Nam Phi tiến thoái lưỡng nan trước khả năng Tổng thống Vladimir Putin dự hội nghị BRICS
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được cảnh báo rằng ông có thể bị bắt theo lệnh của Tòa Hình sự Quốc tế nếu tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại Nam Phi vào tháng 8.
Các nhà chức trách Nam Phi cảnh báo họ sẽ buộc phải bắt giữ Tổng thống Putin sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế ở The Hague ban hành lệnh bắt giữ ông hồi tháng 3. Tờ Sunday Times (Nam Phi) dẫn các nguồn tin trong chính phủ cho rằng chính quyền Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thành lập một ủy ban đặc biệt để xem xét lệnh truy nã quốc tế.
Ủy ban này kết luận rằng Nam Phi sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bắt giữ ông Putin nếu ông tới nước này dự hội nghị thượng đỉnh.
Ông Putin dự kiến đến dự hội nghị thượng đỉnh dù Điện Kremlin chưa xác nhận ông Putin đến sự kiện gặp gỡ các nhà lãnh đạo khối BRICS. Báo Sunday Times đưa tin rằng các quan chức Nam Phi đang cố tìm cách giải quyết tình thế tiến thoái lưỡng nan về mặt ngoại giao này, với giải pháp khả thi là ông Putin tham dự hội nghị dưới hình thức trực tuyến.
Trong diễn biến liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố Đức không cho phép Ukraine sử dụng vũ khí dùng để tự vệ mà Berlin cung cấp để tấn công vào lãnh thổ Nga.
Theo ông Scholz, Đức cung cấp vũ khí hỗ trợ Ukraine, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 nhưng cũng tìm mọi cách để tránh leo thang căng thẳng vốn có thể dẫn đến đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga.
Thủ tướng Scholz nhấn mạnh các nước phương Tây khác cung cấp vũ khí cho Ukraine cũng tuân theo quy tắc tương tự. Hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng việc Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga để cắt đứt tuyến đường tiếp tế và vì các lý do quân sự khác là "hoàn toàn bình thường". Ông Pistorius khi đó không đề cập nguồn gốc các loại vũ khí mà Ukraine có thể sử dụng trong những cuộc tấn công như vậy.
Nga từ lâu cảnh báo rằng họ xem việc Ukraine sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để tấn công bên trong lãnh thổ Nga là "lằn ranh đỏ". Theo Moscow, sự hỗ trợ cho Ukraine từ Mỹ, Anh, Đức và các đồng minh như cung cấp vũ khí và đạn dược, huấn luyện quân đội Ukraine và chia sẻ thông tin tình báo, trên thực tế đã khiến những quốc gia này trở thành các bên tham gia cuộc xung đột.