Năm 2028, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học toàn cầu sẽ đạt 13,9 tỷ USD
Trên thị trường thế giới, dự báo năm 2023-2028, thị trường thuốc bảo vệ thực vật sinh học sẽ phát triển với tốc độ tăng trưởng kép đạt 15,9%, năm 2023 đạt 6,7 tỷ USD và dự kiến năm 2028 sẽ đạt 13,9 tỷ USD.
Đó là thông tin tại diễn đàn "Thực trạng sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam và giải pháp phát triển bền vững" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 28/12.
Bà Bùi Thanh Hương - Trưởng phòng Thuốc bảo vệ thực vật (Cục Bảo vệ thực vật) cho biết, xu hướng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học ngày càng gia tăng, phổ biến ở các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Tại Việt Nam, từ năm 2020-2023, số lượng thuốc BVTV sinh học tăng từ 768 lên 810 tên thương phẩm được phép sử dụng.
Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tên thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng và tăng tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 30% trong thời gian tới. Phấn đấu đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học dẫn đầu trong khu vực.
Lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu hằng năm của nước ta trung bình 18.000 - 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 15 - 20% so tổng lượng thuốc BVTV nhập khẩu.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam cho biết thêm, Việt Nam là một trong những quốc gia sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhiều nhất ở Đông Nam Á với khoảng 16 - 18%.
Tuy nhiên, việc phát triển thuốc BVTV sinh học vẫn gặp một số rào cản như: hiệu lực chậm, thấp hơn và không ổn định; chuyên tính hẹp, không phong phú về chủng loại; thời gian bảo quản ngắn, dễ bị ảnh hưởng của môi trường, dễ bị lẫn tạp; sử dụng khó; chi phí sử dụng thuốc cao; thói quen sử dụng thuốc BVTV hóa học của người dân; quy định về đăng ký tại nhiều nước còn bất cập…
PGS.TS Nguyễn Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đề nghị Nhà nước cần có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, sản xuất, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Cùng với đó, đổi mới công tác đăng ký, quản lý thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm tạo động lực và quản lý hiệu quả hơn, hài hòa với quy định của các nước tiên tiến.../.