Nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống tác hại của thuốc lá

Hút thuốc lá không chỉ có hại cho chính mình, mà còn gây hại đến những người xung quanh khi hít phải khói thuốc. Trên thế giới, mỗi năm hơn 8 triệu người chết vì sử dụng thuốc lá, trong đó có 1,2 triệu ca tử vong do hút thụ động. Những năm qua, công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá đã được tăng cường. Tuy nhiên nhận thức của một số người vẫn còn hạn chế, tỷ lệ người mắc bệnh liên quan đến thuốc lá vẫn gia tăng. Vì vậy, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành, cơ quan, địa phương trong tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL).

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tìm hiểu kiến thức về PCTHTL.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tìm hiểu kiến thức về PCTHTL.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á. Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao. Thực trạng sử dụng thuốc lá và các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng trong thanh thiếu niên toàn cầu và tác hại của việc sử dụng các sản phẩm này.

Tại Thanh Hóa thời gian vừa qua, với sự giúp đỡ hỗ trợ từ Quỹ PCTHTL - Bộ Y tế, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của người dân, công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực. 100% cơ sở y tế, trường học và trên các phương tiện giao thông công cộng, tại nơi làm việc của các công sở đã gắn biển cấm hút thuốc, tổ chức ký cam kết xây dựng đơn vị không khói thuốc, môi trường không khói thuốc. Các hoạt động xây dựng nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khu du lịch, khách sạn, nhà hàng không khói thuốc được triển khai nhân rộng; nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường được nâng lên. Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế đã phối hợp đẩy mạnh giáo dục về tác hại của thuốc lá và PCTHTL, chất kích thích; lồng ghép trong các môn học như: Giáo dục công dân, Sinh học, Hoạt động trải nghiệm... tạo ra nhiều sân chơi để các em tránh xa thuốc lá. Hai sở cũng phối hợp tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về THTL trong trường phổ thông và các cơ sở giáo dục thường xuyên...

Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc tăng cường quản lý thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, giao Sở Y tế tăng cường cung cấp thông tin cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an các cấp tăng cường điều tra, nắm tình hình, tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây, ổ nhóm, đối tượng buôn bán, pha trộn các chất cấm vào dung dịch thuốc lá điện tử...

Tuy vậy, công tác PCTHTL tại Thanh Hóa hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn và thách thức do vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức hút thuốc lá không đúng nơi quy định, đặc biệt là tại cơ quan, công sở khiến hiệu quả của việc tuyên truyền về THTL vẫn còn hạn chế. Một số người dân còn chưa nhận thức được mức độ tổn thất to lớn về sức khỏe, kinh tế và môi trường do thuốc lá gây nên, chưa thấy được THTL là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm. Đặc biệt, thời gian gần đây, thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên. Đồng thời, gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội. Hàng năm, tại các cơ sở y tế đều ghi nhận bệnh nhân dưới 18 tuổi nhập viện điều trị do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Đến khám tại Bệnh viện Phổi Thanh Hóa sau khi có dấu hiệu ho nhiều, sốt, sút cân, bệnh nhân L.V.Ch được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khi nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu bị suy hô hấp, khó thở. Qua khai thác tiền sử bệnh tật, bệnh nhân cho biết đã hút thuốc lá nhiều năm. Bệnh nhân Ch. chia sẻ: “Khi làm việc căng thẳng, hay mỗi lần tụ tập cùng bạn, tôi thường hút thuốc, tôi cũng không ngờ việc hút thuốc lại ảnh hưởng đến sức khỏe nặng nề như vậy”.

Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Phổi Thanh Hóa cho biết: "Là cơ sở y tế chuyên về điều trị các bệnh lao - phổi, bệnh viện đã có nhiều cách tuyên truyền để bệnh nhân, người nhà bệnh nhân không sử dụng thuốc lá trong khuôn viên bệnh viện. Ngay từ cổng ra vào, các hành lang cho đến buồng bệnh đều có treo các bảng biển cấm hút thuốc lá; mỗi một cán bộ y tế của bệnh viện là một tuyên truyền viên về PCTHTL. Tuy đã đạt được những kết quả nhất định nhưng trên thực tế, việc thực thi Luật Phòng PCTHTL vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi lẽ, thuốc lá có khả năng gây nghiện, trong khi đây là loại hàng hóa có giá bán rẻ, người dân rất dễ tiếp cận để mua và hút thuốc như một thói quen khó bỏ, hàng năm tỷ lệ bệnh nhân nhập viện điều trị có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào chiếm hơn 50%. Các bệnh thường gặp như lao phổi âm tính, viêm phổi, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính".

Để tiếp tục tăng cường thực thi Luật PCTHTL, nâng cao nhận thức của cộng đồng về THTL, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá, các ngành, các cấp, các đoàn thể và địa phương cần tiếp tục phối hợp với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền Luật PCTHTL. Đồng thời vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá. Nói không với thuốc lá là mỗi người đã bảo vệ sức khỏe của chính mình, người thân và những người xung quanh, góp phần làm nên một xã hội khỏe mạnh với môi trường sống trong lành không khói thuốc lá.

Bài và ảnh: Tô Hà

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nang-cao-nhan-thuc-cong-dong-ve-phong-chong-tac-hai-cua-thuoc-la-233557.htm