâm sẽ giúp F-22 phối hợp hiệu quả hơn trong các chiến dịch đa phương tiện của Không quân Mỹ.
Hiệu quả thực sự của việc đầu tư nâng cấp F-22 vẫn đang gây tranh cãi. Với chi phí hàng tỷ USD, giới quan sát đặt câu hỏi liệu số tiền này có thể được sử dụng hiệu quả hơn nếu đầu tư vào các mẫu tiêm kích mới như F-35 hoặc F-15EX, có năng lực đa nhiệm tốt hơn và dễ bảo trì hơn.
Ngoài ra, F-22 cũng không thể mang vũ khí chống hạm hoặc vũ khí tấn công mặt đất tầm xa, làm hạn chế vai trò của nó trong chiến sự hiện đại. Thêm vào đó, tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu thấp và chi phí bảo trì cao khiến dòng máy bay này trở thành một "gánh nặng" trong mắt nhiều nhà hoạch định ngân sách.
Việc F-22 phải dựa vào gói nâng cấp lớn để duy trì năng lực chiến đấu cũng phần nào phản ánh sự chậm trễ của chương trình F-47, dòng tiêm kích thế hệ thứ sáu được kỳ vọng sẽ thay thế Raptor trong tương lai.
Với tiến độ hiện tại, F-47 khó có thể được đưa vào biên chế trước năm 2035. Trong khi đó, Trung Quốc được cho là đang đẩy nhanh phát triển tiêm kích thế hệ sáu của riêng mình, với khả năng ra mắt sớm vào đầu thập niên 2030.