Nam sinh gây bất ngờ khi hát cải lương trong chuyên đề Ngữ văn

Tiết mục cải lương 'Trống loạn Thăng Long thành' của nam sinh Nguyễn Gia Cát Long trong chương trình ngoại khóa Văn học khiến nhiều người ngạc nhiên.

Tổ Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức vừa tổ chức chương trình ngoại khóa với chuyên đề "Sức sống của văn học dân gian”.

Chương trình gồm các tiết mục văn nghệ, đố vui và trao thưởng. Điều đặc biệt các tiết mục được biểu diễn là những tác phẩm gắn liền với văn hóa dân tộc.

Nguyễn Gia Cát Long biểu diễn trích đoạn cải lương "Trống loạn Thăng Long thành" tại chương trình ngoại khóa. Ảnh: HUY LAM

Nguyễn Gia Cát Long biểu diễn trích đoạn cải lương "Trống loạn Thăng Long thành" tại chương trình ngoại khóa. Ảnh: HUY LAM

Học sinh lớp 11D2 đã hát song ca liên khúc “Cò lả” và “Bèo dạt mây trôi". Đây là những bài dân ca đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc bộ. Còn câu lạc bộ kịch của trường lại tái hiện một cách sáng tạo, sinh động vở kịch “Ếch ngồi đáy giếng”.

Trong khi đó, để các bạn hiểu thêm về bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương, Nguyễn Gia Cát Long, học sinh lớp 10D1 đã thể hiện một cách xuất sắc trích đoạn cải lương “Trống loạn Thăng Long thành”.

Đây là lần đầu tiên Nguyễn Gia Cát Long biểu diễn cải lương trước mọi người. Niềm đam mê bộ môn nghệ thuật này đến với em từ năm lớp 8.

“Hôm đó, em xem chương trình Sao nối ngôi, trong chương trình nghệ sĩ Bạch Tuyết biểu diễn một tiết mục cải lương. Em nghe rất lạ, khác với dòng nhạc hiện đại đang thịnh hành nên em dành thời gian tìm hiểu, học hỏi và thích từ đó”, Gia Long nói.

Theo Cát Long, khi biết trường tổ chức ngoại khóa Văn học, em đã lựa chọn hát trích đoạn cải lương “Trống loạn Thăng Long thành”. Trích đoạn chỉ do một người biểu diễn nên rất phù hợp với em. Hơn nữa, em muốn đề cao giá trị lịch sử trong tác phẩm này.

“Trích đoạn này em biết từ năm lớp 9. Trong một lần vô tình nghe nghệ sĩ Minh Cảnh hát, em mê và dành thời gian rảnh để tập luyện. Em không ngờ lại có thể biểu diễn trích đoạn này trong một dịp thật đặc biệt.

“Thực tế, dù có đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của nền văn hóa dân tộc nhưng cải lương đang dần mai một đối với giới trẻ. Vì thế, chương trình là cơ hội để em giới thiệu cải lương đến mọi người. Biết đâu các bạn sẽ hiểu và yêu bộ môn nghệ thuật này như em”, Cát Long bày tỏ.

Cô Đặng Thị Huy Lam, Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ văn cho biết bản thân cô cũng rất ấn tượng với tiết mục Cát Long thực hiện.

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình ngoại khóa "Sức sống của Văn học dân gian". Ảnh: HUY LAM

Một tiết mục văn nghệ trong chương trình ngoại khóa "Sức sống của Văn học dân gian". Ảnh: HUY LAM

Cô Lam chia sẻ thêm, Văn học dân gian là bách khoa toàn thư trong đời sống tinh thần của dân tộc. Việc dạy và học Văn học dân gian không chỉ giúp học sinh khám phá những giá trị to lớn, nắm vững những đặc trưng và vẻ đẹp ngôn từ do người bình dân sáng tạo mà Văn học dân gian còn là dòng sữa ngọt nuôi dưỡng tinh thần và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.

Việc tổ chức hoạt động ngoại khóa với chuyên đề “Sức sống của Văn học dân gian” sẽ giúp học sinh có thái độ trân trọng đối với di sản văn hóa của dân tộc, góp phần bồi đắp thêm tình yêu đối với Văn học dân gian qua các hình thức diễn xướng ca, múa, nhạc, kịch, làm sống dậy tinh thần tự hào và lòng yêu mến con người Việt Nam.

Hy vọng nó sẽ là một sân chơi bổ ích, khơi gợi hứng thú học tập với bộ môn Ngữ văn cho các em.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/nam-sinh-gay-bat-ngo-khi-hat-cai-luong-trong-chuyen-de-ngu-van-961098.html