Mỹ theo dõi sát sao việc Trung Quốc tăng tốc cải tiến tàu ngầm SSBN
Mỹ đang theo dõi sát sao việc Trung Quốc cải tiến tàu ngầm chạy bằng hạt nhân và trang bị tên lửa đạn đạo (SSBN).
Theo báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun, tàu ngầm SSBN là một trong 3 trong 3 trụ cột chiến lược hạt nhân (TRIAD) của Trung Quốc có thể tấn công bằng hỏa lực từ trên bộ, trên biển và trên không.
TRIAD gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ trên bộ (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược.
Để phòng chống nguy cơ toàn bộ lực lượng hạt nhân bị tiêu diệt - trong trường hợp một nước thù địch tấn công trước - Mỹ và các nước khác từ thời Chiến tranh Lạnh đã phát triển khả năng hạt nhân ở cả 3 lĩnh vực TRIAD, từ đó tăng cường khả năng đánh chặn.
Trung Quốc mở rộng căn cứ tàu ngầm ở Hải Nam
Trung Quốc đã xếp tàu ngầm SSBN là một lực lượng sẽ bảo đảm đánh chặn hạt nhân chống lại Mỹ, và các hoạt động của lực lượng này được giữ bí mật tối đa.
Nhưng hồi cuối tháng 9, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin hải quân Trung Quốc tập trận trên Biển Đông và có sự tham gia của một chiếc tàu ngầm SSBN lớp Tấn.
Một nguồn tin ngoại giao của Yomiuri ở Bắc Kinh cho biết: “Đó là cách Trung Quốc phô trương các khả năng cải thiện trước khi diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Chiếc SSBN tham gia cuộc tập trận là mẫu tàu ngầm mới nhất, được đưa vào biên chế hải quân hồi tháng 4.2021. Tàu ngầm lớp Tấn có thể mang tối đa 12 tên lửa SLBM vốn có thể gắn đầu đạn hạt nhân, và mẫu mới nhất có thể mang tên lửa SLBM có tầm bắn xa hơn mẫu cũ hơn.
Những cải tiến này cho phép Trung Quốc dễ phóng tên lửa tới lãnh thổ Mỹ, theo các nguồn tin của báo Yomiuri.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hồi cuối tháng 9 cũng đưa tin, hai cầu tàu mới đã được xây cạnh 4 cầu tàu hiện có tại căn cứ Du Lâm thuộc tỉnh đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Căn cứ này đã được mở rộng trong nhiều năm qua, và 3 chiếc SSBN lớp Tấn cùng một tàu ngầm tấn công chống hạm và chống ngầm (SSN) lớp Thương chạy bằng hạt nhân đã cập vào các cầu tàu của căn cứ này.
“Việc mở rộng căn cứ nhằm tăng cường khả năng đón nhiều tàu ngầm hạt nhân”, một nguồn tin cho biết.
Hoàng Hải và biển Hoa Đông là hai vùng biển đông, và quân đội Trung Quốc dùng căn cứ Du Lâm làm căn cứ cho tàu ngầm SSBN, và tỉnh đảo Hải Nam cho phép tàu Trung Quốc tiến vào Biển Đông trước khi ra đến phía tây Thái Bình Dương.
Với nhận định Mỹ sẽ phát triển khả năng hạt nhân để đề phòng Trung Quốc, Bắc Kinh đang quảng bá việc tăng cường khả năng của tàu ngầm SSBN như một phần xây dựng khả năng hạt nhân để tranh đua với Mỹ.
Quân đội Trung Quốc hiện có ít nhất 6 chiếc SSBN lớp Tấn. Tàu ngầm SSBN lớp này mang các tên lửa Cự Lãng vốn có tầm bắn 8.000 km, tức có thể tấn công lãnh thổ Mỹ và hoạt động xa bên ngoài Hoa lục.
Tuy nhiên, một nguồn tin nói lớp tàu ngầm này có vấn đề về khả năng tàng hình, nên Trung Quốc đang phát triển một lớp tàu ngầm mới, theo chỉ đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo nhiều trang web chuyên về quân sự ở Trung Quốc, lớp tàu ngầm mới đang được phát triển có thể đạt tốc độ tối đa 32 hải lý và lặn sâu 600 mét.
Tàu ngầm mới sẽ có thể mang từ 16 đến 24 tên lửa Cự Lãng (Sóng Lớn). Đây là một kiểu tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và có tầm phóng khoảng 12.000 km, tức có thể phóng từ Biển Đông đến lãnh thổ Mỹ.
Tuy nhiên, nguồn tin nói sẽ tốn ít nhất 10 tỉ Nhân dân tệ để đóng một chiếc tàu ngầm lớp Tấn, còn tàu ngầm lớp mới sẽ tốn 20 tỉ Nhân dân tệ. Tàu ngầm SSBN tiêu tốn rất nhiều tiền và khó đóng hàng loạt.
Mỹ nỗ lực chống tàu ngầm Trung Quốc tấn công từ xa
Hiện tại, chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden đang rất lo ngại việc Trung Quốc tăng cường khả năng của hạm đội tàu ngầm. Báo cáo Đánh giá Tình hình Hạt nhân (NPR) được Mỹ công bố hồi tháng 3 khẳng định “việc duy trì khả năng đánh chặn hạt nhân vẫn là quan tâm hàng đầu” của Mỹ.
Hiện nay, hải quân Mỹ có 68 tàu ngầm hạt nhân, gồm 14 chiếc SSBN và 50 chiếc SSN, theo một tài liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) hồi tháng 4.2021.
Với con số này thì Trung Quốc vẫn còn kém xa khi chỉ có 15 tàu ngầm hạt nhân trong năm 2021, tài liệu của CBO cho biết. CBO còn dự báo Trung Quốc sẽ có thêm 10 chiếc SSBN và 16 chiếc SSN từ năm 2040.
Mỹ ngày càng cảnh giác trước việc Trung Quốc nhanh chóng đóng tàu ngầm lớp mới. Tàu ngầm Mỹ được triển khai khắp thế giới, và nếu Trung Quốc tăng số tàu ngầm hạt nhân thì Bắc Kinh có thể chiếm ưu thế về số lượng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trong báo cáo hàng năm về quân đội Trung Quốc được công bố hồi năm 2021, Bộ Quốc phòng Mỹ nêu Trung Quốc đã đóng 12 tàu ngầm hạt nhân trong vòng 15 năm qua. Việc đóng tàu ngầm SSBN mới từ đầu những năm 2020 để đến năm 2030, Trung Quốc sẽ có 8 chiếc SSBN, gồm các tàu ngầm lớp Tấn.
Vì có thể hoạt động ngầm dưới biển, tàu ngầm SSBN sẽ là “khả năng tấn công thứ hai” để trả đũa bằng tên lửa hạt nhân trước một cuộc tấn công phủ đầu bằng hạt nhân.
Toshi Yoshihara, một nhà nghiên cứu cấp cao ở Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược (CSBA, Mỹ) và là một chuyên gia về hải quân Trung Quốc nhận định, "về lâu dài, Trung Quốc có thể trực tiếp đe dọa Mỹ bằng “khả năng tấn công thứ hai” trong khi vẫn giữ lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược ở Biển Đông".
Yomiuri nhận định, "sẽ không thực tế nếu Mỹ muốn tăng hạm đội tàu ngầm hạt nhân nhanh như Trung Quốc. Vì thế, Mỹ hợp tác với các đồng minh để đối phó Trung Quốc, gồm lập Liên minh an ninh AUKUS với Anh và Úc hồi năm ngoái".
Anh - Mỹ đã lên kế hoạch dàn 8 tàu ngầm hạt nhân đến Úc vốn gần Biển Đông, một tuyến hàng hải quan trọng để tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc tiến ra phía tây Thái Bình Dương.
Bằng cách triển khai tàu ngầm hạt nhân đến Úc, AUKUS sẽ ngăn chặn Trung Quốc tăng cường khả năng đánh chặn, theo Yomiuri.