Nâng cao chất lượng nhân lực vùng đồng bào Khmer - Bài 1: Diện mạo giáo dục từng ngày đổi mới

Những năm qua, công tác phát triển giáo dục đào tạo ở vùng đồng bào Khmer của tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều đổi mới, khởi sắc hơn. Với những chính sách đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp kiên cố hóa, chế độ ưu đãi hỗ trợ người dạy, người học ở vùng đồng bào Khmer… đã góp phần tạo động lực cho giáo dục nơi đây phát triển.

Những gia đình Khmer dù còn khó khăn về kinh tế nhưng ngày càng quan tâm đến việc học của con. Nhờ vậy, học sinh Khmer được tạo điều kiện để học tập, từ đó trở thành nguồn nhân lực có chất lượng tiếp tục quay về phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 3 bài viết đăng phát vào 30/4 và 1, 2/5 phản ánh về những nỗ lực trong đầu tư, chăm lo việc học cho học sinh đồng bào Khmer. Đồng thời, phản ánh hành trình gian nan đi tìm con chữ của những gia đình Khmer còn nghèo khó với mong ước đem đến tri thức, tương lai để thế hệ mai sau tiến bộ và đóng góp nhiều hơn vào thành tựu kinh tế - xã hội chung của tỉnh Vĩnh Long.

Giờ học tiếng Khmer của học sinh trường Tiểu học Thạch Thia, xã Loan Mỹ (Tam Bình, Vĩnh Long).

Giờ học tiếng Khmer của học sinh trường Tiểu học Thạch Thia, xã Loan Mỹ (Tam Bình, Vĩnh Long).

Bài 1: Diện mạo giáo dục từng ngày đổi mới

Về thăm các xã có đông đồng bào dân tộc Khmer của tỉnh Vĩnh Long, chúng tôi cảm nhận những đổi thay rõ nét của giáo dục nơi đây. Những năm qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã đầu tư xây dựng mới 40 trường học nhằm tạo điều kiện cho học sinh Khmer được học tập trong môi trường thuận lợi. Tỉnh đầu tư xây dựng và phát triển Trường Trung học Phổ thông Dân trộc Nội trú từng bước trở thành "cái nôi" ươm mầm cho ước mơ học tập của học sinh Khmer.

Trường lớp thay “áo mới”

Toàn tỉnh Vĩnh Long có trên 22.600 người dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 2,21% dân số. Hiện có hơn 3.700 học sinh Khmer đang theo học tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, trẻ em Khmer cũng được tạo điều kiện đến lớp mẫu giáo để chăm lo, giáo dục toàn diện. Hệ thống trường lớp được kiên cố hóa, trang thiết bị phục vụ việc học ngày càng hiện đại đã thúc đẩy tinh thần ham học tập của học sinh, từ đó giảm dần học sinh Khmer bỏ học.

Xã Trà Côn, huyện Trà Ôn có hơn 3.000 hộ Khmer sinh sống. Những năm qua, địa phương đã được đầu tư xây dựng trường lớp kiên cố với 4 trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trong đó, Trường Trung học cơ sở Trà Côn A là trường đạt chuẩn Quốc gia, đang được đầu tư xây mới các khối phòng và trang bị nhiều thiết bị học tập hiện đại phục vụ nhu cầu học tập của học sinh. Bên cạnh đó, địa phương cũng tăng cường xã hội hóa đầu tư cho các trường, nâng cấp hệ thống giao thông. Trường lớp khang trang, con đường đến trường của học sinh Khmer bớt khó khăn hơn.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trà Côn Nguyễn Thị Hoàng Oanh, nhận thức của người dân trong việc cho con đi học được nâng lên, tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến lớp tăng dần, tỷ lệ học sinh Khmer bỏ học giảm. Riêng năm học 2019-2020, huy động trẻ từ 3 - 5 tuổi đến lớp đạt 92,4%, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; khối tiểu học không có học sinh bỏ học. Để giảm dần tỷ lệ học sinh bỏ học, địa phương đã chỉ đạo Hội Khuyến học, các đoàn thể thường xuyên nắm tình hình, có phương án hỗ trợ, gắn bó lâu dài giúp các em được duy trì việc học.

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, tỉnh Vĩnh Long đã triển khai thực hiện đề án Tăng cường Tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, tỉnh cũng triển khai dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc Khmer trong các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn nhằm giáo dục ngôn ngữ, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc đồng bào Khmer.

Trường Tiểu học Thạch Thia ở xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình có gần 80% học sinh dân tộc Khmer theo học, được đầu tư khang trang vào năm 2017 với kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Với trang thiết bị hiện đại với nhiều phòng chức năng, phòng bộ môn và các phương tiện giảng cùng với đội ngũ giáo viên được đảm bảo, trường đã trở thành địa chỉ tin cậy để người dân gửi con đến học.

Thầy Nguyễn Tấn Lực, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tại đây, các em học sinh được tăng cường Tiếng Việt, học tiếng Khmer và trau dồi thêm tiếng Anh căn bản ngay từ năm lớp 1. Tiết học tiếng Khmer này không chỉ dành cho học sinh người dân tộc Khmer mà còn dành cho tất cả học sinh đang học tại trường, nhằm tạo sự hiểu biết ngôn ngữ của nhau, giúp các em hòa đồng, giúp đỡ nhau trong học tập.

Anh Thạch Chanh Răng Xây có hai con đang học tại Trường Tiểu học Thạch Thia cho biết: “Trước đây nếu muốn học tiếng Khmer phải vào chùa học vào các dịp nghỉ hè, nên nhiều người Khmer dù biết nói tiếng mẹ đẻ nhưng lại viết chữ không rành. Bây giờ các cháu được học cả tiếng Việt, tiếng Khmer, tiếng Anh tại trường”.

Điểm sáng trong giáo dục vùng dân tộc Khmer

Giờ thể dục của các em học sinh trường Tiểu học Thạch Thia, xã Loan Mỹ (Tam Bình, Vĩnh Long).

Giờ thể dục của các em học sinh trường Tiểu học Thạch Thia, xã Loan Mỹ (Tam Bình, Vĩnh Long).

Là trường chuyên biệt dành cho học sinh phổ thông Khmer của tỉnh Vĩnh Long, những năm qua, Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú được xem là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cho vùng dân tộc Khmer của tỉnh. Tham gia học tập tại trường, các học sinh được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách cho học sinh dân tộc, được quan tâm nuôi dạy và đảm bảo các điều kiện rèn luyện về đức, trí, lực.

Thầy Thạch Song, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường được đầu tư khá đồng bộ về cơ sở vật chất. Các phòng học đều được trang bị tivi, máy chiếu, máy tính để giáo viên dạy học hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng được hưởng các chế độ chính sách, ưu đãi của Nhà nước, tạo động lực trong quá trình công tác, góp phần nâng chất lượng giáo dục qua từng năm. Trong 5 năm qua, số học sinh đạt học lực giỏi, khá của trường đều đạt hơn 88%, tỷ lệ thi đỗ đại học đạt 48%. Riêng năm học 2019-2020, tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi 26,3%, không có học sinh yếu kém; kết quả thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông đạt 100%. Nhà trường cũng quan tâm giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, tạo điều kiện để tham gia sinh hoạt văn hóa, học tập và trình diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Thầy Thạch Song chia sẻ: “Vì các em ở nội trú, xa nhà, xa sự chăm lo giáo dục của cha mẹ nên nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy người mà còn quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Các giáo viên đều được giao nhiệm vụ quan sát việc học, sinh hoạt, tâm tư tình cảm để kịp thời giúp đỡ các em vượt qua khó khăn. Thời gian nghỉ hè, trường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh và địa phương nắm tình hình để có thể hỗ trợ, tư vấn, uốn nắn các em, không để các em bỏ học hay xảy ra các lỗi vi phạm”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, tỉnh đặc biệt quan tâm và chú trọng việc phát triển trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú, xem đây là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer. Hơn 10 năm kể từ khi thành lập, trường đã ươm mầm cho bao thế hệ học sinh dân tộc Khmer, nhiều học sinh được tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ, trưởng thành, trở về phục vụ quê hương.

Về những phum, sóc giờ đây đã có nhiều đổi thay. Những ngôi trường khang trang phần nào làm tươi mới diện mạo nông thôn vùng đồng bào Khmer. Đây chính là động lực để đồng bào Khmer tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn cho việc học của con em.

Bài 2: Chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng khó

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/nang-cao-chat-luong-nhan-luc-vung-dong-bao-khmer-bai-1-dien-mao-giao-duc-tung-ngay-doi-moi-20210430103907914.htm