Đèo Cả đưa 3 mô hình, 5 giải pháp để doanh nghiệp tư bứt phá phát triển đất nước
Sáng 10/2, tại trụ sở Chính phủ, Tập đoàn Đèo Cả đã tham dự Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_65_51442125/9115d131e57f0c21556e.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, trong thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp đã tích cực tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19, khắc phục hậu quả đại dịch, cùng đất nước vượt qua những khó khăn hiện nay…
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ rất chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là "điểm nghẽn của điểm nghẽn" nhưng cũng là "đột phá của đột phá".
Không chỉ cổ vũ, khích lệ những đóng góp của đội ngũ doanh nhân, Thường trực Chính phủ, các bộ, ngành còn lắng nghe chia sẻ từ các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như bàn các nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đã đóng góp ý kiến kiến nghị để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nhóm ngành hạ tầng giao thông tăng tốc, bứt phá, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Hồ Minh Hoàng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm, tin tưởng, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Theo ông Hoàng, Tập đoàn Đèo Cả rất vinh dự nhận được sự ủng hộ và quan tâm của Đảng và Chính phủ từ những ngày đầu năm; khi được tham gia chương trình an sinh xã hội thông qua việc xây dựng công trình Khoa khám bệnh và Điều trị - Bệnh viện Đa khoa huyện Quản Bạ và nghiên cứu xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 2 đoạn từ Tân Quang lên cửa khẩu Thanh Thủy, theo đúng tinh thần Tổng Bí thư nhân mạnh vai trò chủ đạo của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế đất nước.
"Chúng tôi cũng xin tri ân sự động viên của Thủ tướng Chính phủ, khi trực tiếp kiểm tra các dự án trọng điểm như Hữu Nghị - Chi Lăng, Đồng Đăng – Trà Lĩnh, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành - Thủ Dầu Một và mới đây là kiểm tra cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Thủ tướng đã chỉ đạo tháo gỡ cơ bản các nút thắt về thể chế, nguồn vốn tín dụng, yêu cầu khai thác đồng bộ hiệu quả các dự án cao tốc.
![Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_65_51442125/517b185f2c11c54f9c00.jpg)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp.
Từ hành trình đã đi qua, chúng tôi luôn tâm niệm: Tự lực – Tự cường – Tự tôn dân tộc là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của Đèo Cả. Tận tâm – Tận lực – Tận hiến là cách chúng tôi cống hiến cho đất nước, không ngại gian nan, sẵn sàng đương đầu với những thách thức khó khăn nhất", ông Hoàng cho hay.
Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Tập đoàn Đèo Cả phát triển từ phương châm “Nghĩ khác biệt, tạo cách biệt” và xây dựng chiến lược “Tăng trưởng tập trung”. Để đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, Tập đoàn Đèo Cả xin đóng góp ý kiến của mình thông qua các mô hình:
Mô hình quản trị doanh nghiệp (thực chiến)
Từ mô hình hợp tác xã tại tỉnh Phú Yên, chúng tôi đã tích góp nguồn lực để tham gia đầu tư các dự án BOT, tiếp cận công nghệ khoan hầm, tích lũy kinh nghiệm tổ chức thi công, phát triển và quản lý dự án. Đặc biệt tập trung chiến lược kết nối với các doanh nghiệp khác tổ chức thực hiện chuỗi cung ứng dịch vụ cho ngành hạ tầng giao thông. Đến nay, Tập đoàn Đèo Cả có 20 đơn vị thành viên với quy mô hơn 8.000 lao động, hoàn thành đầu tư và thi công hơn 47 km hầm đường bộ, 480 km đường cao tốc & quốc lộ, quản lý 18 trạm thu phí đường bộ trên cả nước.
Tập đoàn Đèo Cả đã chứng thực mô hình quản trị của mình thành công, chuẩn hóa quy trình quản lý doanh nghiệp giao thông, chia sẻ kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp thực chiến không chỉ cho mình mà còn nhân rộng cho các đối tác là doanh nghiệp cùng ngành nghề thông qua cùng đầu tư các dự án PPP, tổng thầu EPC, EC… thực tế nhiều doanh nghiệp từ các địa phương đã phát triển khi đồng hành với chúng tôi.
Ví dụ: Mô hình 3P được áp dụng đưa dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo vượt những khó khăn khi đầu thầu quốc tế phải giảm giá gần 900 tỷ, bão giá vật liệu, dịch Covid… nhưng dự án vẫn được hoàn thành đảm bảo tiến độ nhờ đầu tư thiết bị chuyên dụng hiện đại, khấu hao thiết bị bắc cầu thi công dự án đầu tư công tại cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn;
Hay, sáng tạo mô hình PPP++ tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng (cộng nguồn lực tài chính để đầu tư, cộng năng lực thi công để kiểm soát chi phí, xác lập trách nhiệm bảo hành sản phẩm công trình của các doanh nghiệp tham gia cả trong giai đoạn khai thác, quản lý vận hành để đảm bảo chất lượng công trình). Mô hình này Tập đoàn Đèo Cả cũng đã báo cáo đến Tổng Bí thư Tô Lâm trong chương trình công tác ngày 6/2/2025 vừa qua khi đề cập đến giải pháp làm tuyến cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang giai đoạn 2, kết nối từ Tân Quang đến cửa khẩu Thanh Thủy.
Mô hình tài chính liên kết
Với quan điểm “Con đường vàng - tạo ra giá trị vàng”, phải “biến dòng người thành dòng tiền”, Tập đoàn Đèo Cả kết nối với các DN khác cùng đầu tư, thi công theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ” để cùng tham gia các dự án đầu tư PPP và dự án đầu tư công, qua đó tổ chức đào tạo nâng cao khả năng quản trị, ứng dụng công nghệ vào quản lý để tăng năng suất lao động, kiểm soát chi phí, tối ưu sản xuất, thi công các dự án. Bên cạnh đó, hoạch định chuẩn bị nhân lực để thực hiện các công trình đường sắt và metro trong tương lai.
![Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_65_51442125/afe1ffc5cb8b22d57b9a.jpg)
Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp.
Khi xây dựng mô hình hợp tác, chúng tôi cùng nhau xác định trước mắt có thể còn chưa rõ ràng các thay đổi chính sách, quy định pháp luật, quan điểm nhìn nhận đầu tư… nhưng nếu kiên định sẽ có tiềm năng lợi ích lâu dài.
Liên kết đầu tư để tạo lợi nhuận khi kết nối với các doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp vận tải làm trạm dừng nghỉ, doanh nghiệp cung cấp thép xây dựng. Tập đoàn Đèo Cả xác định “thành tích chỉ thoảng qua nhưng sai phạm sẽ để lại” để biết mình sẽ làm gì khi hợp tác cùng nhau. Cần sự nối kết của Chính phủ khi cùng chung tay hợp tác, cần cụ thể việc đặt hàng cho doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các Dự án trọng điểm mang tính chiến lược như đường sắt tốc độ cao, metro...
Mô hình Xây dựng văn hóa và ứng dụng công nghệ
Tại Đèo Cả luôn quan niệm “văn hóa và nhân lực là hai thứ không thể vay mượn” để tự chủ xây dựng nền văn hóa riêng và chủ động đào tạo nguồn nhân lực, với nguyên tắc “Định tâm - Định hướng - Định lượng” để người lao động yên tâm khi làm việc, cùng đồng hành để xác định hướng đi, nhưng cũng lượng hóa được kết quả để bền vững.
Chú trọng xây dựng văn hóa Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, xác định mục tiêu của các Đảng bộ, chi bộ phải đồng hành cùng phát triển kinh tế của doanh nghiệp.
Hiện nay Tập đoàn Đèo Cả có 2 Đảng bộ, 10 chi bộ trực thuộc và 200 đảng viên. Chúng tôi đặc biệt coi trọng vai trò của tổ chức Đảng và Đảng viên trong mọi hoạt động của Tập đoàn, đặc biệt là vai trò nêu gương của Đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
Chúng tôi tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức Đảng trong Tập đoàn sinh hoạt theo đúng quy định của Đảng, tổ chức hội thảo, các lớp học dành cho đối tượng Đảng, kết nạp Đảng viên mới tại các công trường, các khu tưởng niệm Bác Hồ…
Tham quan, học tập công tác Đảng trong doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc. Qua đó thấy rõ niềm tự hào của họ về Đảng, cách Đảng viên làm hệ thống giám sát chống tiêu cực, lãng phí.
Để sẵn sàng đảm nhận những dự án lớn sắp tới của đất nước, Đèo Cả đặc biệt chú trọng phát triển, nâng cấp nguồn nhân lực. Cụ thể, chúng tôi chủ động đào tạo nhiều cấp bậc, đa lĩnh vực cho toàn hệ thống, hoạch định và đầu tư cho nguồn nhân lực kế cận, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị đào tạo trong nước và quốc tế.
Xây dựng các Trung tâm Đào tạo Huấn luyện Thực hành tại các công trình, dự án hay tại các trung tâm điều hành khai thác (Trung tâm huấn luyện thực hành Đèo Cả tại Đà Nẵng, Trung tâm đào tạo huấn luyện thực hành tại BĐH dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng) nhằm phát triển nguồn nhân lực tại chỗ. Đây vừa là cơ sở tập trung đào tạo công nhân được tuyển dụng tại chỗ, vừa hướng tới tuyển sinh nhân lực địa phương để đào tạo và tiến tới tuyển dụng.
Đào tạo nội bộ đa cấp bậc, đa lĩnh vực nâng cao năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, kỹ sư, công nhân,… trong tổ chức và cho các đơn vị đối tác. Yêu cầu xuyên suốt đối với tất cả các chương trình đào tạo tại Đèo Cả là lý thuyết hàn lâm phải đan xen thực tiễn công việc, biến kiến thức thành công cụ giải quyết thách thức trên công trường.
![Thường trực Chính phủ chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp tham dự Hội nghị.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_65_51442125/fa7ea95a9d14744a2d05.jpg)
Thường trực Chính phủ chụp ảnh lưu niệm với các doanh nghiệp tham dự Hội nghị.
Để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phần triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới, Tập đoàn Đèo Cả cho rằng cộng đồng doanh nghiệp tư nhân của nhóm ngành hạ tầng giao thông có thể tham khảo mô hình mà đơn vị đã thực hiện trong thời gian qua. Đơn vị cũng đưa ra một số kiến nghị, giải pháp:
Tạo niềm tin để doanh nghiệp kiên định đồng hành cùng đất nước
Cần giải quyết các tồn tại kéo dài nhiều năm do bất cập thể chế chính sách, xử lý triệt để đối với các dự án bị đình trệ, gây lãng phí theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm trong thời gian qua.
Ví dụ: Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, phần vốn Ngân sách Nhà nước tham gia 0 đồng, Nhà nước bỏ đi trạm thu phí, giảm giá vé,… các nguyên nhân trên đều không do lỗi của Nhà đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.
Xác định giá trị mà doanh nghiệp tư nhân đóng góp cho đất nước thông qua các dự án đầu tư PPP
Cần đánh giá nghiêm túc các dự án mà tư nhân đầu tư về giá trị đầu tư, chất lượng, tiến độ thi công, chi phí …so với các dự án của khối Nhà nước và để chọn lọc các doanh nghiệp làm tốt để tạo điều kiện trở thành các con chim đầu đàn của ngành, dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Hiện nay nhiều tuyến cao tốc cửa ngõ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và một số tuyến cao tốc đã quá tải cần phải đầu tư, trong khi ngân sách nhà nước hạn chế, đề nghị tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP (Tham khảo tại Châu Âu và nhiều nước trên thế giới cho thấy, 100% các tuyến đường cao tốc đều được giao cho dpanh nghiệp đầu tư khai thác với thời gian 30 năm).
Cách đây 15 năm, tại dự án hầm Đèo Cả, Doanh nghiệp đã hoạch đầu tư đưa vào khai thác 2 ống hầm ngay từ đầu để sẵn sàng kết nối vào cao tốc như hiện nay. Trong khi đó, các công trình hầm do Nhà nước đầu tư như ở cao tốc Bắc – Nam hiện nay chỉ mới đưa vào khai thác 1 ống. Qua đó thấy được các doanh nghiệp tư nhân cũng đã có những nhận định, nghiên cứu phương án đầu tư tối ưu, hiệu quả hơn so với đầu tư công.
Tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân xây dựng văn hóa trở thành doanh nghiệp dân tộc
Một doanh nghiệp dân tộc không chỉ đơn thuần là các tổ chức kinh doanh trong nước mà còn mang trong mình sứ mệnh lớn hơn: phát triển kinh tế gắn với bảo vệ lợi ích quốc gia, giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Đó phải là những doanh nghiệp đặt lợi ích của quốc gia, người dân lên hàng đầu… biết nhìn từ lợi ích chung phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện các công việc.
Như đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng), các lãnh đạo địa phương và nhiều người cùng nhận định “Nếu Đèo Cả lên Cao Bằng làm kinh tế, họ không lên”. Chúng tôi với giá trị “tri ân” làm kim chỉ nam để đến với mảnh đất Cao Bằng, nơi phên dậu của Tổ quốc, cái nôi của cách mạng Việt Nam mà kiên định theo đuổi dự án suốt 6 năm mới có thể triển khai thực hiện được. Hay những dự án “khó” bị đình trệ nhiều năm như cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Trung Lương – Mỹ Thuận không có nhà đầu tư nào tham gia, Đèo Cả vẫn “chọn” để giải quyết vì mục đích chung phát triển của đất nước.
Đồng hành để doanh nghiệp tư nhân trong nước hội nhập quốc tế
Tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước học tập mô hình đầu tư, quản lý, xây dựng từ các quốc gia tiên tiến như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...nhằm nâng cao năng lực thiết kế, thi công, quản lý và vận hành dự án.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới trong xây dựng hạ tầng, đặc biệt trong các lĩnh vực như thi công hầm đường bộ, cầu dây văng, đường sắt cao tốc, vật liệu bền vững, tự động hóa trong quản lý vận hành công trình giao thông.
Cơ chế để Đảng viên và tổ chức Đảng thực sự đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng và phát triển doanh nghiệp tư nhân
Định hướng vai trò của Đảng trong việc phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, Tập đoàn Đèo Cả đã định hướng các Bí thư chi bộ đảng tham gia làm thành viên Hội đồng quản trị độc lập tại các đơn vị thành viên, qua đó phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong doanh nghiệp.