Nâng cao năng lực dự phòng, khám chữa bệnh Răng-Hàm-Mặt tại Kon Tum
Sáng 17/4, tại thành phố Kon Tum, Đoàn công tác của Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh làm việc với Sở Y tế tỉnh Kon Tum về triển khai mô hình Trường-Trạm (Nha học đường), thực hiện Đề án 5628 năm 2024.
Buổi làm việc nhằm đánh giá thực trạng hoạt động của ngành Răng-Hàm-Mặt (điều trị và dự phòng), hoạt động nha học đường của tỉnh Kon Tum năm 2023 và kế hoạch năm 2024; Đánh giá công tác khám chữa bệnh tại khoa Răng Hàm Mặt của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum; Triển khai các nội dung thuộc Đề án nâng cao năng lực khám chữa bệnh Răng Hàm Mặt và dự phòng bệnh Răng miệng cộng đồng giai đoạn 2021-2030 (Đề án 5628).
Hiện nay, tỉnh Kon Tum chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh có khoa Răng-Hàm-Mặt riêng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi, Trung tâm Y tế các huyện có giường bệnh đều thuộc diện liên chuyên khoa, trong đó Trung tâm Y tế các huyện Sa Thầy và Kon Rẫy chưa có bác sĩ chuyên khoa Răng-Hàm-Mặt. Có 28 phòng khám chuyên khoa Răng-Hàm-Mặt tư nhân.
Khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum được phân bố 15 giường bệnh với 8 nhân viên y tế, trong đó có 3 bác sĩ và 5 điều dưỡng. Triển khai các lĩnh vực cơ bản: nội nha, nhổ răng và phẫu thuật miệng, cấp cứu (chấn thương và viêm nhiễm miệng-hàm mặt), chấn thương hàm mặt, phẫu thuật bệnh lý hàm mặt.
Về công tác nha học đường, tỉnh Kon Tum có 75,5% trạm y tế phân công chuyên trách nha học đường. Cán bộ nha học đường mới chưa được đào tạo, tập huấn và hướng dẫn triển khai quản lý chương trình nha học đường. Mối liên hệ giữa các cơ sở y tế và trường học chưa sâu, chưa thường xuyên. Chuyên trách nha học đường tuyến huyện, xã thường xuyên thay đổi. Các trường học hầu như không có các trang thiết bị phục vụ công tác nha học đường.
Trong quá trình triển khai công tác nha học đường, tỉnh Kon Tum gặp những khó khăn, vướng mắc như: đa số nhân viên y tế trường học là giáo viên kiêm nhiệm; một số được đào tạo y tế (điều dưỡng, y sĩ…) nhưng không được đào tạo về nha khoa; có 85% trường học có phòng y tế trường học nhưng không có phòng nha học đường; thiếu thiết bị cơ bản cho công tác nha học đường tại trường học…
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, Sở Y tế tỉnh Kon Tum kiến nghị, đề xuất Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật khám chữa bệnh Răng-Hàm-Mặt cho các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh; hỗ trợ một số phương tiện, thiết bị thuộc khuôn khổ đề án; hỗ trợ triển khai mô hình Trường-Trạm tại tỉnh Kon Tum bao gồm: đào tạo nhân lực triển khai mô hình, hỗ trợ vật tư y tế, thiết bị nha khoa (ghế nha lưu động, dụng cụ trám bít hố rãnh…)
Phát biểu tại buổi làm việc, Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa II Lê Trung Chánh, Giám đốc Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh đồng ý với các kiến nghị, đề xuất của Sở Y tế tỉnh Kon Tum: kiểm tra kỹ thuật sẵn sàng hỗ trợ, triển khai công tác nha học đường trên địa bàn tỉnh; xây dựng kế hoạch đến tháng 9/2024 triển khai đào tạo, hỗ trợ chuyên môn để cấp chứng chỉ hành nghề cho từ 4-6 bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành nha khoa; vận động tài trợ để triển khai tốt công tác nha học đường.
Kết luận buổi làm việc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum Võ Văn Thanh cảm ơn sự giúp đỡ của Bệnh viện Răng-Hàm-Mặt Trung ương Thành phố Hồ Chí Minh, cam kết triển khai tích cực để chương trình nha học đường đi vào thực tế và có hiệu quả. Bố trí nhân lực, xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực tế xuống các địa phương.