Nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ giáo viên

Theo quy chế bồi dưỡng thường xuyên (BDTX), hằng năm giáo viên được bồi dưỡng nhiều nội dung tương đối sát thực, như: nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học của từng cấp học, nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương theo năm học và nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục.

Theo quy chế bồi dưỡng thường xuyên (BDTX), hằng năm giáo viên được bồi dưỡng nhiều nội dung tương đối sát thực, như: nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học của từng cấp học, nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương theo năm học và nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục.

Căn cứ theo nhu cầu, yêu cầu thực tế, tổng thời lượng BDTX của các nội dung này có thể tăng, giảm linh hoạt. Cô giáo Lê Thị Thúy Nga, Hiệu trưởng Trường THCS Mộc Nam (thị xã Duy Tiên) chia sẻ: Công tác BDTX giáo viên là một trong những nhiệm vụ giáo dục quan trọng nhất luôn được nhà trường quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Bên cạnh việc định hướng mục tiêu giáo dục, bồi dưỡng và cung cấp thêm cho giáo viên một khối lượng kiến thức, kỹ năng cần thiết, công tác BDTX còn được coi như một “kênh” tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức nghiêm túc tham gia các lớp bồi dưỡng và tự bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên.

Để bảo đảm chất lượng các hoạt động BDTX giáo viên, theo yêu cầu bồi dưỡng của ngành giáo dục từng năm học, các nhà trường đều tự xây dựng kế hoạch BDTX cho cả cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên. Theo đó, với khối lượng kiến thức bắt buộc, các nội dung về phương pháp và kỹ thuật tổ chức hoạt động dạy và học, nội dung bồi dưỡng chính trị đầu năm học và quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học của ngành giáo dục được thực hiện thống nhất. Riêng về khối kiến thức tự chọn, các nội dung được lựa chọn BDTX đối với giáo viên của các nhà trường đã bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay. Trong đó, tăng cường giáo dục đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống và ý thức công dân cho học sinh, thực hiện đổi mới hoạt động giáo dục theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, tập trung đa dạng hóa các nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục, triển khai thực hiện tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hướng nghiệp, trải nghiệm sáng tạo cho học sinh tham gia. Việc BDTX giáo viên hiện được tổ chức theo 3 hình thức cơ bản: tự học, học tập trung, học từ xa và có sự kết hợp với các hoạt động sinh hoạt chuyên đề, hội thảo tổ chuyên môn.

Bên cạnh việc được BDTX, giáo viên các cấp học đã chủ động lựa chọn những hình thức tự bồi dưỡng phù hợp, giúp nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Ảnh: Trần Thanh

Trong 3 năm qua, để thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, ngành giáo dục đã tăng cường các hoạt động bồi dưỡng giáo viên, tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên môn các môn học bảo đảm đúng kế hoạch, tiến độ theo nhiều hình thức sáng tạo và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát; phân công đội ngũ cốt cán phụ trách và hỗ trợ kịp thời các nhà trường, cấp học; duy trì, tổ chức thường xuyên các cuộc hội thảo dạy học, sinh hoạt chuyên môn và hỗ trợ giáo viên tổ chức dạy học theo Chương trình GDPT 2018 đạt hiệu quả. Ở tất cả các nội dung học tập, tập huấn, giáo viên được nghiên cứu chương trình môn học, các mạch nội dung, kiến thức, chủ đề học tập và nội dung trong sách giáo khoa để xây dựng các chủ đề dạy học trên cơ sở tích hợp một số nội dung và yêu cầu cần đạt. Đối với những đơn vị còn khó khăn về đội ngũ, các phòng giáo dục và đào tạo thường xuyên kiểm tra nền nếp chuyên môn, nắm bắt việc giảng dạy của giáo viên, có sự nhận xét, hỗ trợ cho giáo viên khắc phục những hạn chế để thích ứng tốt hơn với yêu cầu đổi mới.

Về phía giáo viên, với nhận thức đúng đắn về vai trò, trách nhiệm đối với việc thực hiện chương trình, khi được lựa chọn dạy học Chương trình GDPT 2018, hầu hết giáo viên đều chủ động nghiên cứu tài liệu, các phương pháp dạy học tích cực, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngoài các nội dung bồi dưỡng mang tính bắt buộc, giáo viên còn tự chọn lựa nội dung bồi dưỡng thông qua các mô-đun mở do ngành và do nhà trường xây dựng; nhiều giáo viên cũng chú trọng tự bồi dưỡng để nâng cao kỹ năng sư phạm qua tài liệu số, sách giáo khoa số, đáp ứng yêu cầu đặt ra của chương trình mới. Để hỗ trợ giáo viên trong việc tự bồi dưỡng, ngành đã có trang mạng riêng, có khả năng kết nối với các hoạt động sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ trên các trang mạng khác, tính hiệu quả của công tác BDTX vì thế cũng được nâng cao. Theo đánh giá, hình thức và phương pháp BDTX được thực hiện trong thời gian qua đã phát huy tương đối tốt tính chủ động, tích cực của người học, nội dung bồi dưỡng theo hướng ưu tiên đáp ứng nhu cầu của giáo viên đã được quan tâm hơn. Thông qua việc được tập huấn các nội dung theo chương trình mới, giáo viên sẽ nắm bắt các yêu cầu đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để từ đó vận dụng phù hợp vào thực tế dạy học… Đây là yếu tố quan trọng giúp giáo viên thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu giáo dục năm học.

Bên cạnh việc bồi dưỡng chuyên môn, vào giữa tháng 8 hằng năm, ban tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy, thị ủy đã phối hợp với ngành giáo dục các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng chính trị hè cho giáo viên các cấp học. Qua chương trình bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động cho đội ngũ toàn ngành. Đồng thời, bổ sung cho đội ngũ làm công tác giáo dục nhiều kiến thức quan trọng về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng trên các lĩnh vực, cung cấp các thông tin về một số vấn đề mang tính thời sự góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, biết vận dụng linh hoạt những kiến thức được trang bị để làm tốt công tác lãnh đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, công tác BDTX trong thực tế vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và hiệu quả chung của công tác này. Đó là, do cán bộ quản lý và bản thân giáo viên ở một số đơn vị chưa hiểu rõ về nội dung công tác BDTX giáo viên, nhất là nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục nên công tác BDTX ở đó chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận nhỏ giáo viên chưa có nhận thức, ý thức đúng đắn về mục đích, tầm quan trọng của công tác BDTX cộng với tâm lý ngại đổi mới, ngại thay đổi nên thiếu sự tích cực, chủ động tham gia các hoạt động bồi dưỡng, tự bồi dưỡng. Trong công tác BDTX, việc đánh giá khóa học và đánh giá người học tuy rất quan trọng để cả cơ quan tổ chức khóa học và người học là các giáo viên được tham vấn, rút kinh nghiệm về cách thức tổ chức lớp học, thiết kế nội dung và hình thức bài giảng, trách nhiệm của người tham gia…, song, trên thực tế, có lúc, có nơi, công tác này vẫn còn ở mức độ, chưa đánh giá được đúng, sát thực chất lượng bồi dưỡng.

Do đó, để có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác BDTX giáo viên, giúp nâng cao trình độ, nhận thức về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên cần có sự nghiên cứu đổi mới thường xuyên nội dung, tài liệu bồi dưỡng, chú trọng công tác bồi dưỡng theo nhu cầu của giáo viên. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để đội ngũ toàn ngành hiểu đúng về tầm quan trọng của công tác BDTX, tích cực tham gia các khóa bồi dưỡng và chủ động tự bồi dưỡng.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nang-cao-chat-luong-cong-tac-boi-duong-nghiep-vu-giao-vien-101129.html