Năm điểm mới về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập (Thông tư 01-04).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Thông tư 01-04 ở thời điểm ban hành đã có một số quy định mới phù hợp như: Trình độ chuẩn được đào tạo quy định theo Luật Giáo dục 2019; bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ ngoại ngữ 2 và chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương khởi điểm tương ứng với quy định trình độ chuẩn được đào tạo.

Tuy nhiên, để bảo đảm thống nhất với quy định mới và khắc phục một số bất cập trong thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Thông tư 01-04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông, với 5 điểm mới đáng chú ý.

Dự thảo Thông tư 01-04 kỳ vọng tháo gỡ được những vướng mắc trong bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên

Dự thảo Thông tư 01-04 kỳ vọng tháo gỡ được những vướng mắc trong bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên

Thứ nhất, sẽ chỉ quy định 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chung đối với các hạng giáo viên. Giáo viên đã có một trong các chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của cấp học đang giảng dạy trước ngày chương trình bồi dưỡng mới (triển khai Nghị định số 89/2021/NĐ-CP) có hiệu lực thi hành thì không phải bổ sung chứng chỉ theo quy định mới.

Giáo viên mới tuyển dụng và giáo viên đã được bổ nhiệm nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp phù hợp với cấp học đang giảng dạy sẽ được cử tham gia khóa bồi dưỡng và lấy chứng chỉ trong một khoảng thời gian xác định để bảo đảm đạt các tiêu chuẩn về đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Khi chuyển từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

Thứ hai,không phải là "phân hạng đạo đức". Giáo viên ở tất cả các hạng phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chung (như đã quy định cho giáo viên ở hạng thấp nhất tương ứng với mỗi cấp học) nhưng mức độ yêu cầu khác nhau theo hướng giáo viên ở hạng cao thì yêu cầu mức độ đáp ứng, tính gương mẫu, tác động lan tỏa, ảnh hưởng tới đồng nghiệp cao hơn để bảo đảm có thể thực hiện tốt vai trò của người giáo viên tiên phong trong công tác giảng dạy, giáo dục và người hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp phát triển nghề nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng dự kiến bỏ quy định tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp ở từng hạng chức danh nghề nghiệp và bổ sung quy định đạo đức nghề nghiệp chung cho giáo viên ở tất cả các hạng.

Thứ ba, không yêu cầu giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát quy định này và thấy rằng, mục tiêu của giáo dục Tiểu học là nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học Trung học cơ sở. Như vậy, với yêu cầu giảng dạy, cung cấp kiến thức cơ bản và nền tảng, việc quy định giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở hạng I phải có trình độ thạc sĩ là không cần thiết.

Thứ tư, giáo viên được xếp lương tương ứng với hạng chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm. Trong quá trình nghiên cứu và tham vấn ý kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến giữ nguyên quy định giáo viên được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp nào thì được xếp lương theo hạng đó như hiện hành để bảo đảm tuân thủ đúng nguyên tắc xếp lương tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP; đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số nội dung: Khi bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới tương ứng chỉ xét 2 tiêu chuẩn: trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề; không yêu cầu giáo viên phải có minh chứng của các tiêu chuẩn khác.

Trường hợp giáo viên chưa đạt tiêu chuẩn của hạng tương ứng (trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng) thì giữ nguyên mã số, hệ số lương hiện hưởng, không bổ nhiệm hạng thấp hơn liền kề.

Đối với giáo viên phổ thông, giữ nguyên thời gian giữ hạng III là từ 9 năm trở lên. Đối với giáo viên mầm non, điều chỉnh thời gian giữ hạng III từ 9 năm thành 3 năm trở lên, điều chỉnh thời gian giữ hạng II từ 6 năm thành 9 năm trở lên.

Thứ năm, giáo viên mầm non, phổ thông không cần nộp minh chứng đã thực hiện công việc của hạng khi thực hiện bổ nhiệm từ hạng chức danh nghề nghiệp cũ sang hạng chức danh nghề nghiệp mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến giữ quy định nhiệm vụ chung cho tất cả các hạng, trong đó hạng cao quy định thêm một số nhiệm vụ có mức độ phức tạp hơn, yêu cầu giáo viên phải có kinh nghiệm công tác và năng lực cao hơn thì mới thực hiện được như hiện hành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến rộng rãi của các tổ chức, cá nhân đối với từng nội dung cụ thể của dự thảo Thông tư này. Mục tiêu quan trọng nhất là góp phần phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam. Đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc trong bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương, giúp ổn định công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ để giáo viên an tâm công tác.

Minh Vân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giao-duc--y-te1/nam-diem-moi-ve-tieu-chuan-chuc-danh-nghe-nghiep-giao-vien-i289337/