Nắm bắt cơ hội cho ngành công nghiệp bán dẫn

Nhu cầu chip bán dẫn dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới và mọi cường quốc đều muốn làm chủ công nghệ này. Với nhiều điểm lợi thế, Việt Nam đang nổi lên như một thị trường trọng điểm cho các nhà sản xuất chất bán dẫn lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, công nghiệp chip bán dẫn là ngành hết sức mới ở Việt Nam, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để đón nhận các cơ hội và phát triển một cách hiệu quả, trong đó đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề mang tính chất nền tảng.

Hàng tỷ USD đổ vào các dự án bán dẫn

Chip bán dẫn là bộ phận đóng vai trò then chốt trong việc chế tạo các sản phẩm và linh kiện công nghệ hiện đại như: Điện thoại di động, máy ảnh, ti vi, máy giặt, tủ lạnh, máy ATM, bóng đèn LED, bộ vi xử lý của máy tính, điều hòa... Do quy mô thị trường lớn đã khiến các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều tập trung phát triển lĩnh vực này và Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Tháng 9 vừa qua, Công ty TNHH Hana Micron Vina (Hàn Quốc) tổ chức khánh thành dự án nhà máy sản xuất chất bán dẫn Hana Micron Vina 2 tại Bắc Giang. Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Dự kiến năm nay doanh thu của công ty đạt 300 triệu USD. Đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên hơn 1 tỷ USD, doanh thu dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động.

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Daikin Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên).

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Daikin Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên).

Tiếp đó, tháng 10-2023, nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor (Hàn Quốc) đã khánh thành tại Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 đạt 1,6 tỷ USD. Trước đó, vào tháng 6, Tập đoàn N&G của Việt Nam và Tập đoàn SEIN I&D của Hàn Quốc đã tổ chức lễ ký và trao Hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng “Tổ hợp Techno Park Việt Nam-Hàn Quốc” bên trong Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Theo thỏa thuận, N&G Group và SEIN I&D sẽ cùng với các đối tác lớn của Hàn Quốc và quốc tế, hợp tác đầu tư xây dựng hạ tầng và các công trình chuyên biệt cho phát minh-sáng chế-sản xuất-ứng dụng các sản phẩm Micro-chip theo tiêu chuẩn công nghệ cao toàn cầu.

Hoa Kỳ cũng không chậm chân trong cuộc đua toàn cầu về chip bán dẫn. Mới đây, Trung tâm Ðổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký kết biên bản ghi nhớ với 3 đối tác lớn của Hoa Kỳ gồm Synopsys, Tập đoàn Cadence Design Systems và Ðại học Arizona. Trong đó, hợp tác của NIC với Synopsys và Ðại học Arizona thuộc lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, trong khi hợp tác với Tập đoàn Cadence Design Systems liên quan đến việc thúc đẩy năng lực thiết kế và phát triển sản phẩm chip bán dẫn tại Việt Nam. Ngoài ra, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Intel về việc phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghệ cao.

Bên cạnh các dự án nước ngoài, trong nước, một số đơn vị, doanh nghiệp công nghệ cũng đã nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội, Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT (Tập đoàn FPT), Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC... Đây sẽ là con đường để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành chip bán dẫn toàn cầu.

Xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn. Việt Nam có đủ năng lực phát triển công nghiệp bán dẫn, một hệ thống chính trị được đánh giá ổn định, vị trí địa lý thuận lợi. Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc đẩy mạnh hợp tác đầu tư, phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam. Cùng với đó, Việt Nam đã và đang xây dựng được ngành công nghiệp điện tử đủ lớn ở trong nước cũng như thu hút ngày càng nhiều các đơn vị sản xuất điện tử lớn. Đây là thị trường trực tiếp của công nghiệp bán dẫn. Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và 3 khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng sẵn sàng đón các nhà đầu tư ngành bán dẫn với cơ chế ưu đãi cao. NIC và các khu công nghệ cao này sẽ là cầu nối quan trọng để hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành bán dẫn Việt Nam.

Ông Võ Xuân Hoài, Phó giám đốc NIC cho biết, để hiện thực hóa các hợp tác trong lĩnh vực chip bán dẫn, NIC đang xây dựng hạ tầng cho trung tâm ươm tạo thiết kế vi mạch tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội. NIC cũng sẽ đầu tư vào hạ tầng mô phỏng và tạo mẫu công nghệ thông tin để thành lập trung tâm ươm tạo dự kiến đi vào hoạt động trong tương lai gần.

Xác định việc đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề mang tính chất nền tảng cho ngành công nghiệp bán dẫn, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành xây dựng chương trình hành động để phát triển ngành này ở Việt Nam, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp này đến năm 2030. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua sơ bộ nghiên cứu, Bộ đề xuất 3 trụ cột chính nhằm đào tạo nhân lực phục vụ cho công nghiệp bán dẫn. Trụ cột đầu tiên mang tính lâu dài là đào tạo đại học cho nguồn nhân lực chất lượng cao, gồm kỹ sư, tiến sĩ, thạc sĩ giỏi với sự hợp tác giữa Nhà nước, doanh nghiệp và các trường đại học. Trụ cột thứ hai là đào tạo kỹ thuật viên và trụ cột thứ ba là thu hút nhân tài làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn.

KHÁNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nam-bat-co-hoi-cho-nganh-cong-nghiep-ban-dan-749317