Năm 2024 khởi đầu cho sự kết thúc nhiên liệu hóa thạch?

Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (COP28) kết thúc tại Dubai và đã đặt ra mục tiêu thực hiện chuyển đổi để thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch. Mục tiêu này khiến các nước chia rẽ vì không có một lập trường nhất định, mục tiêu mơ hồ và không có ngày tháng hoặc con số cụ thể. Tuy nhiên, nhiều chỉ số thực tế đã chỉ ra một xu hướng đảo chiều.

 Năm 2024 khởi đầu cho sự kết thúc nhiên liệu hóa thạch? Ảnh AFP

Năm 2024 khởi đầu cho sự kết thúc nhiên liệu hóa thạch? Ảnh AFP

Năm 2024 có phải là năm đánh dấu sự đảo ngược của đường cong khí thải nhà kính hay không? Năm 2023, những gã khổng lồ trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch liên tục công bố các dự án mới và chia cổ tức gần 100 tỷ euro. Thực tế, một số nghiên cứu và báo cáo chỉ ra rằng mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch đã hoặc sắp đạt đến mức đỉnh điểm, báo hiệu một đợt suy thoái không thể tránh được.

Thời điểm thỏa thuận Dubai có hiệu lực vẫn còn quá sớm, thay vào đó nó giúp thế giới nhận ra tình hình hiện tại. Lượng khí thải liên quan đến sản xuất điện trên toàn thế giới là một chỉ số tốt. Theo một báo cáo do nhóm nghiên cứu Ember công bố, lượng khí thải này đã ổn định vào năm 2023 và dự kiến sẽ giảm trong năm nay.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, việc triển khai nhanh chóng các phương tiện sản xuất điện tái tạo (gió và quang điện) sắp vượt xa mức tăng nhu cầu, đủ để thay thế cơ sở hạ tầng dựa trên than và khí đốt. Khi đó quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ thực sự bắt đầu. Cho đến nay, các phương tiện sản xuất mới đã được bổ sung vào các nhà máy hóa thạch. Do đó, xu hướng này sắp bị đảo ngược.

Những lý do thời sự như chiến tranh ở Ukraine và cơn khủng hoảng năng lượng phần nào giải thích cho xu hướng này, nhưng vẫn có nhiều lý do khác tác động vào. Quá trình phát triển mạnh mẽ của các phương tiện sản xuất điện không phát thải carbon là động lực chính, đặc biệt là ở Trung Quốc, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới, nhiều hơn cả Mỹ, Ấn Độ và Nga cộng lại. Một số nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu về năng lượng và không khí sạch hay nhóm nghiên cứu Climate Analytics đều đưa ra cùng một kết luận: nhu cầu năng lượng của Trung Quốc sẽ được đáp ứng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện sản xuất điện không phát thải carbon, đủ để đạt lượng khí thải đỉnh điểm rồi suy giảm dần.

Việc đảo ngược đường cong phát thải khí nhà kính là một bước thiết yếu để tuân theo các mục tiêu ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhưng lại diễn ra quá muộn. Các chuyên gia khí hậu liên tục nhắc lại rằng điều này đáng lẽ phải diễn ra từ nhiều năm trước. Nếu năm 2024 mới bắt đầu xu hướng này thì chặng đường phía trước vẫn còn rất dài. Để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, cần phải quan sát mức giảm phát thải 9% mỗi năm tiếp theo.

Ý Thiên

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/nam-2024-khoi-dau-cho-su-ket-thuc-nhien-lieu-hoa-thach-703355.html