Nâng cao quyền lợi người lao động thông qua thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể có vai trò quan trọng trong xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa lợi ích, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Chính vì vậy, tổ chức công đoàn các cấp luôn xác định, thỏa ước lao động tập thể là phương tiện hữu hiệu, là 'chiếc chìa khóa' góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của đoàn viên, người lao động.

Công ty cổ phần dệt may Tiên Hưng (Hưng Yên) phối hợp Bệnh viện Dệt may Việt Nam tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công nhân viên nhân Tháng Công nhân 2024. (Ảnh MAY TIÊN HƯNG)

Công ty cổ phần dệt may Tiên Hưng (Hưng Yên) phối hợp Bệnh viện Dệt may Việt Nam tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công nhân viên nhân Tháng Công nhân 2024. (Ảnh MAY TIÊN HƯNG)

Thời gian qua, với sự nỗ lực của các cấp công đoàn, số lượng, chất lượng thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp đã có thay đổi đáng kể, ngày càng thực chất hơn, tập trung vào những cam kết thiết thực có lợi cho người lao động, như: hỗ trợ về nhà ở; thưởng năng suất lao động; chế độ tham quan, nghỉ dưỡng; tăng giá trị bữa ăn ca; phụ cấp môi trường, phụ cấp thâm niên, trợ cấp sinh hoạt, thai sản, nuôi con nhỏ hay hỗ trợ tiền tàu xe cho công nhân về quê dịp Tết; hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động văn hóa-thể thao cuối tuần...

Số liệu từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2018-2023, đã có gần 15,9 nghìn bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp được ký mới, tăng 6,47%. Trong đó, tỷ lệ thỏa ước đạt loại B trở lên là 48,2%, tăng 19,6%; đã ký kết 22 bản thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp, 3 thỏa ước lao động tập thể ngành, mang lại lợi ích cao hơn luật cho hơn 7 triệu lao động. Thông qua việc hình thành thỏa ước nhóm, doanh nghiệp sẽ liên kết chặt chẽ với nhau trong chăm lo, giúp người lao động có thêm động lực làm việc, hạn chế tối đa tình trạng “nhảy việc”, là cơ hội thiết thực để người lao động cải thiện phúc lợi, góp phần thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa trong doanh nghiệp.

Thực tiễn cho thấy, một bản thỏa ước đạt loại A luôn tập trung ở những doanh nghiệp thật sự coi người lao động là vốn quý, là tài sản của mình. Ở chiều ngược lại, nếu doanh nghiệp coi lợi nhuận, để đạt được 1 điều khoản có lợi hơn quy định của luật thì đó là mồ hôi, công sức của cán bộ công đoàn cơ sở. Do vậy, một cuộc thương lượng được quyết định thành hay bại luôn có dấu ấn lớn của đội ngũ thương lượng. Điều này phụ thuộc lớn vào sự hiểu biết luật pháp, nắm chắc tình hình kinh doanh của doanh nghiệp cũng như kỹ năng, hiểu biết, sự linh hoạt, kiên trì, nhất là cái tâm đối với người lao động của đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở.

Bên cạnh đó, việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại một số doanh nghiệp chủ yếu làm hình thức, đối phó dẫn đến chất lượng thỏa ước thấp. Theo các chuyên gia lao động, công đoàn, nguyên nhân chủ yếu là do mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở “bất” cân xứng. Đại diện người lao động chưa thật sự “có tiếng nói” trong doanh nghiệp, thường làm kiêm nhiệm, hưởng lương từ doanh nghiệp, kỹ năng thương lượng yếu, dẫn đến nhiều nội dung của thỏa ước còn xuất phát từ ý chí của người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, bản thỏa ước không có dấu ấn của công đoàn cấp trên cơ sở thường là bản thỏa ước chất lượng không cao.

Để ngày càng có nhiều bản thỏa ước lao động tập thể đạt chất lượng cao, tổ chức công đoàn cần tiếp tục chú trọng, không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn cơ sở; thành lập các tổ thương lượng tập thể, trong đó mỗi thành viên tham gia đều phải là những chuyên gia am hiểu về pháp luật lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, chịu khó đeo bám vấn đề, có tâm huyết với người lao động, từ đó xây dựng nội dung thương lượng bảo đảm đạt được cao nhất nguyện vọng, lợi ích của tập thể lao động.

Ở khía cạnh vĩ mô, để nâng về chất và lượng của thỏa ước lao động tập thể trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng cần đẩy mạnh vai trò của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cũng như cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp trong việc thúc đẩy thương lượng tập thể. Trước tiên cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó chú trọng việc bổ sung hành lang pháp lý trong xử phạt doanh nghiệp từ chối ký thỏa ước; làm rõ vai trò, trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đào tạo kỹ năng thương lượng tập thể cho các bên tham gia cũng như trong xây dựng, cung cấp các thông tin, dữ liệu về kinh tế-xã hội, thị trường lao động, quan hệ lao động nhằm hỗ trợ, thúc đẩy thương lượng tập thể.

Thực tế đặt ra yêu cầu cần có cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong việc hướng dẫn, kiểm tra, xử lý, giám sát quá trình thương lượng, ký kết thỏa ước, bảo đảm nội dung thỏa ước lao động tập thể không trái pháp luật, hiệu quả thực thi cao.

Theo nhandan.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nang-cao-quyen-loi-nguoi-lao-dong-thong-qua-thoa-uoc-lao-dong-tap-the-5017057.html