Nâng cao năng lực tiếp cận thị trường của các làng nghề
Thời gian qua, các làng nghề tại TP. Phổ Yên đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Làng nghề gỗ mỹ nghệ Cẩm Trà thuộc phường Trung Thành hiện có hơn 30 xưởng sản xuất con tiện cầu thang, với trên 300 lao động làm việc thường xuyên. Ông Ngô Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ dân phố Cẩm Trà, cho biết: Người dân nơi đây phát triển nghề mộc từ rất lâu, song đến năm 2001, Cẩm Trà mới được công nhận làng nghề. Hiện, số lượng cơ sở sản xuất tuy có giảm hơn do khó khăn về nguồn nguyên liệu cũng như đầu ra, song gỗ mỹ nghệ vẫn là nguồn thu nhập chính của không ít gia đình. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các cơ sở sản xuất đã đầu tư máy móc hiện đại, thuê lao động có tay nghề cao để sản xuất những con tiện có mẫu mã đa dạng, tinh tế…
Anh Nguyễn Văn Chí, chủ một cơ sở sản xuất con tiện cầu thang, cho biết: Để duy trì ổn định, hằng năm, ngoài việc đầu tư cải tiến máy móc, cơ sở cũng quan tâm nâng cao tay nghề, cải thiện môi trường làm việc cho công nhân. Đặc biệt, năm 2019, nhờ được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng, gia đình tôi đã đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng thêm hơn 2.000m2 để sản xuất các mặt hàng nội thất từ nhựa, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động. Hiện, bình quân mỗi tháng, cơ sở xuất bán ra thị trường trên 10.000 con tiện cầu thang và khoảng 500-700 sản phẩm nội thất nhựa.
Cùng với các làng nghề mộc mỹ nghệ, mây tre đan, các làng nghề chè trên địa bàn thành phố cũng được duy trì và phát triển hiệu quả. Theo đó, việc sản xuất, chế biến đã được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ; sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, đầu tư máy móc chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; sử dụng tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng...
Việc phát triển các làng nghề không chỉ giúp bà con gắn kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, mà còn tạo điều kiện hình thành các mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, một số sản phẩm chè của các doanh nghiệp, hợp tác xã đã từng bước khẳng định thương hiệu như: Hợp tác xã chè Công Tâm Minh Đức, Hợp tác xã chè Đức Cường, Hợp tác xã chè Phúc An, Công ty CP Trà Việt Thái…
Ông Đỗ Công Hanh, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận, cho biết: Ngoài 11 làng nghề chè truyền thống, trên địa bàn xã còn liên kết thành lập 6 tổ hợp tác sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ. Nhằm bắt kịp xu thế phát triển hiện nay, các làng nghề đã áp dụng công nghệ trong việc quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm trên các nền tảng xã hội...
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tại các làng nghề, thời gian qua, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, TP. Phổ Yên cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân tại các làng nghề tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Riêng năm 2023, cơ quan chuyên môn của thành phố đã phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp - PTNT) tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho 180 hộ dân tại các làng nghề và làng nghề chè truyền thống của xã Phúc Thuận, Minh Đức, Thành Công; hỗ trợ 10 điểm tưới nước tiết kiệm trên diện tích 20ha, với kinh phí 700 triệu đồng; hỗ trợ trồng mới 30ha chè, với kinh phí gần 300 triệu đồng…
Trước đó, thành phố cũng tạo điều kiện để các làng nghề tham gia Chương trình OCOP, trong đó tập trung hỗ trợ các làng nghề xây dựng website giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động tại các làng nghề, nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, giá thành phù hợp, có sức cạnh tranh trên thị trường…
Theo ông Dương Văn Hiến, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Phổ Yên: Các làng nghề đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế địa phương, giải quyết hiệu quả "bài toán" tạo việc làm cho lao động nông thôn, trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Toàn thành phố hiện có trên 7.000 lao động làm việc tại các làng nghề, với mức thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/tháng (tăng hơn 1 triệu đồng so với năm 2022).
Năm 2023, tổng doanh thu của các làng nghề ước đạt trên 57 tỷ đồng (tăng trên 5 tỷ đồng so với năm 2022). Nhiều sản phẩm của các làng nghề đã có thương hiệu và được đánh giá cao trên thị trường như: Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của Làng nghề mộc mỹ nghệ Giã Trung (phường Tiên Phong), sản phẩm chè tại các làng nghề thuộc xã Phúc Thuận, Minh Đức...
Dù đã có những bước phát triển tích cực, song hầu hết các làng nghề trên địa bàn TP. Phổ Yên vẫn còn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo được các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, chất lượng các sản phẩm chưa đồng đều, mẫu mã chưa đa dạng, công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm còn hạn chế… Vì vậy rất cần những giải pháp cụ thể, thiết thực và phù hợp từ các cấp, ngành để các làng nghề phát triển bền vững.