Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ
Với quyết tâm cao và hành động quyết liệt, chỉ sau thời gian ngắn triển khai, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đã đạt những kết quả bước đầu đáng ghi nhận, giảm nhiều đầu mối, tầng nấc trung gian. Tuy nhiên, đây chỉ là điểm khởi đầu, nhiệm vụ tiếp theo cần thực hiện là củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự chất lượng, ngang tầm nhiệm vụ. Chỉ có như vậy, bộ máy nhà nước mới vận hành hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong tiến trình tổ chức sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước đặt mục tiêu giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách để giảm biên chế. Ngay ở giai đoạn đầu thực hiện tinh gọn, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có không ít cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đã gương mẫu xin nghỉ hưu trước tuổi để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sắp xếp lại bộ máy. Vậy nhưng về lâu dài, để cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đạt mục đích đề ra, nhiệm vụ quan trọng hơn mà chúng ta phải làm là thực hiện cuộc “cách mạng” về con người. Nói cách khác, chúng ta phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng; có chất lượng và cơ cấu phù hợp; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.
Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Đó là quan điểm xuyên suốt, nhất quán được Đảng đề ra. Thực tế chứng minh, ở đâu có đội ngũ cán bộ tốt thì ở đó chất lượng, hiệu quả công tác cao; ngược lại, ở đâu đội ngũ cán bộ không tốt, thiếu năng lực thì chất lượng công tác thấp, nhiều vi phạm nảy sinh. Đảng ta luôn thực hiện đồng bộ 2 nhiệm vụ vừa “xây” vừa “chống” trong công tác cán bộ. Cùng với việc rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Đảng, Nhà nước cũng nhấn mạnh đến việc thanh lọc, đưa những cán bộ không xứng đáng ra khỏi bộ máy. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế có lúc, có nơi vẫn chưa đạt như kỳ vọng, thậm chí xảy ra tình trạng người xứng đáng ở lại thì phải “dứt áo ra đi”. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đội ngũ cán bộ về mặt tổng thể đông nhưng chưa mạnh, vừa thừa vừa thiếu, không có tính liên thông giữa các cấp, ngành.
Công tác tổ chức, cán bộ luôn là công việc nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành hết sức chặt chẽ, kỹ lưỡng. Đặc biệt, trong bối cảnh tổ chức sắp xếp lại bộ máy như hiện nay, công tác tổ chức cán bộ càng phải được nghiên cứu, cân nhắc thận trọng. Tinh gọn bộ máy, tiết giảm biên chế đồng nghĩa với khối lượng công việc mà một cán bộ phải gánh vác sẽ tăng lên so với cơ chế cũ. Chắc chắn sẽ không thể có chỗ cho những cán bộ làm việc cầm chừng, “được chăng hay chớ”. Do đó, từng cấp ủy, trước hết là người đứng đầu các đơn vị phải dũng cảm, thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá thực tiễn tình hình hoạt động của tổ chức mình, chủ động rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ để có phương án tiết giảm hoặc điều chỉnh phù hợp. Về góc độ cá nhân, mỗi cán bộ, đảng viên làm việc trong các cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống chính trị cần xác định rõ lập trường tư tưởng, phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực học hỏi, đổi mới chính mình để đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Cách mạng phải vì lợi ích của dân tộc chứ không phải của một cá nhân”, “Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung”… Tinh thần chung là người ở lại để gánh vác việc nước, người ra về cũng là vì nước!
Mới đây, tại buổi họp báo Chính phủ, ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ nhấn mạnh: “Việc sắp xếp, tinh gọn bảo đảm nguyên tắc rõ việc, rõ người, rõ sản phẩm. Nếu không chứng minh được rõ ở vị trí đó làm việc gì, sản phẩm gì, khối lượng công việc trong một năm làm được những gì thì thuộc diện đưa vào danh sách”. Muốn vậy, việc đánh giá cán bộ phải được triển khai một cách thực chất, gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, bảo đảm tính công bằng, khách quan và dân chủ. Song hành với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ vị trí việc làm trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Đối với những cán bộ làm việc chất lượng, hiệu quả, có chiều hướng phát triển rõ ràng cần được trọng dụng, bồi dưỡng, đào tạo, tạo cơ hội cạnh tranh, phát triển lành mạnh. Đồng thời, phải kiên quyết loại bỏ những tiêu cực trong công tác cán bộ, nhất là những “thói hư” được Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ ra như: “1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài. 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”…
Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng tiến lên mãi, Đảng tiến lên mãi. Cho nên người cách mạng cũng phải tiến lên mãi”. Tinh gọn bộ máy là điều kiện cần, tạo sự đột phá, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là điều kiện đủ để đất nước ta đủ sức cất cánh, vươn mình, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới!.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/168968/nang-cao-chat-luong-doi-ngu-can-bo