Nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác xã hội

Qua nhiều năm thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội, đội ngũ cộng tác viên, nhân viên công tác xã hội toàn tỉnh đã được bổ sung cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, đội ngũ cán bộ này phải thường xuyên trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng, học hỏi kinh nghiệm hướng tới chuyên nghiệp hóa.

Cộng tác viên công tác xã hội tham gia tập huấn trợ giúp người dân trong thiên tai. Ảnh: KIM CHI

Cộng tác viên công tác xã hội tham gia tập huấn trợ giúp người dân trong thiên tai. Ảnh: KIM CHI

Toàn tỉnh hiện có 100% xã, phường, thị trấn có cộng tác viên (CTV), nhân viên công tác xã hội (CTXH) với hơn 800 người. Đội ngũ này trợ giúp các nhóm người thuộc diện bảo trợ xã hội, người nghèo và các đối tượng xã hội khác tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.

Chú trọng kỹ năng nghề

Bà Huỳnh Phạm Ái Thy, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) cho biết: Xác định việc triển khai thực hiện nghề CTXH là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng, đảm bảo an sinh xã hội, thời gian gần đây, Sở LĐTB&XH liên tục mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực CTXH cho đội ngũ CTV, nhân viên CTXH trong toàn tỉnh với nhiều nội dung khác nhau.

Chị Phạm Thị Ngọc Diễm, CTV CTXH xã Hòa Phú (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Tôi mới tham gia lớp CTXH trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tôi thấy lớp học này rất bổ ích. CTXH là một nghề rất vất vả, người làm nghề phải thật sự hiểu những khó khăn của các đối tượng bảo trợ để có hướng xử lý cũng như giúp đỡ họ trong nhiều tình huống. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên tham gia các lớp học nâng cao kỹ năng nghề để nâng cao kiến thức và kỹ năng giải quyết các vấn đề xã hội tại địa phương.

Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Diễm, CTV CTXH xã An Lĩnh (huyện Tuy An) nói: Qua đợt tập huấn, với sự truyền đạt kiến thức của các chuyên viên, đội ngũ làm công tác trợ giúp xã hội như chúng tôi hiểu hơn hoàn cảnh của những người khó khăn trong cuộc sống. Qua đó có thái độ chân thành, đồng cảm, biết lắng nghe và thấu hiểu nhu cầu khẩn cấp của họ để kịp thời đáp ứng nhanh nhất. Đồng thời, chúng tôi cũng nâng cao năng lực chuyên môn để làm tốt vai trò của mình trong việc trợ giúp người dân trước, trong và sau thiên tai.

Hướng đến chuyên nghiệp hóa

Toàn tỉnh hiện có trên 50.000 người được nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng. 100% xã, phường, thị trấn đã có CTV, nhân viên CTXH với hơn 800 người, tạo thành một mạng lưới cán bộ, CTV và nhân viên CTXH rộng khắp.

Theo bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, thời gian đầu, đại đa số chưa biết đến khái niệm về CTXH, nhưng với từng bước đi khá vững chắc, ngành chuyên môn đã phối hợp với các cấp, ngành từng bước đưa khái niệm này đến với mọi người và đạt được một số kết quả tích cực.

Tuy nhiên, thời gian qua, đội ngũ làm CTXH đa phần phát triển có tính tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên, hội LHPN, hội người cao tuổi, hội CCB, cán bộ phường, xã… và đôi khi là những người dân tự nguyện tham gia. Đa số làm việc theo kinh nghiệm, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH còn hạn chế. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư thiếu tính bền vững.

Mục tiêu tổng thể của Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các cấp, ngành phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ của người dân.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Phạm Thị Minh Hiền

Trước thực tế đó, cùng với tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí của nghề CTXH và cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, Sở LĐTB&XH sẽ mở nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ năng CTXH, tiến tới hình thành một hệ thống chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ CTXH cho người dân và hình thành đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và CTV chuyên nghiệp.

“Mục tiêu tổng thể của Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh là tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các cấp, ngành phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ của người dân.

Với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và hiểu rõ ý nghĩa của nghề CTXH, những người công tác trong lĩnh vực CTXH sẽ góp phần không nhỏ trong việc giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, hướng đến một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”, bà Hiền cho biết.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/317594/nang-cao-nang-luc-doi-ngu-lam-cong-tac-xa-hoi.html