Siêu pháo điện từ của Nhật Bản đủ khả năng bắn hạ cả tên lửa siêu thanh
Nhật Bản đã đạt được thành công lớn trong quá trình phát triển pháo điện từ để trang bị cho các tàu chiến của hải quân nước này.

Những bức ảnh mới nhất về nguyên mẫu pháo điện từ của Nhật Bản, theo nhận định được phát triển từ năm 2016 đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông nước này. Khẩu pháo đang tích hợp vào tàu thử nghiệm JS Asuka (ASE-6102).

Pháo điện từ được thiết kế để có thể chiến đấu với nhiều mục tiêu cùng lúc, từ đối tượng trên biển và trên bộ cho đến cả nhiệm vụ phòng không đánh chặn tên lửa siêu thanh. Điều này có thể đạt được nhờ khả năng bắn liên tục và tốc độ cực lớn của đầu đạn.

Trong các bài kiểm tra gần đây, nhà sản xuất cho biết viên đạn pháo cỡ 40 mm với trọng lượng 320 g mà khẩu pháo điện từ này bắn ra có sơ tốc đầu nòng lên tới 2.230 m/s, tương đương Mach 6,5.

Đáng chú ý, đây có lẽ chưa phải vận tốc tối đa có thể đạt được khi con số kỳ vọng lên tới khoảng Mach 7, dự kiến các khẩu pháo điện từ thuộc lô sản xuất hàng loạt sẽ sớm xuất hiện trong tương lai không xa.

Trang The War Zone (TWZ) dẫn nguồn tin quân sự từ Tokyo cho biết, những cuộc thử nghiệm tiếp theo sẽ sớm diễn ra, theo lịch trình là vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm nay, tiếp đó các chi tiết mới về dự án sẽ được cung cấp cho báo chí.

Theo nhận xét, về cơ bản pháo điện từ là một loại vũ khí đầy hứa hẹn, có khả năng thay đổi tác chiến hải quân tương lai khi nó đa năng và mạnh mẽ hơn nhiều so với vũ khí truyền thống, trong khi chi phí mỗi phát bắn thấp hơn đáng kể.

Tuy vậy pháo điện từ vẫn tồn tại một số nhược điểm lớn, điển hình như tuổi thọ nòng ngắn, hiện tại nguyên mẫu chỉ chịu được 120 phát bắn. Yếu tố tiếp theo, hay đúng hơn là vấn đề chính - cần một lượng điện lớn, vừa để trữ vừa dùng trực tiếp.

Nhược điểm tiếp theo là các hệ thống phụ trợ của pháo điện từ chiếm rất nhiều không gian. Điều này có thể dễ dàng được nhận biết thông qua những bức ảnh mới được đăng tải.

Trên tàu thử nghiệm JS Asuka, rất dễ nhận thấy 4 container bên cạnh khẩu pháo, có khả năng là tụ điện hoặc máy phát điện. Với nhược điểm này, việc tích hợp pháo điện từ vào các khu trục hạm hiện có là không thể mà cần con tàu hoàn toàn mới.

Hải quân Nhật Bản đã lên kế hoạch đóng một số tàu chiến tương lai tương thích với pháo điện từ. Đầu tiên là khu trục hạm lớp Maya (27DDG), và tiếp theo là tàu khu trục 13DDX, nhưng tính đến thời điểm hiện tại, đây vẫn chỉ là các chương trình trên giấy.

Vào thời điểm đầu năm 2025, tại Triển lãm DSEI Japan 2025, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã trình diễn một mô hình pháo điện từ có hình dạng hoàn toàn khác so với những nguyên mẫu thử nghiệm từng giới thiệu trước kia.

Theo giới chuyên gia, đây có lẽ là hình dạng của khẩu pháo điện từ sẽ được hàng loạt, trong khi các nguyên mẫu mà báo chí biết được trước đây chỉ đơn giản là sản phẩm thử nghiệm công nghệ.

Pháo điện từ của Nhật Bản đang dần trở nên hoàn thiện, nhưng họ không phải quốc gia duy nhất phát triển loại vũ khí này, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng có chương trình tương tự, nhưng tiến độ có vẻ không bằng so với Tokyo.

Thành công của Tokyo khiến Đức và Pháp phải lên tiếng đề nghị được tham gia hợp tác, thậm chí trong tương lai còn có thêm cả Mỹ, bởi sau 16 năm nghiên cứu, dự án pháo điện từ của Lầu Năm Góc đã bị đình chỉ.