Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức nhiều đợt thi đánh giá năng lực
Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực từ tháng 2 đến tháng 8/2022. Các trường đại học có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) cho biết kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 của ĐH đạt được mục tiêu về chất lượng, quy trình, kết quả, sự tương đồng, cân bằng độ khó - dễ theo khoa học đo lường - khảo thí hiện đại.
Bài thi có tính phân loại cao, đánh giá năng lực học sinh theo các nhóm năng lực chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; có tương quan thuận với kết quả thi tốt nghiệp nhưng độ khó, tính phân loại cao hơn ở góc độ kiểm tra đánh giá.
Với kết quả như vậy, năm 2022, Trung tâm Khảo thí ĐHQGHN dự kiến tiếp tục tổ chức kỳ thi này tương tự năm ngoái với 7-8 đợt trong năm cho khoảng 30.000 thí sinh, phục vụ tuyển sinh diện rộng.
Đợt thi sớm nhất có thể diễn ra từ tháng 2, sau đó rải rác đến tháng 8/2022. Trong đó, kỳ thi diễn ra vào tháng 2 có thể tổ chức cho các thí sinh tự do và học sinh có nhu cầu. Từ tháng 3 trở đi, học sinh cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 có thể tham gia thi. Đề thi kiểm tra năng lực khác với đề kiểm tra kiến thức thuần túy nên các em có thể thử sức ở nhiều đợt khi chưa đạt.
Theo GS. Nguyễn Tiến Thảo, việc tổ chức nhiều đợt thi cũng tương ứng với xu thế tuyển sinh nhiều đợt mà các cơ sở giáo dục ĐH ở nhiều quốc gia đã làm.
Được biết, năm 2021, ĐHQGHN tổ chức lại kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT sau 4 năm dừng kỳ thi này. Đề thi gồm 150 câu chia làm ba phần, gồm: Tư duy định lượng (50 câu hỏi trong 75 phút), tư duy định tính (50 câu, 60 phút) và khoa học (50 câu thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và khoa học xã hội, 60 phút). Thí sinh làm bài thi trên máy tính, câu hỏi dưới dạng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn một trong bốn đáp án) và điền đáp án. Tổng thời gian làm bài là 195 phút, thang điểm 150.
Về tuyển sinh, năm 2022, ĐHQGHN sẽ tiếp tục dựa trên đánh giá năng lực và các công cụ khác để tuyển sinh các ngành tài năng, chất lượng cao hoặc xét học bổng. Phương thức này nhằm hướng tới việc chọn được học sinh có năng lực phù hợp với khung năng lực ngành nghề. Khi xét tuyển dựa vào đánh giá năng lực, kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ là điều kiện đủ để thí sinh nhập học.
ĐHQGHN vẫn có đợt tuyển sinh chung quốc gia cho các ngành và chỉ tiêu còn lại nhưng theo định hướng tự chủ hoàn toàn về tuyển sinh và giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, qua đó tạo đà đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực. ĐHQGHN cũng hướng tới sẵn sàng phối hợp với các trường khác để tổ chức thi trên diện rộng phục vụ xét tuyển của các trường tham gia. Như thế sẽ giảm được việc không có nhiều kỳ thi riêng, giảm tốn kém, và không gây tâm lý thi cử nặng nề cho thí sinh.