Mỹ-Thụy Sỹ tổ chức đàm phán hòa bình về Sudan, Nga tuyên bố không tham gia
Kể từ khi xung đột nổ ra tại Sudan, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, khoảng 25 triệu người dân nước này đối mặt với nạn đói và cần viện trợ nhân đạo.
Phái bộ Nga tại Geneva ngày 9/8 cho biết, nước này sẽ không tham gia cuộc đàm phán giữa các phe phái ở Sudan do Mỹ cùng Thụy Sỹ tổ chức.
Thông báo của phái bộ nêu trên cho biết: “Nga sẽ không tham gia cuộc đàm phán”.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington đã mời lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự tham gia cuộc đàm phán ngừng bắn ở Thụy Sỹ, do Saudi Arabia đồng chủ trì.
Liên minh châu Phi, Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Liên hợp quốc dự với tư cách là quan sát viên.
Ngày 9/8, chính phủ Sudan cho biết nước này sẽ gửi một phái đoàn đến Jeddah (Saudi Arabia) để tham vấn với Mỹ về lời mời tham gia các cuộc đàm phán ngừng bắn tại Geneva, dự kiến được tổ chức vào ngày 14/8.
Hôm 5/8, Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã hối thúc Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, tham gia các cuộc đàm phán hòa bình tại Thụy Sỹ nhằm cố gắng chấm dứt xung đột tại Sudan, sau khi người đứng đầu RSF bán quân sự, Tướng Mohamed Hamdan Daglo, đồng ý cử đoàn tham gia.
Các cuộc đàm phán trước đó do Mỹ và Saudi Arabia bảo trợ tại thành phố cảng Jeddah đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ kết quả đáng kể nào.
Xung đột tại Sudan bắt đầu từ tháng 4/2023 khi giao tranh giữa quân đội Sudan và Lực lượng RSF nổ ra ở thủ đô Khartoum và nhanh chóng mở rộng về phía Tây ra khắp Darfur.
Thống kê của nhóm viện trợ thuộc tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cho thấy, khoảng 1/3 số người nhập viện vì thương tích liên quan đến giao tranh ở Sudan là phụ nữ hoặc trẻ em dưới 10 tuổi.
Kể từ khi xung đột nổ ra, hàng chục nghìn người đã thiệt mạng, khoảng 25 triệu người dân nước này đối mặt với nạn đói và cần viện trợ nhân đạo. Ước tính đã có 2,2 triệu người Sudan chạy trốn ra nước ngoài, trong khi gần 7,8 triệu người phải tìm kiếm nơi ẩn náu mới.
Các cuộc xung đột trước đó cũng đã khiến 2,8 triệu người ở quốc gia Đông Phi này phải đi di tản.