Mỹ rục rịch nới lỏng quy định ngân hàng trong vài tháng tới

Một số người chỉ trích rằng đây là thời điểm không thích hợp để cắt giảm yêu cầu vốn của ngân hàng, xét đến sự biến động của thị trường gần đây và sự thay đổi chính sách dưới thời Tổng thống Trump.

Ngân hàng First Republic Bank ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngân hàng First Republic Bank ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo tờ Financial Times, các nhà chức trách Mỹ đang chuẩn bị công bố một trong những đợt cắt giảm yêu cầu vốn đối với các ngân hàng lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Một số nguồn tin thân cận cho biết các cơ quan quản lý sẽ giảm tỷ lệ đòn bẩy bổ sung (SLR) trong vài tháng tới.

Quy định về SLR được ban hành năm 2014 như một phần của các cải cách toàn diện sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009. Theo đó, các ngân hàng lớn phải có một lượng vốn chất lượng cao nhất định.

Trong nhiều năm, các nhà vận động hành lang của ngân hàng đã vận động phản đối quy định này, với lập luận quy định làm cản trở khả năng giao dịch trên thị trường trái phiếu chính phủ trị giá 29.000 tỷ USD và làm suy yếu khả năng cho vay của những ngân hàng.

Các nhà vận động hành lang dự kiến những cơ quan quản lý sẽ đưa ra các đề xuất cải cách vào mùa Hè.

Việc nới lỏng các quy tắc về vốn diễn ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cắt giảm những quy định trong mọi lĩnh vực, từ chính sách môi trường đến các yêu cầu công bố thông tin tài chính.

Tuy nhiên, một số người chỉ trích rằng đây là thời điểm không thích hợp để cắt giảm yêu cầu vốn của ngân hàng, xét đến sự biến động của thị trường gần đây và sự thay đổi chính sách đột ngột dưới thời Tổng thống Trump.

Ông Nicolas Véron, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận định xét tình hình thế giới hiện nay, có rất nhiều rủi ro đối với các ngân hàng Mỹ, vai trò của đồng USD và hướng đi của nền kinh tế. Do đó, hiện nay không phải là thời điểm thích hợp để nới lỏng các tiêu chuẩn vốn.

Các nhà phân tích cho rằng việc nới lỏng SLR sẽ đem lại một lợi ích cho thị trường trái phiếu chính phủ và có thể giúp Tổng thống Trump đạt được mục tiêu giảm chi phí vay mượn bằng cách cho phép các ngân hàng mua nhiều trái phiếu chính phủ hơn.

Điều này cũng sẽ khuyến khích các ngân hàng bắt đầu đóng vai trò lớn hơn trong việc giao dịch trái phiếu.

Các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Mỹ đã bày tỏ sự ủng hộ cho việc nới lỏng quy định SLR.

Tuần trước, ông Scott Bessent, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho biết cải cách này là “ưu tiên hàng đầu” của các cơ quan quản lý ngân hàng.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, hồi tháng Hai cho rằng cần phải cải thiện cơ cấu thị trường trái phiếu và một phần của giải pháp sẽ là giảm SLR./.

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/my-ruc-rich-noi-long-quy-dinh-ngan-hang-trong-vai-thang-toi-post1038686.vnp