Nam shipper tự kê thêm 1.000 đồng đơn hàng: Cư dân mạng tranh cãi đúng - sai

Chủ động làm tròn từ 139.000 đồng lên 140.000 đồng với số tiền chênh lệch chỉ 1.000 đồng đang là chủ đề gây tranh cãi trong cộng đồng mạng những ngày gần đây.

Câu chuyện làm tròn tiền đơn hàng giữa cô gái và nam shipper thu hút sự quan tâm từ cộng đồng mạng, có nhiều ý kiến bênh vực, phản đối hành động này. Tuy nhiên, phía sau đó là bài học về cung cách ứng xử trong thời đại hiện nay.

“Đã là tiền thì nên rõ ràng”

Theo thông tin từ mạng xã hội, sự việc xảy ra vào tối ngày 14-5, cô gái có đặt suất ăn giá 139.000 đồng và nhờ chị gái lấy hộ. Sau đó khách hàng này bất ngờ khi biết shipper tên Đ.H. (Hà Nội) tự ý làm tròn tiền từ 139.000 đồng lên 140.000 đồng và nhắn tin yêu cầu nam shipper báo đúng giá tiền ghi trên ứng dụng Grab.

Vụ việc nam shipper tự ý kê tiền đơn hàng đang gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. Ảnh: BOM Money.

Vụ việc nam shipper tự ý kê tiền đơn hàng đang gây xôn xao dư luận trong thời gian vừa qua. Ảnh: BOM Money.

Qua cuộc trao đổi qua tin nhắn, giữa cô gái và anh này xảy ra cãi vả, dẫn đến việc cô gái báo cáo lên tổng đài Grab và nam shipper đã bị khóa tài khoản. Cô gái chia sẻ câu chuyện xảy ra với anh shipper lên mạng xã hội và thu hút rất nhiều bình luận đến từ người dùng mạng.

Đa phần các bình luận của cư dân mạng đều cho rằng mức chênh lệch 1000 đồng không phải quá lớn để cô gái báo cáo lên tổng đài, khiến nam shipper phải bị khóa tài khoản.

“Cùng lắm thì đánh giá họ (shipper) 4 "sao" hoặc 3 "sao" cũng được mà. Làm căng quá vậy. Sống ở đời cũng nên chừa lại đường sống cho người khác một tí, cũng là chừa lại đường lui cho mình” – tài khoản Facebook Vọng Tây bình luận.

“Có 1000 đồng mà cũng tính với shipper làm chi, họ chạy ngoài đường mưa nắng tội lắm. Mình mua hàng trên mạng hay Shopee đều cho họ ít nhất 10.000 đồng, hầu như shipper nào mình cũng cho cả” – nickname Mai Ngọc Trầm chia sẻ.

Đa phần ý kiến người dùng mạng xã hội đều cho rằng hành động gửi báo cáo của cô gái quá nặng nề, khiến nam shipper bị khóa tài khoản. Ảnh: Chụp màn hình

Đa phần ý kiến người dùng mạng xã hội đều cho rằng hành động gửi báo cáo của cô gái quá nặng nề, khiến nam shipper bị khóa tài khoản. Ảnh: Chụp màn hình

Tuy nhiên khi nói về hành động của nam shipper khi tự ý thêm tiền vào đơn hàng, một số người dùng mạng cho rằng anh này hành xử tùy ý, không tôn trọng khách hàng mặc dù số tiền 1000 đồng không phải quá lớn.

Tài khoản Facebook Hữu Luân cho biết, dù thói quen lấy số tiền nhỏ như là mặc định nhưng sẽ tạo thói quen xấu về sau: “1000 đồng cũng là tiền. Ở đây không nói về giá trị, mà nói về cách mặc định được lấy 1000 đồng như là hiển nhiên, tạo tiền lệ xấu.

Có 1000 đồng thì sẽ có 2000 đồng, 3000 đồng, 4000 đồng...và con số đó sẽ tăng lên. Không lấy lý do là lội (đi) bộ lên bao nhiêu tầng”.

Đồng tình với ý kiến này, tài khoản Nguyễn Thịnh cũng cho rằng: “Có 1000 đồng sẽ có 10.000 đồng rồi 100.000 đồng á anh. Từ sự thiếu trung thực sẽ "được nuôi lớn" khi họ gặp số tiền lớn hay hợp đồng lớn và lúc đó hậu quả cũng sẽ lớn”.

Bài học ứng xử trong cuộc sống hiện nay

Dạo một vòng các trang mạng xã hội, các bình luận đều bày tỏ sự tiếc nuối về hành động quá cứng nhắc, dứt khoát của cô gái, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng sự trung thực trong khi phục vụ khách hàng là điều quan trọng, góp phần tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả. Từ đó nam shipper cũng rút ra cho mình bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Người dùng mạng xã hội chia sẻ: Trung thực là đức tính quan trọng khi làm nghề. Ảnh: Chụp màn hình

Người dùng mạng xã hội chia sẻ: Trung thực là đức tính quan trọng khi làm nghề. Ảnh: Chụp màn hình

Tài khoản Phan Trung Dũng chia sẻ: “Cứ trung thực lấy 139.000 đồng đi. Gặp người hiểu chuyện người ta sẽ cho thêm 1.000 đồng, 11.000 đồng hoặc hơn là bình thường”.

Nguyễn Trí An hiện đang làm tài xế Grab gần 1 năm cho biết anh hiểu được cái khó trong nghề vận chuyển, nhưng anh An cũng cho rằng làm công việc tài xế giao hàng đã được cộng phí dịch vụ khi hoàn thành cuốc xe, do đó tài xế cần phục vụ chu đáo và chỉ nhận tiền típ khi khách hàng chủ động gửi.

Bên cạnh ý kiến chỉ trích cô gái và nam shipper, nhiều cư dân mạng cũng đưa ra hướng giải quyết hợp tình, hợp lý, hướng đến cung cách ứng xử nhân văn và văn minh hơn trong đời sống hiện nay.

Nickname Sóc Nâu cho biết: “Con người với nhau, người ta đi làm cực khổ cũng vì miếng cơm manh áo, cái gì cho qua được thì cho qua. Mình thấy cũng không có gì quá đáng mà phải bốc phốt lên cho người ta phải mất việc”.

Bạn Nguyễn Trí, tài xế công nghệ kể lại câu chuyện của mình: "Tôi chở khách, khi đến nơi, khách báo với tôi cuốc xe là 30.000 đồng nhưng trên app chỉ báo 28.000 đồng. Tôi báo lại với khách thế là khách bo luôn cho tôi.

Quan trọng vẫn là thái độ. Khi mắc lỗi thì nên nhận một cách thành thật, sẽ tránh được những xung đột không hay sau đó. Chị gái kia sẽ không bực tức đến độ bốc phốt để mình bị khóa tài khoản".

Vụ việc vẫn tiếp tục thu hút dư luận. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

Vụ việc vẫn tiếp tục thu hút dư luận. Ảnh: QUỐC HƯƠNG.

QUỐC HƯƠNG (tổng hợp)

Nguồn PLO: https://plo.vn/nam-shipper-tu-ke-them-1000-dong-don-hang-cu-dan-mang-tranh-cai-dung-sai-post734193.html