Nâng cao chất lượng quản lý, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Nhận diện rõ đặc điểm tình hình địa bàn quản lý, thời gian qua, Khu Quản lý đường bộ (QLĐB) III đã có nhiều sáng kiến, giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên.

Các đơn vị chuyên môn Khu QLĐB III kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng một vị trí sạt lở ta-luy dương trên tuyến Trường Sơn Đông qua địa bàn tỉnh Quảng Nam

Các đơn vị chuyên môn Khu QLĐB III kiểm tra, đánh giá mức độ hư hỏng một vị trí sạt lở ta-luy dương trên tuyến Trường Sơn Đông qua địa bàn tỉnh Quảng Nam

Cụ thể hóa chủ trương bằng những giải pháp hiệu quả

Ngày 15/3, Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam) tổ chức Hội nghị Sơ kết 1 năm thực hiện Kế hoạch Nghị quyết số 06-NQ/ĐU ngày 10/11/2022 của Đảng ủy Cục Đường bộ Việt Nam về tăng cường các giải pháp đảm bảo chất lượng công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ (QLBTKCHTGT).

Để thực hiện Nghị quyết 06 hiệu quả, ngay từ đầu, Khu QLĐB III đã xây dựng kế hoạch với những giải pháp hết sức cụ thể, bài bản, khoa học, hợp lý, trên cơ sở nhận diện rõ đặc điểm, tình hình đặc thù của địa bàn phụ trách quản lý. Kế hoạch xác định rõ, yếu tố quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết là nhận thức của con người, vì vậy Khu QLĐB III đã tập trung quán triệt, phổ biến kế hoạch, chủ trương Nghị quyết, từ đó giúp các đơn vị chuyên môn, nhà thầu quản lý bảo trì nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo đảm chất lượng trong QLBTKCHTGT, phát huy sáng kiến, kinh nghiệm và đề ra nhiều giải pháp hiệu quả. Chính vì vậy, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06, chất lượng QLBTKCHTGT trên địa bàn do Khu QLĐB III đã bước đầu có sự chuyển biến rõ nét.

Cụ thể như, về công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên, để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, Khu QLĐB III đã tăng cường kiểm tra công tác chỉ đạo, giám sát của các Văn phòng QLĐB khu vực, kết quả thực hiện của các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên (QL, BDTX). Trong đó, các đơn vị chú trọng việc quản lý, nâng cao chất lượng quản lý, bảo trì, vận hành khai thác tuyến đường, công trình được giao, bảo đảm chất lượng công trình, giao thông an toàn, thông suốt; thực hiện đúng các quy định, phù hợp với thay đổi về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức mới.

Khu QLĐB III đã yêu cầu nhà thầu BDTX chỉ đạo các Hạt QLĐB bố trí tuần đường thường xuyên, bám, nắm tuyến đường thuộc phạm vi quản lý của mình; kịp thời phát hiện hư hỏng trên đường để có phương án xử lý, sửa chữa kịp thời; đối với công trình bị xâm phạm cần có kế hoạch chủ động phối hợp với địa phương, cơ quan liên quan để xử lý; kiểm tra thực trạng năng lực, thiết bị, nhân lực của các nhà thầu để có góp ý, kiến nghị kịp thời.

Hằng tháng, các đơn vị chuyên môn kiểm tra kết quả thực hiện của nhà thầu QL, BDTX; kiểm soát chặt chẽ về kinh phí thực hiện, phục vụ công tác hậu kiểm và phục vụ giải trình thanh tra, kiểm toán về sau. Hàng quý, Khu QLĐB III thành lập đoàn để kiểm tra kết quả thực hiện của nhà thầu QL, BDTX.

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị chuyên môn, nhà thầu quản lý bảo trì đã trao đổi, bàn luận nhiều giải pháp, đề xuất về công tác quản lý đường bộ, bảo trì đường bộ

Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị chuyên môn, nhà thầu quản lý bảo trì đã trao đổi, bàn luận nhiều giải pháp, đề xuất về công tác quản lý đường bộ, bảo trì đường bộ

Với nhiều giải pháp hay về quản lý hành lang ATGT, trong giai đoạn 2021 - 2024, địa bàn do Khu QLĐB III trực tiếp quản lý đang thực hiện 9 gói thầu sản phẩm dịch vụ công tác QL, BDTX công trình đường bộ. Trong quá trình thực hiện, các nhà thầu BDTX luôn chủ động thực hiện công tác QL, BDTX theo nội dung hợp đồng đã ký kết; khắc phục kịp thời các hư hỏng phát sinh về mặt đường, nền đường và hệ thống ATGT trên tuyến, đảm bảo tuyến khai thác thông suốt, an toàn và đã được đánh giá, nghiệm thu theo chất lượng thực hiện, cơ bản đảm bảo yêu cầu.

Để nâng cao công tác quản lý chất lượng, tiến độ các dự án sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, Khu QLĐB III đã tăng cường kiểm tra kiểm soát năng lực của các nhà thầu tư vấn thiết kế, điều hành dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công. Việc lựa chọn nhà thầu thi công công trình nào phải có năng lực phù hợp với yêu cầu, quy mô của từng công trình đó, tránh để xảy ra trường hợp khi triển khai thực hiện mới phát hiện năng lực của nhà thầu không phù hợp, dẫn đến tiến độ thi công chậm, phải gia hạn hợp đồng hoặc bắt buộc xử lý vi phạm hợp đồng.

Về công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ, Khu QLĐB III đã có phương án, biện pháp, chủ động, phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả trong việc phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất các công trình giao thông trên phạm vi quản lý, đảm bảo ATGT, an toàn cho công trình cầu đường trong mọi tình huống; chủ động phối, kết hợp với các cơ quan địa phương để nắm bắt thông tin và hỗ trợ khi có sự cố nghiêm trọng xảy ra, nhằm đảm bảo ATGT và thông xe trong thời gian nhanh nhất.

Ngoài ra, trước mỗi mùa mưa bão cần tổ chức rà soát các điểm xung yếu, các điểm/đoạn thường hay ngập lụt hàng năm. Khu QLĐB III chủ động làm việc với các đơn vị có liên quan để nắm rõ lịch trình xả lũ và phối hợp điều tiết giao thông khi xảy ra ngập lụt; chủ động tháo dỡ các cấu kiện dải phân cách giữa nhằm tăng khả năng thoát nước và lắp đặt lại khi nước đã rút.

Khu QLĐB III được Cục Đường bộ Việt Nam giao quản lý 14 tuyến quốc lộ và cao tốc qua địa bàn 10 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, với tổng chiều dài quản lý 2.784,50 km

Khu QLĐB III được Cục Đường bộ Việt Nam giao quản lý 14 tuyến quốc lộ và cao tốc qua địa bàn 10 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, với tổng chiều dài quản lý 2.784,50 km

Nhận diện tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng quản lý, bảo trì

Trên cơ sở nhận diện rõ các mặt tồn tại, hạn chế, để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 06 hiệu quả, tại Hội nghị, Khu QLĐB III đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường các giải pháp đảm bảo chất lượng công tác QLBTKCHTGT.

Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức việc thực hiện Nghị quyết và kế hoạch đảm bảo chất lượng công tác QLBTKCHTGT; tăng cường trao đổi thông tin, giải đáp các vướng mắc, phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan trong thực hiện, nhất là các cơ quan được giao đầu mối tham mưu với các cơ quan trực tiếp thực hiện; thường xuyên rà soát các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai kịp thời, tránh để thiếu sót nhiệm vụ.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra định kỳ, kiểm tra thường xuyên, kiểm tra chuyên sâu và bổ sung các hình thức khảo sát, kiểm tra khác mang lại hiệu quả cao trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý khắc phục tồn tại, hạn chế, vi phạm (nếu có) về quản lý chất lượng và thực hiện quản lý chất lượng công trình; nâng cao năng lực các cơ quan quản lý dự án, tư vấn lập dự án, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các tư vấn khác; thực hiện rà soát, đề xuất sắp xếp các trung tâm kỹ thuật đường bộ theo chủ trương đã chỉ đạo; đẩy mạnh hợp tác, nghiên cứu với các tổ chức khoa học, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong quản lý, bảo trì và thực hiện Chính phủ số, Chính phủ điện tử.

PV

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/nang-cao-chat-luong-quan-ly-bao-tri-ha-tang-giao-thong-duong-bo-khu-vuc-mien-trung-tay-nguyen-183240315101549077.htm