Mỹ lộ căn cứ mật gần biên giới Nga

Một đài truyền hình Estonia đã vô tình để lộ những thông tin về một căn quân sự bí mật của Mỹ ở gần biên giới với Nga.

Dù sự hiện diện của phái đoàn NATO ở Estonia, một quốc gia vùng Baltic tiếp giáp khu vực biên giới tây bắc Nga, chưa bao giờ là bí mật nhưng sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại một căn cứ quân sự ở đây lâu nay vẫn được giữ kín. Tuy nhiên, bí mật về nơi này đã bị rò rỉ sau khi các phóng viên thuộc đài truyền hình ERR của Estonia nghiên cứu các hồ sơ công khai của Bộ Quốc phòng Mỹ (DoD).

Cờ Mỹ tung bay cạnh cờ NATO ở căn cứ không quân Amari tại Estonia. Ảnh: Reuters

Cờ Mỹ tung bay cạnh cờ NATO ở căn cứ không quân Amari tại Estonia. Ảnh: Reuters

Mặc dù các tài liệu của DoD đã cố che giấu việc Washington có một căn cứ quân sự ở khu vực biên giới Estonia - Nga bằng cách gọi đây là "một cơ sở hoạt động, huấn luyện không xác định", nhưng chúng không giấu tên quốc gia đồn trú. Điều này do đó đã để lộ nơi tọa lạc của căn cứ trong khi Mỹ chưa bao giờ thừa nhận lập cơ sở quân sự ở Estonia, nơi lâu nay thường chỉ tiếp nhận binh lính NATO từ Anh đến.

Theo các tài liệu của DoD, Mỹ đã phân bổ 15,7 triệu USD để phát triển căn cứ quân sự ở Estonia thông qua việc xây dựng nhiều hạng mục công trình, kể cả doanh trại, kho chứa vũ khí và một khu vực làm sạch vũ khí.

Sau nửa năm điều tra, các phóng viên đài ERR đã tìm được cách tiếp cận căn cứ mật của Washington ở khu vực biên giới và phát hiện đây là nơi đồn trú của một trung đoàn đặc nhiệm Mỹ. Đài ERR dẫn lời Đại tá Lục quân Mỹ Kevin Stringer cho hay, căn cứ được thành lập từ năm 2014 sau khi mối quan hệ giữa Nga và phương Tây bắt đầu xấu đi nghiêm trọng.

Theo Sputnik, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ vô tình bị lộ các căn cứ quân sự. Tháng 11/2017, Strava, một ứng dụng phổ biến, chuyên theo dõi sức khỏe và tập luyện thể dục thể thao dành cho điện thoại thông minh đã công khai một bản đồ nhiệt toàn cầu về những người dùng ứng dụng tích cực nhất. Nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi một số "điểm nóng" theo ứng dụng không nằm ở các thành phố hay trung tâm thể thao.

Do một số "điểm nóng" trùng với các căn cứ quân sự của Mỹ nên nhiều hãng truyền thông tin các binh sĩ Mỹ đã dùng Strava trong quá trình huấn luyện. Một số điểm nóng chưa xác định khác cũng có thể thuộc về những căn cứ mật của Mỹ.

Tuấn Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/quan-su/my-lo-can-cu-mat-gan-bien-gioi-nga-565279.html