Năm 2024 - tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán trung và dài hạn
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2023 mặc dù còn có những khó khăn nhưng đã chứng kiến sự phục hồi tốt, đạt được nhiều kết quả tích cực, làm tốt vai trò kênh dẫn vốn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2024 này sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển thị trường chứng khoán trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế đất nước.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, sáng 28/2, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Thị Chân Phương đã trình bày báo cáo “Đánh giá hoạt động thị trường chứng khoán năm 2023, phương hướng nhiệm vụ phát triển thị trường năm 2024”.
Nhiều kết quả tích cực trên thị trường chứng khoán năm 2023
Đánh giá về TTCK năm 2023, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, TTCK tiếp tục khẳng định vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế. Mặc dù chịu ảnh hưởng từ nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, hoạt động huy động vốn qua TTCK trong năm 2023 có sự khởi sắc, với tổng giá trị huy động vốn qua TTCK đạt 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% (so sánh với năm 2022).
Hội nghị này là cơ hội để ngành Chứng khoán trình bày với lãnh đạo các cấp, các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương cùng các thành viên thị trường về hoạt động của ngành, của TTCK trong năm 2023, phương hướng hoạt động năm 2024; tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo các cấp; trao đổi, tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành và các thành viên thị trường để đánh giá kết quả hoạt động, đề ra các các giải pháp hiệu quả cho sự phát triển lành mạnh, bền vững của TTCK, góp phần thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cùng với đó, diễn biến TTCK phản ánh kỳ vọng tích cực của thị trường về triển vọng kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với tình hình phục hồi của nền kinh tế, chỉ số VN-Index tăng 12,2% so với năm trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp huy động vốn qua TTCK. Kết quả sản xuất kinh doanh của các công ty niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn còn khó khăn nhưng có dấu hiệu phục hồi vào những tháng cuối năm. Các tổ chức kinh doanh chứng khoán có sự cải thiện về chất lượng hoạt động, duy trì với 81/82 công ty chứng khoán đang hoạt động có tỷ lệ an toàn tài chính trên 180%; 43 công ty quản lý quỹ đang hoạt động, với tổng giá trị tài sản quản lý tại thời điểm 31/12/2023 đạt khoảng 639 nghìn tỷ đồng, tăng gần 16% so với thời điểm cuối năm 2022 và có 107 quỹ đầu tư chứng khoán, tăng 10 quỹ so với năm 2022.
Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết thêm, năm 2023 vừa qua, ngành Chứng khoán đã quyết liệt đề ra và triển khai các giải pháp phát triển TTCK. UBCKNN đã trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2030, tạo định hướng cho sự phát triển trong trung và dài hạn của TTCK.
UBCKNN cũng tích cực tham gia các hoạt động hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ cho thu hút đầu tư và sự phát triển TTCK như: ký kết Ý định thư hợp tác với Sở Giao dịch chứng khoán Nasdaq, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2023; tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư gián tiếp tại Luxembourg, Los Angeles vào tháng 11/2023; Hội nghị đối thoại với cộng đồng nhà đầu tư quốc tế và các tổ chức xếp hạng thị trường tại Hồng Kông - Trung Quốc; làm việc với các cơ quan, tổ chức, thành viên thị trường tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện mục tiêu nâng hạng TTCK của Việt Nam.
Đồng thời, ngành Chứng khoán đẩy mạnh công tác giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo TTCK vận hành thông suốt, an toàn. Trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động, ý thức tuân thủ pháp luật của một bộ phận tổ chức, cá nhân cần được nâng cao hơn nữa, phát sinh các vụ việc vi phạm trên thị trường, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với các sở giao dịch chứng khoán trong tăng cường giám sát đối với thị trường, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát; tổ chức thanh kiểm tra, xử phạt các vi phạm về chứng khoán, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm pháp luật trên thị trường.
“Nhìn chung, trong năm 2023, với bối cảnh môi trường kinh tế quốc tế và trong nước, nội tại của TTCK còn gặp nhiều nhiều khó khăn, thách thức; TTCK cũng chịu áp lực lớn từ diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế, nhưng với sự hỗ trợ từ nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, cùng sự phối hợp chặt chẽ của bộ, ngành và đơn vị liên quan, sự quyết liệt trong quản lý điều hành và giám sát của UBCKNN, TTCK Việt Nam năm 2023 mặc dù còn có những khó khăn nhất định nhưng đã chứng kiến sự phục hồi tốt, đạt được nhiều kết quả tích cực, làm tốt vai trò kênh dẫn vốn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” – Chủ tịch UBCKNN cho hay.
Tạo dựng cơ sở cho phát triển thị trường trung và dài hạn
Trình bày về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết, năm 2024, môi trường kinh tế trong và ngoài nước tiếp tục đối diện với các khó khăn, diễn biến phức tạp, khi tăng trưởng của kinh tế thế giới được dự báo vẫn còn yếu trong ngắn hạn. Điểm sáng là dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương tiếp tục ở mức cao hơn các khu vực khác.
Trong nước, ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Nghị quyết xác định 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, với 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Đối với TTCK, theo Chủ tịch UBCKNN, 2024 sẽ là năm tạo dựng các cơ sở cho sự phát triển TTCK trong trung và dài hạn, góp phần vào việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế năm 2024. Do vậy, ngành Chứng khoán dự kiến triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để làm tốt trên nhiều mảng công tác.
Năm 2024 sẽ tiếp tục quản lý điều hành TTCK đảm bảo an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng TTCK.
Theo đó, UBCKNN sẽ quyết liệt triển khai ngay các giải pháp, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững; xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, UBCKNN để thực hiện Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
Đồng thời, UBCKNN tiếp tục quản lý điều hành TTCK đảm bảo an toàn, thông suốt, tạo thuận lợi cho huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế; triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc để thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng TTCK; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp thông qua triển khai công bố thông tin một đầu mối, cải cách thủ tục hành chính.
Cũng trong năm 2024, cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh giám sát, thực thi pháp luật để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật và hoạt động lành mạnh của thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, làm sạch dữ liệu nhà đầu tư và nghiên cứu xây dựng trung tâm dữ liệu tập trung hỗ trợ công tác quản lý giám sát.
Cùng với đó, tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa trên thị trường, khuyến khích các hoạt động chào bán, phát hành ra công chúng và gắn chào bán ra công chúng lần đầu với niêm yết, đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán; nâng cao năng lực và an toàn tài chính của hệ thống tổ chức kinh doanh chứng khoán thông qua tiếp tục tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, đồng thời đẩy mạnh quản lý, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức kinh doanh chứng khoán đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ đẩy mạnh thông tin tuyên truyền tới công chúng đầu tư để nâng cao hiểu biết pháp luật, hoạt động của TTCK, góp phần giúp công chúng đầu tư có kiến thức, thông tin phòng ngừa các hoạt động gian lận trên TTCK và trên không gian mạng./.