Nắm bắt 48 giờ vàng cứu bệnh nhân cúm nguy kịch

Diễn viên Từ Hi Viên tử vong vì bệnh cúm biến chứng viêm phổi, hãy nắm bắt '48 giờ vàng' để sử dụng thuốc kháng virus hiệu quả.

Hãy nhớ 48 giờ sau khi phát bệnh cúm được biết đến như là “48 giờ vàng”… Nếu nhóm có nguy cơ cao không sử dụng thuốc kháng vi-rút hiệu quả bệnh có thể phát triển thành viêm phổi hay các biến chứng nghiêm trọng khác…Đừng chần chừ cúm có thể đe dọa tính mạng.

Từ Hi Viên mới chỉ 48 tuổi tử vong do cúm biến chứng viêm phổi…

Ngày 3/2, nữ diễn viên, ca sĩ kiêm người dẫn chương trình Đài Loan Từ Hi Viên đã qua đời vì bệnh viêm phổi do vi-rút cúm chỉ trong 5 ngày. Cô ấy mới qua tuổi 48. Cái chết của Từ Hi Viên đã gây sốc và đau buồn cho toàn bộ ngành giải trí và vô số người hâm mộ.

Theo những người bạn thân, Từ Hi Viên đã có những triệu chứng cảm cúm trước chuyến du lịch Nhật Bản cùng gia đình vào ngày 29 tháng 1, nhưng cô vẫn quyết định bắt đầu hành trình mặc dù cơ thể rất khó chịu.

Ngày đầu ở Nhật Bản, gia đình Từ Hi Viên đến suối nước nóng Hakone nổi tiếng để tận hưởng kì nghỉ Tết Nguyên đán. Nhưng không may, vào ngày thứ ba Từ Hi Viên đột nhiên cảm thấy không khỏe và được đưa vào bệnh viện, sau đó cô đã qua đời tại Tokyo vào sáng ngày thứ năm.

Ngày càng nhiều thảm kịch như “một cơn cảm lạnh nhẹ” cướp đi mạng sống: Cúm thực sự nguy hiểm

“Cúm - Influenza” được gọi là "cảm cúm" trong tiếng Việt. Vì nó chứa từ "cảm" nên nhiều người nghĩ rằng đó chỉ là cảm lạnh thông thường và coi nhẹ. Nhưng trên thực tế, cúm có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

Theo ước tính của WHO, trên toàn thế giới có khoảng 1 tỷ ca mắc cúm mỗi năm, trong đó có từ 3 – 5 triệu ca bệnh nặng, khoảng 290 – 650 ngàn ca tử vong. Theo dữ liệu của CDC Hoa Kỳ, trong mùa cúm 2024 – 25, ước tính đến thời điểm hiện tại Mỹ đã có ít nhất 20 triệu ca mắc cúm, khoảng 250 ngàn ca nhập viện và 11 ngàn ca tử vong.

Theo dữ liệu từ Viện Truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, từ ngày 2/9/2024 đến nay, ước tính tổng số bệnh nhân cúm tại Nhật Bản đã lên tới 9,523 triệu, trong đó có tuần đạt mức cao nhất 2,58 triệu bệnh nhân cúm làm cho các bệnh viện đều rơi vào quá tải.

Cúm chủ yếu được chia thành các loại vi-rút cúm A (như H1N1, H3N2), loại B và loại C.

Cúm A: Mạnh nhất (như H1N1 chiếm 93%), tỉ lệ ca nặng nhiều nhất, tỉ lệ tử vong cao nhất, đã nhiều lần gây ra đại dịch toàn cầu.

Cúm B: Ít gây tử vong hơn, nhưng tấn công trẻ em.

Cúm C: Chủ yếu tấn công trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ và thường không gây ra dịch bệnh.

Sở dĩ cúm A nặng nhất và có thể gây dịch bệnh lan ra toàn cầu, là do vi-rút cúm A rất dễ đột biến, mỗi năm có một biến thể khác nhau, nó khiến hệ thống miễn dịch của con người khó nhận biết chúng trong thời gian dài.

Người già, trẻ em và phụ nữ mang thai, những người mắc bệnh nền mãn tính, người béo phì, người thức khuya trong thời gian dài, người bị căng thẳng tâm lí đều là nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh cúm.

Về mặt bệnh lý: Vi-rút cúm xâm nhập vào cơ thể, sẽ gây hoại tử tế bào biểu mô đường hô hấp, mất nhung mao và rối loạn chức năng tiết nhầy, giảm chức năng phòng vệ tại chỗ, từ đó gây ra nhiều biến chứng.

 Bệnh nhân nhiễm cúm nặng đang điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới TƯ.

Bệnh nhân nhiễm cúm nặng đang điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới TƯ.

Biến chứng phổ biến nhất là viêm phổi

Về mặt lâm sàng, những trẻ dưới 15 tuổi và người trên 65 tuổi, phụ nữ có thai, đặc biệt có thai trong vòng 2 tuần trước khi sinh, người mắc bệnh nền mạn tính được xếp vào nhóm có nguy cơ biến chứng cao. Nguy cơ biến chứng do cúm ở thanh niên trẻ tuổi, người trung niên khỏe mạnh là thấp, nhưng không thể bỏ qua những rủi ro này.

Triệu chứng lâm sàng của viêm phổi là ho kèm khó thở, nhịp thở nhanh (>24 nhịp/phút), thiếu oxy và sốt kéo dài (>3 ngày). Các trường hợp viêm phổi nặng, có thể phát triển thành hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), hoặc suy đa phủ tạng thứ phát (MODS).

Khi xảy ra ARDS, phổi “đầy dịch”, tất cả phổi đầy nước nên còn gọi nôm na là “phổi trắng”, dịch trong phổi có chứa đầy chất viêm. Trong tình trạng bệnh này, nếu liệu pháp hô hấp hỗ trợ là thở máy không theo kịp, bệnh nhân sẽ “chết đuối” trong chính nước phổi của mình. Loại viêm phổi cực nặng này rất khó điều trị, đòi hỏi phải hỗ trợ sự sống chất lượng cao, thậm chí là ECMO.

Các loại biến chứng viêm phổi

Viêm phổi do virus cúm nguyên phát: Do vi-rút cúm xâm nhập vào đường hô hấp dưới, gây viêm phế quản, sau đó là viêm phổi. Biểu hiện sốt cao kéo dài từ 3 đến 5 ngày sau khi khởi phát bệnh cúm, kèm theo các triệu chứng viêm phổi nêu trên. Bệnh thường rất nghiêm trọng, có thể tiến triển nhanh chóng và có thể đe dọa tính mạng nếu không can thiệp tích cực, đặc biệt ở những người mắc bệnh phổi hoặc tim mạch.

Viêm phổi do vi khuẩn thứ phát: Sau khi các triệu chứng cúm cải thiện (bao gồm cả sốt giảm), tình trạng bệnh tái phát do phổi nhiễm các vi khuẩn như phế cầu hay tụ cầu vàng, gây sốt và ho có đờm mủ. Viêm phổi do vi khuẩn thứ phát là phổ biến nhất, chiếm khoảng 1/3 số ca cúm nặng, bệnh thường xuất hiện vài ngày sau khi bị cúm (7 đến 14 ngày).

Viêm phổi do tụ cầu vàng rất nguy kịch, bệnh nhân có thể tràn khí ở bất cứ đâu có vi khuẩn, đặc biệt là tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da gây phù nề hoại tử toàn thân; tỉ lệ tử vong rất cao.

Viêm phổi do bội nhiễm vi khuẩn, virus và nấm phối hợp: Bệnh thường xảy ra ở những bệnh nhân có sức đề kháng yếu, có thể biểu hiện bằng các triệu chứng nặng dần, hoặc có thể cải thiện trong thời gian ngắn sau đó nặng hơn.

Các biến chứng khác

Biến chứng tim: Thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và suy tim chiếm khoảng 12% bệnh cúm ở người lớn, nhưng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim do cúm rất hiếm gặp.

Biến chứng hệ thần kinh trung ương: Co giật động kinh phổ biến hơn ở trẻ em và bệnh nhân bị động kinh. Bệnh não liên quan đến cúm phổ biến hơn ở trẻ em. Viêm não do cúm, nhồi máu hay chảy máu não, viêm não lan tỏa cấp tính, hội chứng Guillain-Barré ở người lớn nhưng không phổ biến.

Biến chứng cơ xương: Viêm cơ nặng và tiêu cơ vân (biểu hiện đau cơ dữ dội, yếu cơ, nước tiểu sẫm màu) thường gặp ở trẻ em. Mặc dù đau cơ là triệu chứng nổi bật của bệnh cúm, nhưng viêm cơ thực sự lại không phổ biến.

Sốc do nhiễm độc: Các đợt bùng phát cúm A và B trong những năm gần đây, các hội chứng giống như sốc do nhiễm độc đã xảy ra ở trẻ em và người lớn khỏe mạnh, thường liên quan đến nhiễm trùng thứ phát.

Nhiễm trùng kém đi: Bao gồm nhiễm trùng huyết, viêm màng não, bệnh nấm aspergillus. Bệnh nhân cúm cần phải cảnh giác nếu họ bị sốt kéo dài hơn 3 đến 5 ngày, nếu bị sốt trở lại sau khi cơn sốt đã thuyên giảm hoặc nếu các triệu chứng tiếp tục trở nên trầm trọng hơn sau 3 đến 5 ngày phát bệnh.

 Cần thăm khám khi có triệu chứng bệnh - Ảnh minh họa

Cần thăm khám khi có triệu chứng bệnh - Ảnh minh họa

Tận dụng 48 giờ vàng điều trị cúm

Những người sau đây cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt, để chẩn đoán chính xác bị cúm, bác sĩ tận dụng “48 giờ vàng” điều trị bằng thuốc kháng virus.

Những người bị cúm có biến chứng cao: Bao gồm trẻ dưới 15 tuổi hoặc người bệnh trên 65 tuổi, người mắc các bệnh nền mãn tính, nên điều trị bằng thuốc kháng vi-rút bất kể triệu chứng nặng hay nhẹ.

Người bị cúm có tiếp xúc với nhóm nguy cơ cao: Những người dù không thuộc nhóm nguy cơ cao bị biến chứng, nhưng tiếp xúc với nhóm người có nguy cơ cao (ví dụ trong gia đình có trẻ em, người già, phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền mãn tính), thì khi bị cúm người đó nên điều trị thuốc kháng vi-rút bất kể triệu chứng hay thời gian quá 48 giờ, để giảm tải lượng vi-rút nhằm phòng lây nhiễm cho người thân trong gia đình.

Cúm dai dẳng hoặc nặng: Các triệu chứng giống cúm tiếp tục tiến triển trong hơn 3 ngày hoặc xảy ra biến chứng cúm hoặc bệnh nặng. Trong trường hợp nặng hoặc khi bệnh kéo dài hơn 2 ngày, nên tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ và sử dụng các loại thuốc kháng vi-rút tương ứng để điều trị kịp thời.

Bệnh cúm lây như thế nào?

Lây truyền qua giọt bắn: Các giọt bắn (chứa các hạt vi-rút) bắn ra khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi được người khác hít vào.

Lây truyền qua tiếp xúc: Chạm vào các vật dụng bị nhiễm vi-rút (như tay nắm cửa, nút bấm thang máy), sau đó chạm vào các niêm mạc như miệng, mũi, mắt.

Lây truyền trong không gian hạn chế: Ở những nơi lưu thông không khí kém (như lớp học, văn phòng, trên phương tiện giao thông công cộng), vi-rút có thể lơ lửng trong nhiều giờ.

Lưu ý: Thời gian ủ bệnh của bệnh cúm thường là 1-4 ngày và người bị nhiễm thường có khả năng lây nhiễm 1 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng.

BS Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn)

BS Trần Văn Phúc/ VietnamDaily

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/nam-bat-48-gio-vang-cuu-benh-nhan-cum-nguy-kich-2078879.html