Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp
Thực tế những năm qua cho thấy, hàng năm, Quốc hội dành khoảng 20% ngân sách nhà nước (NSNN) chi thường xuyên cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Với mức chi này, việc bố trí kinh phí cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề bảo đảm tỷ lệ theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 (khóa XI). Tuy nhiên, việc phân bổ NSNN chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trong những năm gặp phải những khó khăn, hạn chế cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Chi cho giáo dục nghề nghiệp tăng qua các năm
Theo các quy định hiện hành của Luật NSNN, Luật GDNN và các văn bản hướng dẫn, các nguồn tài chính của cơ sở GDNN bao gồm: Nguồn NSNN và các nguồn tài chính ngoài NSNN.
Trong đó, nguồn NSNN giữ vai trò quan trọng và là nguồn kinh phí chủ yếu trong việc duy trì hoạt động và phát triển dạy nghề. Việc bố trí kinh phí cho giáo dục đào tạo bảo đảm tỷ lệ theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chi thường xuyên NSNN cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong giai đoạn 2011-2015 là 769.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2019 là 884.681 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2011-2016, NSNN chi cho dạy nghề được phân bổ theo Luật NSNN năm 2002; từ năm 2017 đến nay, NSNN bố trí chi cho dạy nghề thực hiện theo Luật NSNN năm 2015.
Theo đó, NSNN không phân bổ riêng cho GDNN mà là chung trong phần chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Do đó, việc thống kê chi NSNN cho GDNN chỉ được xác định trong quá trình phân bổ và giao dự toán của đơn vị dự toán cấp trên cho đơn vị sử dụng ngân sách cấp dưới trực thuộc.
Số liệu thống kê trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc cho thấy, tổng chi thường xuyên ngân sách cho hoạt động đào tạo dạy nghề giai đoạn 2011-2017 đạt khoảng 41 nghìn tỷ đồng; tổng chi thường xuyên ngân sách cho GDNN (bao gồm cả các cơ sở thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo chuyển sang) ghi nhận trên hệ thống giai đoạn 2018-2019 là khoảng 39 nghìn tỷ đồng.
Tổng chi NSNN cho dạy nghề và GDNN giai đoạn 2012-2019 là 80 nghìn tỷ đồng, trong đó các bộ, cơ quan trung ương là 25,9 nghìn tỷ đồng, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 54,1 nghìn tỷ đồng.
Thực tế triển khai phân bổ NSNN cho GDNN thời gian qua cho thấy, hiện nay, việc chi NSNN thực hiện theo 3 nguồn: Kinh phí chi thường xuyên; Vốn đầu tư xây dựng cơ bản; Vốn chương trình mục tiêu và chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong giai đoạn 2011-2020, hoạt động dạy nghề được đầu tư thông qua việc triển khai thực hiện các dự án trong các chương trình mục tiêu như: Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm - Dạy nghề với 2 dự án: Dự án Đổi mới và phát triển dạy nghề, dự án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Chương trình Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Chương trình GDNN- Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 với Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN.
Ngân sách trung ương đầu tư cho GDNN thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2020 là 21.575 tỷ đồng, bằng 2,638 lần so với giai đoạn 2001-2010 (giai đoạn 2001-2010 kinh phí đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia là 8.177 tỷ đồng).
Như vậy, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển hệ thống dạy nghề giai đoạn 2011-2020 tăng lên, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong công tác phát triển dạy nghề.
Tuy nhiên, việc phân bổ NSNN chi cho GDNN trong những năm qua cũng gặp phải những khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ chi NSNN cho GDNN đang có xu hướng giảm dần, gây khó khăn trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc nâng cao chất lượng dạy và học của các trường.
Cùng với đó, việc huy động, bố trí kinh phí của bộ, ngành, địa phương cho công tác phát triển dạy nghề còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Điều này dẫn tới việc đầu tư thiết bị cho các ngành, nghề trọng điểm chưa được đồng bộ; một số bộ, ngành, địa phương phân bổ và giao kinh phí thực hiện các dự án còn chậm; trong triển khai thực hiện còn chưa đúng các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội…
Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN cho giáo dục nghề nghiệp
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực từ NSNN cho GDNN, thời gian tới cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi và hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính tai các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với tỷ lệ phân bổ NSNN hàng năm.
Hai là, để tăng hiệu quả chi NSNN cho hoạt động GDNN cần phân tách rõ nguồn cấp phát kinh phí của Nhà nước cho cơ sở GDNN thành 2 loại (cấp phát kinh phí theo trường và cấp phát theo kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao).
Ba là, trong bối cảnh NSNN còn khó khăn thì việc phân bổ nguồn lực đầu tư cho các cơ sở GDNN trọng điểm cần tính toán kỹ lưỡng theo danh mục đầu tư GDNN. Để thực hiện tốt nội dung này, việc đấu thầu cung ứng dịch vụ GDNN trong khuôn khổ dự toán NSNN dự kiến được phân bổ thì mới cải thiện được hiệu quả đầu tư cho GDNN.
Bốn là, bên cạnh nguồn NSNN trung ương cấp, các địa phương cần ưu tiên phân bổ chi NSNN cho GDNN trong tổng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo. Đồng thời, gia tăng các khoản thu hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong các cơ sở GDNN công lập.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, chi thường xuyên NSNN cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong giai đoạn 2011-2015 là 769.000 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2019 là 884.681 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2011-2016, NSNN chi cho dạy nghề được phân bổ theo Luật NSNN năm 2002; từ năm 2017 đến nay, NSNN bố trí chi cho dạy nghề thực hiện theo Luật NSNN năm 2015.
Ngân sách trung ương đầu tư cho GDNN thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2020 là 21.575 tỷ đồng, bằng 2,638 lần so với giai đoạn 2001-2010 (giai đoạn 2001-2010 kinh phí đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia là 8.177 tỷ đồng).