Năm 2025, kinh tế tư nhân đóng góp vào GDP khoảng 55%
Nghị quyết của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 .
Mục tiêu đề ra là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm, trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước.
Đến năm 2025, thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP. Giảm tối thiểu 10% tổng số đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021, có tối thiểu 20% đơn vị tự chủ tài chính.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP.
Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp, trong đó có khoảng 60.000 đến 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn; tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%; tối thiểu có 5 đến 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; cải thiện các yếu tố để tăng cường năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, nhất là phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Đề án Đổi mới cơ chế phân cấp quản lý, phân bổ ngân sách nhà nước để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và chủ động của ngân sách địa phương trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Về phát triển thị trường tài chính, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng các giải pháp nhằm đa dạng các định chế tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ bảo lãnh tín dụng, tổ chức tài chính vi mô, tổ chức tư vấn tài chính, dịch vụ kế toán, kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm… Nghiên cứu xây dựng chính sách, pháp luật khuyến khích đầu tư mạo hiểm.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành vào năm 2022.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu rõ nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn và phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn; cơ cấu lại các ngành theo hướng hiện đại, phát triển kinh tế xanh, bền vững và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế.