Nâng cao giá trị sản phẩm chè Bắc Kạn
Chè là một trong những cây trồng thế mạnh được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế hằng năm của tỉnh Bắc Kạn. Nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh sản phẩm chè trên thị trường.
Hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000ha diện tích trồng chè bao gồm giống chè trung du và chè Shan tuyết. Cây chè được tỉnh xác định là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh chè có năng suất, chất lượng hiệu quả như: Vùng chè trung du tại các huyện Chợ Mới, Ba Bể, Chợ Đồn; chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc (Chợ Đồn), Yên Cư (Chợ Mới), Đồng Phúc (Ba Bể).
Nhằm góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm chè, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án hướng dẫn, hỗ trợ cải tạo diện tích chè cằn cỗi, đưa giống chè mới năng suất vào trồng và canh tác theo hướng nông nghiệp sạch hữu cơ và VietGAP. Cùng với đó, chú trọng củng cố các HTX, tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm chè theo mô hình chuỗi giá trị.
Các HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực trồng, chế biến và liên kết tiêu thụ sản phẩm chè như: HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, HTX chè Shan tuyết Bản Cháo, Thái Lạo (Chợ Mới); HTX chè Mỹ Phương, Chu Hương (Ba Bể); HTX chè Bằng Phúc, HTX Hồng Hà (Chợ Đồn)...
Xã Như Cố (Chợ Mới) hiện có 27ha chè trung du, trong đó 24ha được canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP. Đây là tiềm năng, lợi thế để phát triển, nâng cao giá trị cây chè của địa phương, vì vậy HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố đã tập hợp, liên kết các hộ trồng chè để tham gia trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị kinh tế của cây chè. HTX đang thực hiện dự án thâm canh chè theo tiêu chuẩn VietGAP với 54 hộ dân tham gia theo dự án của Sở Khoa học và Công nghệ.
Với 10ha chè đang được canh tác theo tiêu chuẩn nông nghiệp sạch VietGAP, đây là vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn, chất lượng phục vụ cho sản xuất, chế biến. Hiện nay HTX sản xuất ra các loại sản phẩm như: Chè Như Cố móc câu, túi lọc được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng với mẫu mã, bao bì đẹp mắt có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Sản phẩm có mặt ở thị trường nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Thái Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh...
Anh Hà Văn Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh niên Như Cố chia sẻ: "Nhờ có hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ nên hiện nay sản phẩm chè Như Cố được nâng cao về chất lượng, từng bước xây dựng thương hiệu, không những góp phần nâng cao giá trị cây chè địa phương mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và hộ dân liên kết".
Huyện Chợ Đồn hiện có hơn 340ha chè Shan tuyết, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 328ha, riêng xã Bằng Phúc có khoảng 326ha. Trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè như HTX Hồng Hà, HTX chè Bằng Phúc và Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng, xã Phương Viên.
Trong đó, HTX Hồng Hà đang liên kết với các thành viên trồng 15ha chè, hằng năm thu mua búp chè tươi của bà con được khoảng 15 tấn, sản xuất các loại chè thương phẩm gồm trà xanh và hồng trà. Sản phẩm chè của HTX được chứng nhận đạt OCOP 3 sao.
Anh Hoàng Văn Thiều, Giám đốc HTX Hồng Hà cho biết: HTX đang chú trọng cải tạo nâng cao chất lượng, mẫu mã, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm thông qua các kênh bán hàng, hội chợ triển lãm để đưa sản phẩm chè Shan tuyết đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, nâng cao được giá trị kinh tế và thương hiệu sản phẩm chè Shan tuyết của địa phương./.
Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202210/nang-cao-gia-tri-san-pham-che-bac-kan-5a368fa/