Nam sinh đạt 28,5 điểm và nguy cơ bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn
Em Đặng Văn Gia Huân, học sinh Trường THPT số 2 Mộ Đức, đạt 28,5 điểm xét tuyển đại học ở khối A. Với số điểm đáng ngưỡng mộ, cánh cửa đại học đã rộng mở. Thế nhưng, niềm vui chưa trọn vẹn khi em đối mặt với nguy cơ bỏ lỡ giảng đường đại học vì hoàn cảnh khó khăn.
Tuổi thơ là những ngày rong ruổi theo bố mưu sinh
Cuối tháng 7, chúng tôi tìm đến nhà em Huân, ngôi nhà đơn sơ nằm khuất sâu trong một con hẻm nhỏ ở thôn 4, xã Long Phụng. Bước vào ngôi nhà, nơi sinh sống của 6 con người, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mọi vật dụng sinh hoạt đều cũ kỹ, trong không gian chật hẹp ấy là nơi nuôi dưỡng ước mơ lớn lao của Huân.
Trái với sự hân hoan sắp bước vào giảng đường đại học, ánh mắt Huân đầy nỗi lo toan. Ông Đặng Văn Chính (50 tuổi), bố của Huân, với dáng người khắc khổ, mệt mỏi hằn rõ trên gương mặt già nua, giọng thều thào kể về hoàn cảnh éo le của mình.

Tuổi thơ của Huân và các em là những tháng ngày rong ruổi theo bố mưu sinh.
Ông thừa nhận mình là người thất bại, không cho các con một gia đình trọn vẹn. Ông trải qua hai đời vợ, có 4 đứa con, mà cuối cùng vợ cũng bỏ đi hết, phải về sống tá túc nhà chị ruột. “Tất cả cũng tại cái nghèo. Nhìn các con bữa đói nhiều hơn bữa no mà lòng tôi đau như cắt. Thằng Huân rất ngoan, học rất giỏi, nhưng tương lai mịt mờ quá”, ông Chính giọng nói đầy chua chát.
Khi Huân lên 4 tuổi, mẹ bỏ đi. Em kể rằng mình đã trải qua 6 lần chuyển trường. Mỗi lần bố bắt đầu một công việc mưu sinh mới ở một vùng đất khác là em lại phải gói ghém sách vở, chia tay bạn bè và làm quen với một ngôi trường mới. Và mỗi lần chuyển trường là năm học ấy kết quả học tập của em lại sa sút.
Tuổi thơ của Huân không phải là những tháng ngày hồn nhiên cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác, mà là những ngày sống tạm bợ trong những căn phòng trọ chật hẹp, chứng kiến hình ảnh bố cặm cụi làm hết việc này đến việc khác, kiếm từng đồng tiền nuôi các con.

Em Huân thường phụ bố sửa chữa những thiết bị điện hư hỏng do hàng xóm mang đến nhờ sửa. Từ đó, em nhận ra mình rất yêu thích môn Vật lý.
Những hình ảnh về bố cứ thế khắc sâu vào tâm trí em, đã thôi thúc em nỗ lực không ngừng nghỉ. “Em hiểu rằng, con đường học vấn là con đường duy nhất để em có thể thay đổi số phận, chỉ có con đường ấy mới có thể giúp em thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cuộc sống hiện tại, mang lại cho bố và các em một tương lai tươi sáng hơn. Vì thế em đã nỗ lực rất nhiều so với các bạn”, Huân tâm sự.
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Ước mơ trở thành bác sĩ để cứu người đã nhen nhóm trong em từ rất sớm. Để chạm tới ước mơ cao cả ấy, em đã không ngừng cố gắng, miệt mài học tập và đạt được nhiều thành tích đáng tự hào. Trong 12 năm học phổ thông, có 10 năm em đạt danh hiệu học sinh giỏi, xuất sắc. Khi đang học lớp 10, Huân đã tham gia Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh dành cho học sinh lớp 11 và đoạt giải Khuyến khích môn Sinh học.
Thế nhưng, hoàn cảnh gia đình khó khăn đã trở thành một rào cản lớn, buộc em phải gác lại giấc mơ làm bác sĩ. Con đường trở thành bác sĩ đòi hỏi một chặng đường học tập dài và tốn kém, điều mà em biết chắc rằng gia đình không thể cáng đáng. Trăn trở rất nhiều, em hiểu rằng mình cần phải tìm một hướng đi khác.

Dù nhà nghèo, đông anh em, nhưng Huân học rất giỏi. Em đạt 28,5 điểm xét tuyển đại học ở khối A.
Ngoài làm nông, bố còn làm nghề sửa điện. Những buổi chiều tan học, em thường ngồi cạnh bố, nhìn đôi tay thoăn thoắt của ông sửa chữa những thiết bị điện hư hỏng do hàng xóm mang đến nhờ sửa. Mỗi lần bố chỉ cho em thấy dòng điện chạy qua dây dẫn, hay cách các linh kiện được nối với nhau để tạo thành một mạch hoàn chỉnh, em bắt đầu hình dung ra được và nhận ra mình cũng rất yêu thích môn Vật lý.
Môn học này không chỉ giúp em hiểu hơn về thế giới xung quanh mà còn mở ra nhiều cánh cửa khám phá thú vị. Ở Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 11, Huân đã đạt giải Ba môn Vật lý. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Huân đã xuất sắc đạt 36,75 điểm, trong đó điểm xét tuyển đại học ở khối A đạt 28,5 điểm, với các môn Toán, Vật lý và Hóa học đều đạt 9,5 điểm/môn.

Cánh cửa đại học đã rộng mở, thế nhưng, niềm vui không kéo dài khi Huân đối mặt với nguy cơ bỏ lỡ giảng đường đại học vì nghèo.
Với số điểm đáng ngưỡng mộ, Huân đăng ký xét tuyển đại học vào ngành Kỹ thuật điện tử của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Huân muốn theo đuổi lĩnh vực thiết kế vi mạch. Đây là lĩnh vực đầy tiềm năng và đang phát triển rất mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt là ở Việt Nam.
Cánh cửa hẹp vì nghèo
Cánh cửa đại học đã rộng mở, thế nhưng, niềm vui không kéo dài khi em đối mặt với nguy cơ bỏ lỡ giảng đường đại học vì nghèo. Ông Chính lặng người, tay run run khi con thông báo điểm thi. Hai bố con cứ thế nghẹn ngào, vừa mừng tủi, vừa xót xa. Mừng vì con đã chạm tay vào ngưỡng cửa đại học, nhưng rồi, niềm vui nhanh chóng bị nỗi lo lắng lấn át: “Lấy gì cho con đi học?”.
Trong đầu ông Chính quẩn quanh biết bao suy nghĩ. Ông định vào TP.Hồ Chí Minh bán vé số kiếm tiền nuôi Huân ăn học. Thế nhưng, hình ảnh các con thơ dại ở nhà lại hiện lên: “Ai lo cho con đây?”.
Càng nghĩ, ông lại càng thấy bế tắc. Gánh nặng cơm áo gạo tiền, tương lai mịt mờ của 4 đứa con khiến trái tim người cha như bị bóp nghẹt. “Nhìn khoản học phí mấy chục triệu mỗi năm cùng vô vàn chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở TP.Hồ Chí Minh, tôi mơ hồ nhận ra giấc mơ giảng đường dường như quá xa xỉ với con tôi”, ông Chính bộc bạch.

Theo thầy Ngô Khắc Vũ, giáo viên Trường THPT số 2 Mộ Đức, Huân là một học sinh rất chăm ngoan và học giỏi. Dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nhưng em luôn thể hiện ý chí và nghị lực vươn lên đáng khen ngợi. Hy vọng cộng đồng, các tổ chức thiện nguyện sẽ cùng chung tay tiếp sức cho Huân để em không lỡ giấc mơ đại học vì nghèo.
Chia tay gia đình em Huân, lòng tôi đau đáu một nỗi niềm khó tả. Mong giấc mơ được tiếp tục đến trường, được học hành đến nơi đến chốn của em sẽ không bao giờ phải dừng lại chỉ vì gánh nặng cơm áo gạo tiền.
Bài, ảnh: ÁI KIỀU