Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học trong hệ thống giáo dục

Nghiên cứu khoa học không chỉ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn trong sự tồn tại và phát triển của xã hội mà nó còn có vị trí cực kì quan trọng trong công tác giáo dục và đào tạo. Công tác nghiên cứu khoa học hiện đang được xem là mắt xích quan trọng không thể thiếu trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu ngày càng phát triển của xã hội. Công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ song hành của từng giảng viên trong hệ thống giáo dục quốc dân và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay. Vì vậy nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học trong hệ thống giáo dục quốc dân và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị gồm Trường Cao đẳng Lai Châu, Trường Chính trị tỉnh Lai Châu và Trung tâm chính trị các huyện, thành phố. Công tác nghiên cứu khoa học đã được quy định trong các văn bản gắn với công tác giảng dạy. Cụ thể theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 5 Thông tư 40/2020/TT-BGD ĐT ngày 26/10/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh, nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thì giảng viên có nhiệm vụ “Tổ chức, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học; viết và tham gia báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo khoa học, tham gia đánh giá các đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, …”.

Trong những năm qua công tác giảng dạy, học tập của đội ngũ giảng viên, hoạt động nghiên cứu khoa học ở Trường Chính trị tỉnh Lai Châu, Trường Cao đẳng Lai Châu và các Trung tâm chính trị cấp huyện đã được cấp ủy, lãnh đạo nhà trường, trung tâm chính trị quan tâm. Một số ít giảng viên trường Chính trị tỉnh và trường Cao đẳng Lai Châu đã tích cực tham gia thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ cấp tỉnh như hội đồng tuyển chọn, xác định nhiệm vụ, nghiệm thu; tham gia là thành viên và chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh, tham gia viết các bài báo cáo tại các Hội nghị, Hội thảo khoa học cấp tỉnh. Ví dụ: Tại trường Chính trị tỉnh có 8 giảng viên tham gia thực hiện là thành viên, thành viên chính và chủ nhiệm nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh Lai Châu”, 2 giảng viên của Trường Cao đẳng Lai Châu tham gia là thành viên của đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Lai Châu” và đề tài “Thực trạng và giải pháp thực hiện chính sách an sinh xã hội trong vùng đồng bào dân tộc ít người tại tỉnh Lai Châu”. 3 giảng viên của Trường Cao đẳng Lai Châu và 2 giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Lai Châu tích cực tham gia các hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ, tuyển chọn, nghiệm thu nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ.

Qua đó đã góp phần gắn kết quả nghiên cứu khoa học với hoạt động giảng dạy và học tập của giảng viên trong nhà trường. Kết quả các công trình nghiên cứu khoa học sẽ làm sáng tỏ những vấn đề lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn và đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là gắn lý luận với công tác thực tiễn. Nghiên cứu khoa học giúp người giảng viên có thêm kiến thức để từ đó góp phần vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Cùng với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học là thước đo năng lực chuyên môn của giảng viên vì việc tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ giúp giảng viên có điều kiện đào sâu, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức chưa chuẩn xác trong bài giảng của mình, mặt khác, vừa có điều kiện mở rộng, hiểu biết nhiều hơn những kiến thức từ các chuyên ngành khác. Quá trình tham gia nghiên cứu khoa học sẽ góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học của giảng viên, đồng thời hình thành ở giảng viên những phẩm chất của nhà nghiên cứu. Có thể khẳng định rằng hoạt động nghiên cứu khoa học vó vai trò đặc biệt quan trọng gắn với việc nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên thế hiện một số khía cạnh sau:

Một là, khi nghiên cứu khoa học, giảng viên sẽ được làm quen với các đề tài, chuyên đề nghiên cứu từ thấp đến cao, được định hướng, tiếp cận được những vấn đề cụ thể, từ đó có ý thức đào sâu suy nghĩ và rèn luyện tư duy để tự nghiên cứu, giải quyết một vấn đề khoa học. Trong quá trình nghiên cứu độc lập hoặc nghiên cứu theo nhóm sẽ nảy sinh nhiều hướng nghiên cứu khác nhau, Quá trình đó giúp cho người nghiên cứu rèn luyện tư duy độc lập và tự mình bảo vệ quan điểm, lập trường khoa học của mình.

Hai là, những kiến thức, kinh nghiệm thu thập được trong quá trình nghiên cứu khoa học sẽ bổ sung, tạo điều kiện để giảng viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; bổ sung tài liệu thực tế cho bài giảng, góp phần đổi mới nội dung và phương pháp dạy học tại các Trường đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh. Mặt khác các tài liệu, sản phẩm nghiên cứu khoa học sau khi nghiên cứu chính là cơ sở luận cứ khoa học là nguồn tư liệu quý để phục vụ biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung các giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng phục vụ giảng dạy, học tập tại trường.

Như vậy công tác nghiên cứu khoa học và chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học đã trở thành một trong những cơ sở, tiêu chí để đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại nhà trường và phấn đấu đạt trường Chính trị chuẩn. Từ ý nghĩa đó công tác nghiên cứu khoa học tại các trường đạo tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị những năm vừa qua từng bước đáp ứng được yêu cầu đặt ra cả về lý luận nghiệp vụ và thực tiễn công tác. Tuy nhiên xét ở góc độ toàn diện, công tác nghiên cứu khoa học ở các trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn có các điểm hạn chế, vướng mắc sau:

Một là, vẫn còn một bộ phận giảng viên chưa nhận thức đầy đủ nhiệm vụ và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên hay có tâm lý e ngại, chưa chủ động lựa chọn và đăng ký tham gia các nghiên cứu khoa học, tham gia phát biểu tại các Hội nghị, Hội thảo khoa học. Tham gia thành viên Hội đồng tư vấn nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh.

Hai là, Chưa chủ động đăng ký tham gia triển khai nghiên cứu các đề tài, chuyên đề phù hợp với quy định và vị trí công tác của mình.

Ba là, số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh rất ít, chưa phong phú, đa dạng.

Để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lai Châu đề xuất các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh cần thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

Tuyên truyền, phổ biến bám sát chủ trương phát triển khoa học và công nghệ của Đảng và Nhà nước của công tác đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị cho giảng viên trong trong hệ thống giáo dục quốc dân và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các trường đối với công tác nghiên cứu khoa học, nhà trường cần vận dụng linh hoạt các quy định của Nhà nước và kính phí đào tạo, bồi dưỡng hằng năm để tạo cơ chế khuyến khích, ưu đãi về chính sách, chế độ, biểu dương khen thưởng kịp thời đối với giảng viên có đề tài, chuyên đề nghiên cứu khoa học và công nghệ đạt kết quả.

Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và công tác nghiên cứu khoa học của giảng viên. Các giảng viên nhà trường chủ động, tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp cơ sở. Tích cực tham gia các Hội nghị, Hội thảo khoa học cấp tỉnh, tham gia các Hội đồng tư vấn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đăng ký tham gia nghiên cứu nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh phù hợp với lĩnh vực công tác.

B.T

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/khoa-h%E1%BB%8Dc-%C4%91%E1%BB%9Di-s%E1%BB%91ng/n%C3%A2ng-cao-ch%E1%BA%A5t-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-c%C3%B4ng-t%C3%A1c-nghi%C3%AAn-c%E1%BB%A9u-khoa-h%E1%BB%8Dc-trong-h%E1%BB%87-th%E1%BB%91ng-gi%C3%A1o-d%E1%BB%A5c