Nâng cao hiệu quả giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương

'Nghiên cứu, xây dựng bộ ngữ liệu số góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thái Nguyên' là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh được UBND tỉnh phê duyệt năm 2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy là đơn vị chủ trì thực hiện. Đây là công trình khoa học có ý nghĩa thiết thực, góp phần thực hiện có hiệu quả 'Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030'.

Tiết giảng thực nghiệm bộ ngữ liệu số tại Trường THPT Đại Từ.

Tiết giảng thực nghiệm bộ ngữ liệu số tại Trường THPT Đại Từ.

Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: Thực hiện nhiệm vụ được phân công, các nhóm nghiên cứu đã tiến hành khai thác thông tin, tư liệu thực hiện 47 chuyên đề về lịch sử, văn hóa. Đây là tài liệu tham khảo có tính khoa học và thực tiễn, giúp cho giảng viên, giáo viên truyền đạt kiến thức cho người học theo nội dung chương trình quy định, gồm 11 chuyên đề về lịch sử, văn hóa phục vụ giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thành phố và 36 chuyên đề về lịch sử, văn hóa gắn với từng bài dạy học thuộc tài liệu “Giáo dục địa phương Thái Nguyên” theo khung chương trình cấp THCS và THPT đã được phê duyệt.

Trên cơ sở 47 chuyên đề khoa học đã được nghiên cứu, biên soạn và những hình ảnh, video clip về lịch sử, văn hóa nhóm nghiên cứu đã xây dựng tài liệu điện tử trên nền tảng kỹ thuật số có thuyết minh về lịch sử, văn hóa (47 ngữ liệu số, mỗi ngữ liệu số 10-15 phút) tương ứng với từng chủ đề nội dung giảng dạy với 11 video, clip dạng phóng sự chuyên đề phục vụ giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thành phố; 6 ngữ liệu số sử dụng công nghệ 360 (Công nghệ bảo tàng ảo) và 31 bài giảng điện tử trong khung Chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT tỉnh Thái Nguyên.

Căn cứ kế hoạch thực hiện Đề tài, các chuyên gia đã khai thác thông tin, tư liệu viết 5 cuốn tài liệu hướng dẫn sử dụng công cụ để biên tập và số hóa dữ liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương; hướng dẫn sử dụng ngữ liệu lịch sử, văn hóa tỉnh Thái Nguyên, phục vụ công tác giảng dạy, giáo dục tại Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thành phố và trường THCS, THPT của địa phương.

Tài liệu được xây dựng trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Đề tài là 47 chuyên đề khoa học và 3 bộ ngữ liệu số về lịch sử, văn hóa gắn liền với chương trình giảng dạy, giáo dục hiện hành; dự kiến chuyển giao cho Trường Chính trị tỉnh 1 bộ (gồm 2 video clip dạng phóng sự chuyên đề); trung tâm chính trị các huyện 1 bộ (gồm 9 video clip dạng phóng sự chuyên đề); Sở Giáo dục và Đào tạo 1 bộ (gồm 31 tài liệu điện tử).

Tài liệu được biên soạn theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học với các mức độ phù hợp với cấp học đã được quy định tại chương trình giáo dục, từ cách gắn kết kiến thức với thực tiễn, đến cách tổ chức hoạt động dạy học và học; góp phần đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn và có tính ứng dụng cao. Để có căn cứ đánh giá kết quả nghiên cứu đã được phê duyệt, cơ quan chủ trì thực hiện đề tài tiến hành kiểm thử sản phẩm của đề tài thông qua thực nghiệm sư phạm tại Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện và các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Nội dung kiểm thử là lồng ghép chuyên đề khoa học, ngữ liệu số lịch sử, văn hóa theo chủ đề vào các bài học cho phù hợp thực tiễn, bám sát chương trình giáo dục đào tạo và giảng dạy lý luận chính trị tại 8 lớp khối THCS, 8 lớp khối THPT, 4 lớp học lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh, 18 lớp học lý luận chính trị tại trung tâm chính trị cấp huyện, với 1.000 học viên, học sinh, giảng viên tham dự; đồng thời trả lời các câu hỏi của phiếu điều tra.

Hình ảnh chụp giao diện APP trên điện thoại khi ngữ liệu số đã được tích và chạy thử nghiệm trên ứng dụng C-ThaiNguyen.

Hình ảnh chụp giao diện APP trên điện thoại khi ngữ liệu số đã được tích và chạy thử nghiệm trên ứng dụng C-ThaiNguyen.

Việc xây dựng phần mềm “Quản lý cơ sở dữ liệu ngữ liệu số phục vụ đào tạo bồi dưỡng, tuyên truyền, giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương” là nội dung quan trọng của Đề tài. Phần mềm đã xử lý chuyển đổi số nội dung tài liệu thô của 3 bộ ngữ liệu số gồm: Lời dẫn, hình ảnh, video thành 47 bản tài liệu số về lịch sử văn hóa đảm bảo theo tiến trình dạy học và khung chương trình đã quy định; giúp sắp xếp, phân loại ngữ liệu theo lĩnh vực, theo đối tượng, theo chủ đề một cách khoa học và dần hình thành kho cơ sở dữ liệu ngữ liệu về lịch sử và văn hóa địa phương của tỉnh Thái Nguyên. Tiến tới tích hợp vào ứng dụng C-ThaiNguyen để cung cấp cho người dùng trong và ngoài tỉnh có thể truy cập tra cứu và xem nội dung các ngữ liệu số, giúp cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về lịch sử, văn hóa địa phương được lan tỏa nhanh hơn.

Với những kết quả của Đề tài, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng gắn với công tác chuyển đổi số góp phần tích cực trong việc phát huy truyền thống, lịch sử vẻ vang của Đảng. Từ đó tạo động lực tinh thần to lớn để cổ vũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nỗ lực thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Thảo Nguyên - Kiều Hoa

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/giao-duc/202408/nang-cao-hieu-qua-giao-duc-lich-su-van-hoa-dia-phuong-8b620bd/