Năm của tiêm phòng Covid-19
Bên cạnh vắc-xin, năm 2022 cũng là năm các loại thuốc uống chống Covid-19 xung trận, giúp việc điều trị hiệu quả hơn
Năm 2021 là năm phát triển vắc-xin Covid-19 và 2022 chính là năm đẩy mạnh tiêm chủng, bao gồm tiêm mũi đầu cho người chưa được chủng ngừa và tiêm mũi tăng cường - đó là nhận định của ông Jerome Kim, Tổng Giám đốc Viện Vắc-xin quốc tế, một tổ chức phi lợi nhuận do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) sáng lập.
Theo ông Kim, ưu tiên hàng đầu của năm 2022 là đưa được vắc-xin đến với người cần, đặc biệt là ở những nước nghèo hơn với rất nhiều người chưa được tiêm mũi nào.
"Điều cực kỳ quan trọng là Omicron chưa phải là biến thể cuối cùng và chúng ta sắp chứng kiến nhiều biến thể khác" - ông Kim nhấn mạnh trong chương trình "Street Signs Asia" của đài NBC hôm 3-1.
Ông đồng thời cho biết dần dà nguồn cung vắc-xin sẽ không còn là vấn đề, thay vào đó là làm sao phủ sóng tiêm chủng ngày càng rộng.
Số liệu của trang Our World in Data cho biết khoảng 58,3% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin Covid-19 nhưng mới có 8,5% người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 mũi.
Ngược lại, nhiều nước giàu hơn đang tiêm mũi thứ 3, thậm chí Israel đã bắt đầu tiêm mũi thứ 4 cho người từ 60 tuổi trở lên cũng như những nhân viên y tế tiêm mũi cuối ít nhất 4 tháng trước - theo thông báo hôm 2-1 của Thủ tướng Naftali Bennet.
Thêm vào đó, theo ông Kim, các nước nghèo không xét nghiệm cũng như giải trình tự gien nhiều, dẫn đến nguy cơ để lọt biến thể mới.
Đó là điều đã xảy ra với Omicron. Giới chuyên gia suy đoán biến thể này đã âm thầm biến đổi trong nhiều tháng trước khi lộ diện vào cuối năm 2021 và hiện thổi bùng số ca nhiễm trên toàn thế giới.
Theo dữ liệu của báo The New York Times, bình quân mỗi ngày trong vòng 7 ngày qua, nước Mỹ có gần 387.000 ca mắc mới, tăng tới 202% trong 2 tuần qua.
Tuy nhiên, cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng là TS Anthony Fauci cho rằng không nên quá quan tâm đến số ca tăng phi mã, thay vào đó số ca nhập viện và tử vong mới quan trọng hơn.
Về phương diện này, tỉ lệ nhập viện ở Mỹ chỉ tăng 30% (tương đương 90.000 ca/ngày) trong khi tỉ lệ tử vong giảm 4% (còn 1.240 trường hợp/ngày). "Vấn đề then chốt cần quan tâm là có đúng vắc-xin đã bảo vệ chúng ta khỏi bị bệnh nặng và nhập viện hay không" - TS Fauci nói trên đài ABC ngày 2-1.
Với đánh giá tương tự, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 3-1 trao đổi với kênh Channel Seven: "Chúng ta phải ngừng lo nghĩ về số ca nhiễm và chỉ nên để ý đến các trường hợp bệnh nặng, từ đó sống cùng virus, chăm lo sức khỏe của chính mình... và bảo đảm kinh tế tiếp tục hoạt động".
Theo Reuters, dù ghi nhận kỷ lục hơn 37.000 ca mắc mới hôm 3-1, chính phủ Úc nói việc Omicron ít gây bệnh nặng đồng nghĩa với việc nước này sẽ tiếp tục các kế hoạch tái mở cửa kinh tế.
Bên cạnh vắc-xin, năm 2022 cũng là năm các loại thuốc uống chống Covid-19 "xung trận", trợ lực cho cuộc chiến chống lại đại dịch đã khiến hơn 5,4 triệu người thiệt mạng đến nay, theo Tổng Giám đốc Jerome Kim.
Trong tháng 12 năm ngoái, Mỹ lần lượt cấp phép sử dụng khẩn cấp 2 loại thuốc Molnupiravir của Công ty Merck và Paxlovid của Pfizer. Một số nước cũng đã cấp phép hoặc đang xem xét quyết định tương tự.
Lạc quan kinh tế châu Á
Hoạt động sản xuất công nghiệp của châu Á tiếp tục tăng trưởng trong tháng 12-2021 bất chấp sự lây lan của biến thể Omicron. Các trung tâm xuất khẩu của Bắc Á trải qua giai đoạn phục hồi mạnh mẽ nhất nhờ sản xuất thuận lợi trong bối cảnh nhu cầu sản phẩm công nghệ của họ tăng cao.
Theo dữ liệu mới nhất của Công ty IHS Markit (Anh), chỉ số quản lý mua hàng sản xuất (MPMI) của Đài Loan (Trung Quốc) tăng từ 54,9 trong tháng 11 lên 55,5 trong tháng 12-2021. Cùng giai đoạn, MPMI của Hàn Quốc tăng từ 50,9 lên 51,9 - mức tăng ấn tượng nhất trong khu vực.
Xu hướng tăng cũng diễn ra ở Malaysia và Philippines... Trung Quốc vào tuần trước thông báo hoạt động sản xuất công nghiệp của họ tiếp tục phục hồi trong tháng 12-2021 nhờ giá hàng hóa giảm đáng kể và sức ép chi phí đối với các công ty được xoa dịu.
Trong năm 2022, theo Ngân hàng Morgan Stanley (Mỹ), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc có thể tăng thêm 5,5% - cao hơn so với phần lớn dự đoán. Morgan Stanley khẳng định mức tăng này đạt được nhờ nhiều yếu tố, trong đó có nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính.
Morgan Stanley cho biết Trung Quốc gần đây đã tiến hành 2 đợt cắt giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng nhằm giải phóng thanh khoản cho nền kinh tế song song với việc cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay nhiều hơn...
Trong khi đó, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) ngày 3-1 thông báo GDP năm 2021 của quốc gia này tăng cao hơn dự đoán khi chạm ngưỡng 7,2% - cao nhất kể từ năm 2010.
Theo chuyên gia Selena Ling của OCBC Bank (Singapore), triển vọng tăng trưởng năm 2022 của đảo quốc sư tử sẽ phụ thuộc vào việc nới lỏng hơn nữa các quy tắc giãn cách xã hội cũng như triển khai thêm làn đi lại vắc-xin dành cho hành khách đã tiêm phòng Covid-19 nhằm hồi sinh ngành dịch vụ và giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Tại Nhật Bản, theo kết quả khảo sát được hãng tin Kyodo News công bố hôm 2-1, 84% trong tổng số 106 công ty tham gia nhận định nền kinh tế của quốc gia này sẽ tăng trưởng trong năm 2022, khi chi tiêu cá nhân phục hồi và dịch Covid-19 lắng xuống.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/nam-cua-tiem-phong-covid-19-20220103212533671.htm