Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại trung tâm chính trị cấp huyện

Giáo dục lý luận chính trị là một phần quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào tiền đồ cách mạng. Đảng ta chỉ rõ, công tác tư tưởng lý luận đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng làm cho hệ tư tưởng của Đảng, của giai cấp công nhân, lý tưởng XHCN, những giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc, những tinh hoa văn hóa thế giới chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội.

Nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng, trong những năm qua hệ thống Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố (gọi chung là Trung tâm Chính trị cấp huyện) trên địa bàn tỉnh Lai Châu luôn chủ động, bám sát Quy định số 208-QĐ/TW, ngày 08/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trung tâm Chính trị cấp huyện, Quyết định 883-QĐ/BTGTW, ngày 24/11/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm Chính trị cấp huyện để góp phần thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại cơ sở. Coi đây là nhiệm vụ có vai trò hết sức quan trọng là công việc cần thiết, cấp bách, thường xuyên và lâu dài của toàn hệ thống chính trị và của từng tổ chức, cán bộ, đảng viên.

Theo đó, Trung tâm Chính trị cấp huyện (trước đây là trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp ủy cấp huyện, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ cấp ủy cấp huyện. Trung tâm chính trị cấp huyện có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức quản lý nhà nước, kiến thức, kỹ năng và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cho cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn cấp huyện, không thuộc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ của địa phương; tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận theo yêu cầu của cấp ủy.

Nhiệm vụ của Trung tâm Chính trị cấp huyện là đào tạo sơ cấp lý luận chính trị - hành chính; bồi dưỡng các chương trình lý luận chính trị cho các đối tượng theo quy định; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới về chuyên môn, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và một số lĩnh vực khác cho cán bộ đảng (là cấp ủy viên cơ sở), cán bộ chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở cơ sở. Bồi dưỡng chính trị cho đối tượng phát triển đảng; lý luận chính trị cho đảng viên mới; nghiệp vụ công tác đảng cho cấp ủy viên cơ sở. Tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng và lịch sử đảng bộ địa phương. Tổ chức thông tin về tình hình thời sự, chính sách... cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở. Tham gia phối hợp trong công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của cấp ủy và phục vụ giảng dạy, học tập.

Thực hiện một số nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của cấp ủy cấp huyện. Trung tâm chính trị cấp huyện có đội ngũ cán bộ gồm giám đốc (Trưởng Ban Tuyên giáo cấp ủy cấp huyện là Giám đốc Trung tâm Chính trị cấp huyện theo chế độ kiêm nhiệm), một số phó giám đốc và giảng viên chuyên trách; biên chế từ 4 đến 6 người, thuộc biên chế của các cơ quan đảng; của cấp ủy cấp huyện, do ban thường vụ cấp ủy cấp huyện xem xét, quyết định trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, tổng số dân và cán bộ, đảng viên trên địa bàn. Trung tâm Chính trị cấp huyện được thực hiện chế độ giảng viên kiêm nhiệm để phục vụ công tác giảng dạy.

Hiện nay, toàn tỉnh có 08 Trung tâm Chính trị huyện, thành phố, trong những năm qua, Trung tâm Chính trị cấp huyện trong tỉnh luôn bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự quan tâm, lãnh đạo sát sao của Thường trực Huyện ủy, Thành ủy, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các chi, đảng bộ cơ sở để chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tiễn địa phương, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn toàn tỉnh được các Trung tâm thực hiện có hiệu quả, bảo đảm nội dung, mục đích, yêu cầu, đúng tiến độ và kế hoạch đề ra.

Từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2024, Trung tâm Chính trị cấp huyện mở được 773 lớp/48.868 học viên. Thông qua học tập, bồi dưỡng các chuyên đề về giáo dục lý luận chính trị đã giúp cho cán bộ, đảng viên trên địa bàn hiểu về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, về nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể vững mạnh đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới. Qua đó, giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở nâng cao nhận thức chính trị, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác ở địa phương, đơn vị.

Việc kiện toàn, xây dựng đội ngũ giảng viên của Trung tâm nhất là giảng viên kiêm chức được quan tâm thực hiện thường xuyên. Hiện nay, toàn tỉnh có 117 giảng viên, trong đó, giảng viên chuyên trách 15 đồng chí (100% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; 8/15 đồng chí chiếm 53,3% có trình độ cao cấp lý luận chính trị, 7/15 đồng chí chiếm 46,7% có trình độ trung cấp lý luận chính trị); giảng viên kiêm chức 102 đồng chí (100% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên và cao cấp lý luận chính trị). Trong đội ngũ giảng viên kiêm chức có 01 đồng chí Bí thư Huyện ủy; 03 đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Thành ủy; 06 đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố; 33 đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy. Nhìn chung, đội ngũ giảng viên kiêm chức của Trung tâm đều là các đồng chí lãnh đạo có trình độ, năng lực, kinh nghiệm trong công tác, có khả năng truyền đạt tốt, nắm vững quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và tình hình thực tiễn của địa phương, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị.

Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên đã bám sát tài liệu, nội dung bài giảng được trình bày ngắn gọn, chú trọng đi sâu vào những vấn đề trọng tâm, thường xuyên, kịp thời cập nhật những kiến thức mới, bổ sung quan điểm chỉ đạo của các nghị quyết, chỉ thị, kết luận nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, nhất là những vấn đề đặt ra đối với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong tình hình mới đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Việc truyền đạt kiến thức chương trình theo hướng liên hệ, vận dụng kiến thức thực tiễn của địa phương, cơ sở được các Trung tâm Chính trị cấp huyện đặc biệt coi trọng. Các đồng chí giảng viên đã vận dụng linh hoạt các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại, nhiều đồng chí đã thực hiện tốt việc khai thác, sử dụng đồ dùng, trang thiết bị dạy học, kết hợp giữa thuyết trình với đối thoại, trao đổi thảo luận, sử dụng trình chiếu hình ảnh, video, cụ thể hóa nội dung bằng sơ đồ khối kết hợp phân tích, nêu vấn đề, dẫn chứng, liên hệ thực tiễn sát với tình hình địa phương, cơ sở, phát huy tính tích cực, chủ động của học viên.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Trung tâm được quan tâm. Hằng năm, đội ngũ giảng viên tích cực chủ động học tập, nâng cao trình độ, năng lực tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, các hội thảo khoa học do Trường Chính trị tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức, tham gia chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trị, đào tạo sau đại học, tham gia hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc… Hiện nay, trình độ, năng lực của đội ngũ giảng viên Trung tâm Chính trị cấp huyện ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đãi ngộ được thực hiện đầy đủ (chế độ tiền lương, phụ cấp, làm thêm giờ, chế độ nghỉ hè, nghỉ lễ, Tết… theo quy định hiện hành).

Trung tâm Chính trị cấp huyện đã chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học; giúp học viên tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn. Tiến hành phê duyệt giáo án của giảng viên trước khi lên lớp; tổ chức dự giờ, thăm lớp, cho học viên đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên bằng phiếu xin ý kiến, đa số giảng viên được đánh giá về năng lực, trình độ chuyên môn, phương pháp giảng dạy đạt tốt trở lên. Công tác ra đề kiểm tra, thi, viết bài thu hoạch sát với nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phù hợp với nhận thức của học viên, có sự tham khảo ý kiến giảng viên, có lồng ghép câu hỏi tình huống và phần câu hỏi trắc nghiệm, qua đó giúp người học dễ dàng tiếp cận và hệ thống nội dung bài học một cách thiết thực, hiệu quả.

Với phương châm “lý luận gắn với thực tiễn”, hằng năm Trung tâm Chính trị cấp huyện luôn chú trọng, quan tâm tổ chức cho học viên các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị đi tham quan, nghiên cứu thực tế, đặc biệt là các lớp Sơ cấp lý luận chính trị, từ năm 2020 đến nay, các huyện, thành phố đã tổ chức mở 15 lớp Sơ cấp lý luận chính trị với 816 học viên được đào tạo, trong đó có 11 lớp/602 học viên được đi tham quan, nghiên cứu thực tế, hoạt động này đã giúp cho học viên có cơ hội được trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm, thu thập, bổ sung tính thực tiễn vào kiến thức lý luận mà học viên đã được tiếp thu trên lớp, góp phần nâng cao chất lượng học tập và rèn luyện, hình thành khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao tại địa phương, đơn vị . Tỷ lệ học viên xếp loại khá, giỏi hằng năm tương đối cao đạt trên 80%.

Cung cấp, kịp thời đầy đủ tài liệu các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho học viên. Thường xuyên cập nhật các tài liệu mới, chính thống theo hướng dẫn và chỉ đạo của cấp trên. Cử giảng viên tham gia các lớp, hội nghị tập huấn thay sách mới đảm bảo theo quy định.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc dạy và học tại Trung tâm Chính trị cấp huyện được quan tâm, đầu tư. Phần lớn, Trung tâm chính trị cấp huyện, thành phố đã được xây dựng trụ sở riêng, khang trang; trang thiết bị phục vụ được đầu tư, mua sắm tương đối đầy đủ, hiện đại, một số trung tâm được trang bị màn hình led phục vụ tốt cho công tác giảng dạy (huyện Tam Đường, thành phố Lai Châu).

Luôn quan tâm tới việc thực hiện chế độ, chính sách cho người tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm Chính trị cấp huyện thông qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, cụ thể: Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND, ngày 23/7/2019; Nghị quyết số 23/2023/NQ-HĐND, ngày 13/7/2023; Nghị quyết số 42/2023/NQ-HĐND, ngày 17/10/2023; Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND, ngày 17/10/2023 của HĐND tỉnh Lai Châu[47]. Chế độ hỗ trợ cho học viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại Trung tâm được chi trả đảm bảo đầy đủ, kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch, đúng đối tượng đã phần nào giảm bớt khó khăn, đồng thời thể hiện sự quan tâm động viên, chia sẻ, tạo động lực cho học viên yên tâm tham gia học tập lý luận chính trị.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động của Trung tâm Chính trị cấp huyện trong tỉnh cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Trước hết chính là những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, hiện tại chưa có quy định cụ thể về việc xây dựng Trung tâm Chính trị đạt chuẩn, một số Trung tâm có nhiều hạng mục đã xuống cấp (Trung tâm Chính trị huyện Tân Uyên sử dụng lại trụ sở cũ của Huyện ủy đã được 15 năm). Biên chế một số Trung tâm còn thiếu gây khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao (Trung tâm Chính trị huyện Sìn Hồ, Mường Tè chỉ có 01 biên chế Phó Giám đốc, không có giảng viên chuyên trách). Bên cạnh đó, một số chương trình bồi dưỡng do Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn nội dung cũ, chưa được bổ sung kịp thời, nội dung đào tạo, bồi dưỡng còn trùng lặp, nặng tính lý luận, ít phần nghiệp vụ, tính thực tiễn chưa cao gây khó khăn không nhỏ cho giảng viên trong quá trình giảng dạy; việc đổi mới phương pháp dạy học vẫn còn những hạn chế nhất định... Học viên ở cơ sở chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế nên khả năng tiếp thu kiến thức lý luận chính trị còn chậm, hiệu quả chưa cao. Một số ít cán bộ, đảng viên, hội viên có biểu hiện “lười học lý luận chính trị”, có tư tưởng thờ ơ, ỷ lại, hời hợt, thiếu sự nghiêm túc trong học tập, nghiên cứu lý luận chính trị. Chế độ, chính sách cho học viên đã được quan tâm thực hiện song còn chưa phù hợp (hỗ trợ 50.000 đồng/1 ngày/1 học viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước), do đó ảnh hưởng tới công tác chiêu sinh và tỷ lệ chuyên cần của các lớp đào tạo, bồi dưỡng.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, đồng thời khắc phục những khó khăn, vướng mắc tại Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trung tâm Chính trị cấp huyện bám sát sự chỉ đạo chuyên môn của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự lãnh đạo của Thường trực Huyện ủy, chủ động phối hợp, tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức mở các lớp đào tạo bồi dưỡng đảm bảo đúng tiến độ và phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương.

Thứ hai, tiếp tục đầu tư kinh phí xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị tại Trung tâm Chính trị theo hướng đồng bộ, khang trang, hiện đại đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Có chế độ hỗ trợ phù hợp cho học viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối tượng học viên không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cần đề xuất với cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện việc tăng mức hỗ trợ cho học viên khi tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng tại Trung tâm Chính trị cấp huyện từ 50.000 đồng/1 ngày/1 người lên 100.000 đồng/1 ngày/1 người.

Thứ ba, đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy quan tâm, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy kiến nghị hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác cán bộ của Trung tâm Chính trị cấp huyện: việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên chuyên trách Trung tâm Chính trị cấp huyện đảm bảo tiêu chuẩn theo Thông tư số 40/2020/TT-BGDĐT, ngày 26/10/2020; Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT, ngày 04/3/2022, giảng viên hạng III, mã số V.07.01.03 đòi hỏi có bằng thạc sỹ như vậy là chưa phù hợp đối với các tỉnh miền núi; tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên chuyên trách Trung tâm Chính trị cấp huyện được đào tạo chương trình cao cấp lý luận chính trị.

Thứ tư, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục biên soạn, bổ sung và phát hành tài liệu mới thuộc các chương trình: Đào tạo Sơ cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng các chuyên đề; bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ dành cho cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cán bộ Công đoàn, cán bộ Hội LHPN ở cơ sở. Nội dung các tài liệu nên biên tập theo hướng gắn lý luận với thực tiễn, tăng phần hướng dẫn nghiệp vụ.

Thứ năm, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò tầm quan trọng của lý luận chính trị đối với cán bộ, đảng viên. Phải đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục, làm cho mọi cán bộ, đảng viên nhận thấy rõ việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận là quyền lợi và trách nhiệm của mình; coi đó là nhu cầu tự thân, việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ suốt cuộc đời, không bao giờ là đủ.

Thứ sáu, coi trọng hơn nữa việc đào tạo, bồi dưỡng rèn luyện phẩm chất, năng lực chuyên môn cho đội ngũ giảng viên Trung tâm Chính trị, cần tăng cường việc tự nghiên cứu, trau dồi kiến thức, kỹ năng, thực hiện có hiệu quả phương pháp dạy học tích cực. Thường xuyên dự giờ, thăm lớp, lấy ý kiến học viên về chất lượng giảng dạy của giảng viên. Làm tốt công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng, lấy kết quả học tập lý luận chính trị làm thước đo phẩm chất, năng lực, phân loại cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, đảng viên có mà còn nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và trách nhiệm xã hội của mỗi người, góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

B.T

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/n%C3%A2ng-cao-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-c%C3%B4ng-t%C3%A1c-%C4%91%C3%A0o-t%E1%BA%A1o-b%E1%BB%93i-d%C6%B0%E1%BB%A1ng-l%C3%BD-lu%E1%BA%ADn-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B-t%E1%BA%A1i-trung-t%C3%A2m-ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%