Nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với du lịch
Tỉnh Bình Phước đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung.
Bình Phước được xem là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ với tổng diện tích rừng và đất chưa có rừng là trên 171.700 ha; diện tích ngoài quy hoạch 3 loại rừng hơn 482 ha. Từ lợi thế này, địa phương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Phát triển vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung
Bình Phước đang phát triển vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung nhằm chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, tiêu dùng tại địa phương, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Huỳnh Anh Minh, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ đạt 12.778 tỷ đồng; năm 2030 là 29.571 tỷ đồng và nâng cao năng suất, chất lượng các loại rừng, quy hoạch hài hòa các loại rừng, đảm bảo và đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng đạt 21%. Ngoài phát triển kinh tế lâm nghiệp, tỉnh còn đặt mục tiêu nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp, giá trị thu nhập của người dân từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 – 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.
UBND tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã có rừng chủ trì, phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chỉ đạo, điều hành phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn đến các phòng, ban, đơn vị biết và phối hợp thực hiện; có cơ chế hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách địa phương gắn kết với các chương trình, chính sách của tỉnh, huyện nhằm khuyến khích phát triển trồng rừng sản xuất gỗ lớn hiệu quả. Đồng thời, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của địa phương để thu hút vốn đầu tư xã hội phát triển lâm nghiệp trên địa bàn.
Ông Huỳnh Anh Minh cho biết, Bình Phước nghiên cứu, xây dựng các cơ chế đầu tư, hỗ trợ đầu tư, khuyến khích các thành phần tham gia thực hiện bảo vệ và phát triển rừng; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp, đặc biệt là hệ thống đường lâm nghiệp tại các vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, nhằm giảm chi phí đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ ban đầu (kinh phí) cho các chủ rừng kinh doanh gỗ lớn để cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo chuẩn quốc tế nhằm tăng giá trị sản phẩm và hội nhập thị trường quốc tế.
Địa phương đề xuất chính sách miễn hoặc giảm tiền thuê đất và tiền sử dụng đất, chính sách hỗ trợ đầu tư và tín dụng, bảo hiểm rừng trồng đối với những diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn, nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình thực hiện. Tạo cơ chế, chính sách để thu hút, huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trong sản xuất gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, tỉnh tổ chức sản xuất, liên doanh, liên kết, trong đó tổ chức sản xuất chuỗi liên kết giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi, đồng bộ từ trồng rừng, khai thác, chế biến đến tiêu thụ phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất và đặc điểm, lợi thế của từng ngành hàng, từng vùng. Bên cạnh đó, gắn kết phát triển các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; phát triển hình thức liên kết giữa các thành phần kinh tế trong lâm nghiệp; tăng cường phát triển hợp tác giữa doanh nghiệp và người trồng rừng; kết nối các hội, hiệp hội ngành hàng, nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người làm nghề rừng.
Tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh đa dạng, gắn trồng rừng sản xuất gỗ lớn với công nghiệp chế biến và thương mại lâm sản theo chuỗi giá trị; thực hiện hiệu quả các chính sách của Chính phủ về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích phát triển các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đủ khả năng đầu tư theo chuỗi khép kín vào ngành lâm nghiệp và hỗ trợ, dẫn dắt người dân sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ở góc độ ngành, theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Phạm Thụy Luân, đơn vị đã hướng dẫn các địa phương rà soát, đánh giá diện tích đất trống và rừng trồng hiện có để xây dựng vùng nguyên liệu gỗ lớn gắn với cơ sở chế biến trong phạm vi cả nước. Đơn vị phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện lập địa và đáp ứng được yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường, ưu tiên phát triển giống bằng phương pháp mo, hom...
Gắn với phát triển du lịch
Khu vực rừng Bình Phước có các di tích, danh lam thắng cảnh, nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái gắn với rừng như: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Khu du lịch sinh thái thác Đăk Mai 1 (huyện Bù Gia Mập); Khu di tích lịch sử căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (huyện Lộc Ninh); Khu Quần thể văn hóa – cứu sinh Bà Rá (thị xã Phước Long); Khu du lịch Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng); Khu du lịch sinh thái huyện Bù Đốp; Khu du lịch sinh thái rừng Mã Đà (huyện Đồng Phú)…
Phát huy lợi thế này, Bình Phước phấn đấu đến năm 2025 có 100% các Ban Quản lý rừng có tiềm năng về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí hoàn thành việc lập Đề án du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí tại các khu rừng; thông qua các hình thức tự tổ chức thực hiện, liên doanh liên kết và cho thuê môi trường rừng để kêu gọi, chuẩn bị đầu tư được 7 dự án đầu tư về du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí. Đồng thời, kết nối, lồng ghép tuyến du lịch nội với sản phẩm du lịch đặc trưng của Bình Phước theo các tuyến đường Quốc lộ 14, ĐT 741, Quốc lộ 13, đặc biệt là tuyến du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh – Bình Phước – Campuchia – Lào – Thái Lan nhằm thu hút đông đảo du khách đến địa phương.
Năm 2030, xúc tiến, kêu gọi đầu tư được 12 dự án về du lịch sinh thái nghỉ dường, giải trí. Phát triển du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao, xây dựng mới cơ sở hạ tầng theo hướng chất lượng cao, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của du khách. Hiện, Bình Phước đang triển khai đồng bộ giải pháp thực hiện Đề án “Quản lý, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế rừng gắn với phát triển du lịch” nhằm xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật đặc thù; đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Việc thực hiện đề án còn phát huy giá trị về vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên, môi trường rừng, tài nguyên đa dạng sinh học, giá trị văn hóa để cung cấp sản phẩm du lịch, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, học tập, tham quan, nghiên cứu khoa học, góp phần giáo dục cho mọi người ý thức bảo vệ môi trường. Đồng thời chia sẻ lợi ích với người dân, tạo việc làm, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền khẳng định, việc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên cơ sở đảm bảo chức năng của khu rừng, gắn liền hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với phát triển kinh tế của địa phương; đảm bảo hài hòa cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa bản sắc, dân tộc và các di tích lịch sử.
Các chương trình, hoạt động du lịch hợp lý, không vượt quá khả năng chịu tải của hệ sinh thái, kiến trúc của các công trình xây dựng cần hài hòa với cảnh quan rừng, tránh xây dựng các công trình kiên cố với quy mô lớn gây mất rừng, không làm đảo lộn cảnh quan tự nhiên của khu rừng, cũng như phát huy bản sắc văn hóa của các cộng đồng dân cư ở địa phương, tạo sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn.
Ngoài ra, tỉnh tăng cường sự tham gia của bên liên quan và cộng đồng dân cư địa phương vào hoạt động du lịch sinh thái, phát triển dựa trên cơ sở nguồn lực về tài nguyên, cảnh quan, nhân lực và tài chính của các đơn vị chủ rừng nhưng cần tăng cường liên doanh, liên kết, để phát huy nguồn lực về tài chính và kinh nghiệm của tổ chức và cá nhân ở trong và ngoài nước. Đồng thời, hình thành mạng lưới cộng tác từ cộng đồng dân cư thuộc các xã ở vùng đệm, nhằm phát huy giá trị văn hóa và ẩm thực địa phương.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nang-cao-hieu-qua-kinh-te-rung-gan-voi-du-lich/341194.html