Mỹ - Trung bước vào cuộc chiến giành ưu thế công nghệ 6G

Trong khi mạng băng thông rộng 5G vẫn đang được triển khai trên toàn thế giới, Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua để giành vị trí tối thượng trong 6G thế hệ tiếp theo, được đánh giá là một công nghệ có ý nghĩa quan trọng cho các cuộc chiến trong tương lai, bao gồm cả những ứng dụng của nó trong chương trình tên lửa siêu thanh.

Hai cách tiếp cận

Một báo cáo hồi tháng 8 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) lưu ý rằng Trung Quốc đang theo mô hình chỉ huy tập trung trong việc áp dụng công nghệ 6G cho các mục đích quân sự. Trong khi đó, Mỹ tiếp cận theo hướng cho phép các cấp chỉ huy và điều hành viên cấp thấp hơn chủ động đưa ra các quyết định quan trọng.

Ảnh: Asia Times

Ảnh: Asia Times

Báo cáo của IISS khẳng định, công nghệ 6G có thể đóng một vai trò quan trọng trong chương trình vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, bao gồm cả việc giải quyết tình trạng mất liên lạc hiện tại ở tốc độ siêu thanh.

Vào tháng 1, South China Morning Post đưa tin, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển một thiết bị laser 6G có thể xuyên qua lớp plasma chặn tín hiệu trên bề mặt tên lửa khi bay siêu thanh. Báo cáo cũng lưu ý rằng bước đột phá này có các ứng dụng quân sự khác như phát hiện máy bay tàng hình hoặc thông tin liên lạc không gian tốc độ cao.

Ngoài ứng dụng tiềm năng của 6G trong chương trình vũ khí siêu thanh của Trung Quốc, báo cáo đề cập công nghệ này có thể cải thiện khả năng giám sát và trinh sát trên không gian, xử lý dữ liệu và cho phép nhiều thiết bị hơn được kết nối trên nhiều tần số.

Báo cáo cũng cho biết, việc tích hợp AI trên các ứng dụng 6G có thể cho phép quân đội tận dụng dữ liệu lớn (big data) để cải thiện việc ra quyết định. 6G cũng có thể cung cấp đào tạo thực tế ảo và mở rộng cho quân nhân.

Trước đó, Asia Times có bài phân tích của chuyên gia nhận định, quá trình đào tạo phi công chiến đấu của Trung Quốc hiện còn một số hạn chế là còn phụ thuộc vào kịch bản có sẵn và kiểm soát mặt đất, điều này khiến phi công không chủ động khi đưa ra quyết định bay để thích ứng với điều kiện chiến trường thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, công nghệ 6G có thể cải thiện đáng kể quá trình đào tạo phi công chiến đấu của Trung Quốc, cung cấp các kịch bản thực tế và khó đoán hơn, phản ánh chính xác các tình huống chiến đấu trong đời thực.

Trong khi đó, theo báo cáo của IISS, Mỹ có cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm hơn, coi đây là một công nghệ cho phép các nhà điều hành và các cấp chỉ huy thấp hơn ứng phó với tính thiếu chắc chắc chắn trên chiến trường và chủ động trong việc ra quyết định. IISS cũng lưu ý, Mỹ muốn tận dụng 6G để tổ chức dữ liệu giữa chính họ và các đồng minh nhằm tăng tốc độ xử lý.

Theo IISS, Mỹ coi 6G là một công nghệ đi tắt đón đầu giúp họ duy trì lợi thế quân sự, nhấn mạnh vào quá trình tạo mẫu và thử nghiệm quy mô để phát triển, cùng với sự hợp tác với các nhà lãnh đạo ngành, các cơ quan chính phủ khác và các đối tác quốc tế.

Theo IDTechEX, công ty công nghệ hàng đầu của Hàn Quốc là Samsung, có nhiều bằng sáng chế liên quan đến 5G, cũng đang đầu tư mạnh mẽ vào 6G và các chip tiên tiến hàng đầu.

Sự tương phản giữa cách tiếp cận tập trung của Trung Quốc và cách tiếp cận kém chặt chẽ nhưng linh hoạt của Mỹ trong việc phát triển công nghệ 6G cho mục đích quân sự cũng được áp dụng cho các cơ sở nghiên cứu của họ. Báo cáo của IISS lưu ý rằng cách tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm của Trung Quốc để phát triển 6G cho phép nước này tập trung tất cả các nguồn lực của mình dưới sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ để tác động trong việc thiết lập các tiêu chuẩn toàn cầu.

Báo cáo lưu ý rằng phương pháp tiếp cận cố định này đã giúp Trung Quốc xây dựng ngành công nghiệp viễn thông của mình từ vị trí không đáng kể trong những năm 1980 thành một vị trí có lợi thế vượt trội trong lĩnh vực viễn thông 5G, cung cấp nền tảng vững chắc cho công nghệ 6G và giảm chi phí đối thủ cạnh tranh tới 30%. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng Trung Quốc phải đối mặt với những hạn chế đáng kể trong việc phát triển công nghệ 6G, chẳng hạn như phụ thuộc vào đầu vào nước ngoài, các lệnh trừng phạt của Mỹ và kiểm soát xuất khẩu.

Ngược lại, Mỹ đã không ưu tiên phát triển các mạng viễn thông thế hệ tiếp theo như Trung Quốc, đặc biệt là trong việc phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ 5G.

Mặc dù đề cập đến sự xói mòn lâu dài của ngành viễn thông Mỹ, báo cáo của IISS không phủ nhận sức mạnh của Mỹ trong các công nghệ đổi mới và các công ty Mỹ có vị trí tốt trong các công nghệ hỗ trợ 6G như phần mềm và chất bán dẫn. Nước này cũng đang áp dụng cách tiếp cận lấy nhà nước làm trung tâm trong việc phát triển các công nghệ chiến lược quan trọng để lấy lại động lực đã mất, có khả năng ghi nhận những lợi thế của Trung Quốc với cách tiếp cận này.

Trong bối cảnh của Mỹ, một phương pháp do nhà nước lãnh đạo bao gồm việc thiết lập quan hệ đối tác với các đồng minh và các quốc gia đối tác để tăng tốc phát triển công nghệ nhằm tận dụng thế mạnh của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.

“Cuộc chiến” công nghệ sẽ tác động như thế nào?

Báo cáo của IISS đưa ra cảnh báo về xung đột tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng mạng toàn cầu xuất phát từ lợi ích khác nhau của Trung Quốc và Mỹ, cùng với việc triển khai công nghệ viễn thông thế hệ tiếp theo cho các thị trường bên thứ ba.

Asia Times trước đó đã đưa tin rằng Trung Quốc đang dần bắt kịp sự dẫn đầu của Mỹ trong việc thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ, đồng thời lưu ý rằng việc chính trị hóa lĩnh vực này có nguy cơ làm phân mảnh các tiêu chuẩn toàn cầu và làm gián đoạn thương mại.

Ngoài Trung Quốc và Mỹ, EU, Nhật Bản và các nước khác đang thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế, có nghĩa là mong muốn độc quyền tiêu chuẩn của Mỹ hoặc Trung Quốc sẽ rất khó khăn, nếu không muốn nói là viển vông.

Cuộc chạy đua giành vị trí tối cao trong phát triển công nghệ 6G giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ quốc phòng và an ninh, kinh tế, chính trị và thậm chí cả xã hội.

Nhưng ngay cả khi các siêu cường đối thủ tìm cách tận dụng 6G cho một lợi thế quân sự mới, thì yếu tố quyết định có thể là ai trong hai người có thể cung cấp công nghệ 6G như một hàng hóa công cộng toàn cầu, củng cố tính hợp pháp của nó với tư cách là một nhà lãnh đạo công nghệ toàn cầu.

Cũng giống như đồng dollar Mỹ trở thành đơn vị tiền tệ trên thực tế cho thương mại quốc tế và củng cố sự thống trị của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu, sự thích ứng rộng rãi của công nghệ 6G của Trung Quốc hoặc Mỹ có thể thiết lập một trong hai siêu cường trở thành trung tâm của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư do công nghệ thúc đẩy.

Ngoài ra, cuộc chạy đua về 6G và xung đột tiêu chuẩn công nghệ đang diễn ra có thể dẫn đến một mạng internet toàn cầu chia rẽ với một bên là Trung Quốc kiểm soát và bên kia là Mỹ.

Đạt Quốc theo Asia Times

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/my---trung-buoc-vao-cuoc-chien-gianh-uu-the-cong-nghe-6g-i303221/