Năm 2025, có nên đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng?

Theo các chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng năm 2025 sẽ có nhiều tiềm năng nhờ ngành du lịch hồi phục, lượng khách đến Việt Nam tăng cao.

Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc tiềm năng trong năm 2025. Bởi lẽ, thị trường đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi đầy nỗ lực. Đặc biệt, kết quả tích cực của ngành du lịch là căn cứ vững chắc thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Vì du lịch cần hệ thống hạ tầng từ giao thông đến cơ sở lưu trú chất lượng để đảm bảo, duy trì tính hấp dẫn.

"Trong thời gian tới, cùng với kết quả phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch và cơ hội mở hơn từ hành lang pháp lý, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ có những chuyển mình đáng kể", VARS dự báo.

Cũng theo VARS, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng trong năm 2025 sẽ tăng khoảng 80% so với năm 2024, dự kiến “bung” hàng khi các chủ đầu tư hoàn thành việc điều chỉnh về giá bán và chính sách. Nguồn cung chủ yếu là căn hộ dịch vụ tại các khu vực du lịch trọng điểm.

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn nhiều tiềm năng đầu tư trong năm 2025. (Ảnh minh họa)

Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn nhiều tiềm năng đầu tư trong năm 2025. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, một số khu vực vẫn dư thừa nguồn cung nghỉ dưỡng cao cấp chưa đưa vào vận hành do chưa hoàn thiện hạ tầng, tiện ích.

Lực cầu trong năm 2025 dự kiến tiếp tục được cải thiện khi hành lang pháp lý hoàn thiện trong bối cảnh du lịch, bán lẻ phục hồi tích cực. Nhu cầu vẫn hướng đến các sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng lâu dài hoặc căn hộ du lịch tại những dự án có phương án vận hành rõ ràng.

Dự báo giá bán sơ cấp vẫn ở mức cao, song sẽ được điều chỉnh phù hợp hơn. Giá bán biệt thự nghỉ dưỡng đi ngang tại một số nơi dư thừa nguồn cung cao cấp. Giá biệt thự nghỉ dưỡng lâu dài tại các khu vực du lịch trọng điểm tiếp tục tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm nhờ dòng tiền cho thuê bền vững.

Đồng quan điểm, ông Lê Đình Chung, Tổng giám đốc SGO Homes cũng cho rằng, trong năm 2025, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục và thu hút đầu tư.

Ông Chung chỉ ra loạt yếu tố tích cực đang tác động tới tốc độ phục hồi của phân khúc này gồm: kinh tế đang phát triển; lượng khách du lịch, nhất là khách quốc tế tăng mạnh; Chính phủ đã và đang triển khai tích cực các biện pháp để đạt mục tiêu đến năm 2030, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Cùng với đó, vấn đề pháp lý liên quan đến condotel, biệt thự nghỉ dưỡng đang được khắc phục. Các dự án đang được phát triển, tái cơ cấu theo hướng đa dạng hóa sản phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Chung, khách hàng ngày càng thận trọng hơn trong việc tìm kiếm thông tin, lựa chọn dự án. Giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án condotel với giá bán dưới 3 tỷ đồng/căn, các sản phẩm nghỉ dưỡng sở hữu lâu dài phục vụ mục đích lưu trú tại các khu vực có du lịch phục hồi mạnh.

Nhiều "nút thắt" cần tháo gỡ

Dù được đánh giá là một phân khúc nhiều tiềm năng nhưng theo các chuyên gia, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn nhiều vướng mắc cần được giải quyết.

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi nhận xét, dù đã qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng bất động sản nghỉ dưỡng vẫn chưa thể tìm lại được “sức sống” như xưa.

Thực tế, nhiều khu nghỉ dưỡng đang hoạt động với công suất phòng khiêm tốn, gặp khó khăn trong việc thu hút khách. Lợi nhuận giảm sút khiến các nhà đầu tư không khỏi lo lắng. Những dự án đang triển khai cũng chậm chạp, vướng mắc thủ tục, việc huy động vốn đầu tư cũng khó khăn hơn trước. Thậm chí, có những dự án đã phải "đắp chiếu" vô thời hạn, gây lãng phí nguồn lực đáng kể.

Bên cạnh những ảnh hưởng còn đọng lại của đại dịch, thị trường còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác như thiên tai, biến động kinh tế vĩ mô... Tất cả những yếu tố này đã tạo nên một bức tranh với gam màu chủ đạo là sự ảm đạm suốt thời gian qua.

Bên cạnh đó, theo ông Huy, sự chưa rõ ràng về pháp lý đã gây ra nhiều khó khăn cho cả nhà đầu tư và chủ đầu tư. Nhà đầu tư e ngại rủi ro về quyền sở hữu, tranh chấp pháp lý, khó khăn trong việc chuyển nhượng, thừa kế... Chủ đầu tư thì gặp trở ngại trong việc huy động vốn từ nhà đầu tư, triển khai dự án, quản lý vận hành...

Hơn nữa, pháp lý không rõ ràng cũng là rào cản lớn đối với việc huy động vốn tín dụng cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Các ngân hàng kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn gây ra tình trạng thiếu vốn và ách tắc trong triển khai dự án.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, chuyên gia pháp lý khẳng định "nút thắt" lớn nhất của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nằm ở khung pháp lý cho loại hình này còn thiếu và chưa đồng bộ.

"Trong Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Đất đai 2024, việc cấp sổ hồng cho các sản phẩm thuộc phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã tường minh và có cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trước đây. Tuy nhiên, các quy định mới vẫn chưa có nhiều "đột phá" cho sự phát triển của loại hình sản phẩm căn hộ condotel; tính chất và nội dung pháp lý liên quan đến loại hình condotel sẽ vẫn phải chờ đợi các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành", ông Tuấn đánh giá.

Ông Phạm Đức Toản, CEO EZ Property cũng cho rằng, trong ngắn và trung hạn, thị trường BĐS du lịch còn nhiều khó khăn phải vượt qua.

Chính vì vậy, theo ông Toản, lối thoát cho phân khúc này là nên mở rộng đối tượng người nước ngoài mua nhà, cơ chế thông thoáng trong miễn thị thực du lịch và đối với những dự án không phù hợp làm du lịch thì nên chuyển đổi sang nhà ở để tránh lãng phí, tháo gỡ khó khăn cho cả chủ đầu tư và khách hàng.

Châu Anh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nam-2025-co-nen-dau-tu-bat-dong-san-nghi-duong-ar918961.html